Những mối lương duyên Đồng Nai - Hà Tiên thời mở cõi

Khu lăng mộ dòng họ Mạc ở núi Bình San, thành phố Hà Tiên. Ảnh: H.Lam

Người có công lập nên vùng đất Hà Tiên trù phú hôm nay, đưa Hà Tiên vào bản đồ nước Việt là Tổng binh Mạc Cửu. Ông đã kết hôn với bà Bùi Thị Lẫm, người ở Đồng Môn, trấn Biên Hòa. Mấy mươi năm sau, con gái duy nhất của Tổng binh Mạc Cửu và bà trở thành con dâu xứ Đồng Nai, từ đó kết mối thông gia nhiều đời giữa hai họ Mạc - Trần.

* Bùi Thị Lẫm, Tổng trấn phu nhân nơi đầu sóng ngọn gió

Năm 1679 có thể nói là cột mốc quan trọng đối với những người Trung Quốc “phản Thanh phục Minh” khi Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch đến nước ta thần phục chúa Nguyễn. Khi đó, chúa Nguyễn đã chỉ định cho nhóm người này đến khai khẩn vùng đất mới Biên Hòa và Mỹ Tho, mở đường cho dòng người Minh hương sang lập nghiệp ngày càng nhiều, trong đó có Mạc Cửu, quê ở Lôi Châu (Quảng Đông).

Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Mạc Cửu do không khuất phục chính sách ban đầu của nhà Đại Thanh nên chạy qua phương Nam, trú tại phủ Nam Vang nước Cao Miên vào năm 1680. Sau này, ông bỏ tiền ra mua chức Ốc nha (một chức quan phụ trách ở địa phương), đứng ra chiêu mộ người Việt, người Hoa, Cao Miên, Đồ Bà (Chà và) lưu tán ở các xứ Lũng Kè, Cần Bột, Vũng Thơm (3 địa danh này hiện ở Campuchia), Phú Quốc, Giá Khê (tức Rạch Giá), Cà Mau lập thành 7 xã thôn trải dài ven biển suốt từ Kompongsom về tận Cà Mau. Ông xây dựng thành lũy, mở phố xá cho thương nhân đến buôn bán, lập cảng biển Hà Tiên, kêu gọi người dân khai khẩn đất hoang mà không thu tô thuế, chỉ đứng ra tổ chức mua sản phẩm để bán lại cho khách buôn. Vì thế, lưu dân quy tụ ngày càng đông khiến khu vực này dần trở nên trù phú, sầm uất.

Về cái chết oan ức của Định Viễn hầu Trần Đại Định, PGS-TS Huỳnh Văn Tới đã viết vở Ánh đèn khuya (Đăng Minh chuyển thể cải lương, NSND Giang Mạnh Hà đạo diễn), mượn tích xưa để nói chuyện nay về sự anh minh, sáng suốt, biết tự kiểm điểm để sửa lỗi của người làm công tác lãnh đạo.

Về vị trí địa lý, vùng đất do Mạc Cửu cai quản chiếm giữ địa thế quan trọng trên tuyến giao thương biển truyền thống của vùng Đông Nam Á. Bên cạnh đó, chính sách thu dụng lưu dân không kể dân tộc, tôn giáo đã biến nơi này thành kho lúa dồi dào. Cứ thế, Mạc Cửu dần kiểm soát khu vực duyên hải và cảng biển Hà Tiên, xây dựng một trung tâm kinh tế - chính trị cho riêng dòng họ Mạc.

Sự thịnh vượng của nơi này đã khiến các thế lực chính trị xung quanh thèm khát và muốn chiếm đoạt. Khoảng năm 1687-1688, quân Xiêm vào cướp phá, tìm cách bắt Mạc Cửu đưa về Xiêm nhưng ông trốn được về Lũng Kè (vùng Peám, nay thuộc Sihanoukville, Campuchia). Tương truyền, thời gian này, ông trú tại nhà bà Bùi Thị Lẫm. Bà Lẫm từ nhỏ theo gia đình lưu lạc nhiều nơi, sau đó lập nghiệp ở đây. Mạc Cửu xin cưới bà làm vợ. Từ đấy, bà đem hết tâm huyết, sức lực giúp chồng trong công cuộc khai khẩn mở mang vùng đất biên giới Tây Nam.

