Nhiều luận chứng, luận cứ khoa học và tư liệu quý làm sáng tỏ về vai trò lịch sử của chiến khu Ba Lòng

Quang cảnh buổi hội thảo- Ảnh: NV

Đề dẫn tại hội thảo nêu rõ: Sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, năm 1947, Tỉnh ủy ảng Trị quyết định rút toàn bộ lực lượng vào Ba Lòng, bởi Ba Lòng có đầy đủ các điều kiện để xây dựng thành một căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 14/4/1947, BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mở cuộc họp tại Teng Teng (Triệu Phong) quyết định chọn vùng đất phía Tây Triệu Phong, Hải Lăng từ Hòn Linh, Bợc Lở, qua Khe Su, Khe Cau, Ba Lòng kéo dài xuống Bơơng, phía Hòn Linh kéo dài xuống Hải Đạo để xây dựng căn cứ cách mạng gọi là chiến khu Ba Lòng.

Chiến khu Ba Lòng ra đời trở thành nơi hoạt động, trụ sở các cơ quan Đảng, Ủy ban kháng chiến hành chính, đoàn thể, bộ đội chủ lực, các công binh xưởng, là trung tâm lãnh đạo kháng chiến. Tại đây đã diễn ra các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, hội nghị, cuộc họp có ý nghĩa quyết định đến công cuộc kháng chiến chống Pháp ở địa phương.

Đây cũng là nơi diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và địch, các sự kiện liên quan đến 3 tỉnh Bình- Trị- Thiên, nơi thành lập Trung đoàn 6 tức Trung đoàn Phú Xuân, ngày 10/10/1965, Quân đoàn 2 tức Binh đoàn Hương Giang, ngày 17/5/1974, là trạm dừng chân an toàn cho lãnh đạo Đảng, các đoàn cán bộ của các liên khu Bắc vào Nam.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết ngày 21/7/1954, Ba Lòng trở thành quận hành chính dưới sự thống trị chính quyền Sài Gòn. Rạng sáng ngày 9/2/1964, quân giải phóng tấn công chớp nhoáng và làm chủ quận lỵ Ba Lòng chỉ sau 25 phút. Chiến thắng này đã làm nức lòng quân dân Quảng Trị cũng như quân dân của hai miền Nam Bắc đất nước.

Ngày 6/2/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 49 công nhận Ba Lòng là xã An toàn khu của Trung ương đặt tại tỉnh Quảng Trị trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Hội thảo đã thu hút được nhiều đại biểu là tiến sĩ, thạc sĩ của Trường Chính trị Lê Duẩn và các ngành, địa phương trong tỉnh tham luận đưa ra nhiều luận chứng, luận cứ khoa học và tư liệu quý làm sáng tỏ về vai trò lịnh sử của chiến khu Ba Lòng trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc ta.

Nguyễn Vinh