Sự cố phải trốn chạy nói trên khiến Mạc Cửu nhận ra rằng bản thân chưa đủ sức mạnh để tự bảo vệ và tồn tại; tình hình chính trị ở Cao Miên lúc bấy giờ cũng tranh giành rối ren, dẫn đến thế lực suy giảm, không đủ dựa vào. Vì thế, năm 1708, “Mạc Cửu sai thuộc hạ là Trương Cầu, Lý Xá dâng biểu trần trình lên kinh đô Phú Xuân khẩn cầu xin được đứng đầu trông coi đất ấy. Tháng 8 mùa thu năm thứ 18 Mậu Tý (1708), chúa Nguyễn Phúc Chu chuẩn ban cho Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc hầu” (Theo Gia Định thành thông chí).

Theo Hà Tiên trấn Mạc thị gia phả do Vũ Thế Dinh biên soạn thì Mạc Cửu chỉ có 2 người con với bà Bùi Thị Lẫm là trưởng nam Mạc Thiên Tứ (còn có tên là Mạc Tông, Mạc Thiên Tích) và trưởng nữ Mạc Kim Định.

Cuộc đời bà Bùi Thị Lẫm là chuỗi ngày giúp chồng dạy con, trải qua rất nhiều gian truân vất vả bởi Hà Tiên khi ấy ở vị trí “đầu sóng ngọn gió”. Nhiều phen bà phải cùng gia đình đi lánh nạn rồi lại quay về gây dựng lại. Trong thành tựu của họ Mạc ở Hà Tiên, có một phần công sức và trí tuệ của bà. Với công lao đó, bà được chúa Nguyễn ban cho quốc tính, mang họ Nguyễn, truy phong là Ý Đức Thái phu nhân. Không biết chính thức bà mất năm nào, nhưng bia mộ của bà (hiện nằm trong khu lăng mộ dòng họ Mạc ở núi Bình San, phường Bình San, thành phố Hà Tiên) có ghi: Hiếu nam Thiên Tứ lập năm Ất Hợi, từ đó suy đoán bà mất năm 1755, sau Mạc Cửu 20 năm.

* Mối lương duyên Trần - Mạc

Không biết giữa Tổng trấn Hà Tiên Mạc Cửu và Tổng binh Trần Thượng Xuyên ở Đồng Nai có mối giao tình từ lúc nào nhưng chắc chắn là thâm hậu, bởi vì hai họ nhiều lần kết thông gia và có sự qua lại rất mật thiết.

Mở đầu cho mối lương duyên là việc trưởng nữ Mạc Kim Định về Đồng Nai làm dâu họ Trần, kết hôn với trưởng nam Trần Đại Định - một cuộc hôn nhân được đánh giá là môn đăng hộ đối.

Mộ của Cơ Trí hầu Trần Đại Lực, cháu nội Tổng binh Trần Thượng Xuyên

Năm 1720, khi Trần Thượng Xuyên mất, Trần Đại Định nối nghiệp cha, được phong tước Định Viễn hầu, tập phong chức Tổng binh chỉ huy cả hai đạo binh Phiên Trấn và Long Môn.

Sóng gió ập đến vào năm 1731 khi giặc Sà Tốt từ Chân Lạp tràn sang cướp phá Gia Định. Cai cơ Trương Phước Vĩnh nắm quyền Thống suất phái Đạt Thành hầu đem binh chống quân Sà Tốt ở Bến Lức. Vì quân ít, viện binh lại tới không kịp nên Đạt Thành hầu bị giết tại trận. Trương Phước Vĩnh bèn cử Cai đội Nguyễn Cửu Triêm ứng cứu, đẩy được quân Sà Tốt về Vũng Gù (Mỹ Tho), điều thêm Tổng binh Trần Đại Định đem quân Long Môn chặn đánh ở Vườn Trầu (Hóc Môn), đồng thời tự mình cầm thủy quân theo đường sông Tiền đồng loạt tiến công. Quân Sà Tốt chống cự không nổi, tháo chạy về Chân Lạp nhưng do sự không quyết đoán của Trương Phước Vĩnh nên sau đó nhiều lần lại vượt biên giới đánh phá. Trương Phước Vĩnh bị triều đình nghiêm trách, sợ tội, ông này đổ lỗi hết cho Trần Đại Định.

Hai họ Trần - Mạc sau này vẫn tiếp tục liên hôn, như Mạc Tử Thượng, con trai của Mạc Thiên Tứ cưới vợ là con gái họ Trần; trưởng nữ của Mạc Thiên Tứ là Mạc Thị Long lấy Long Hổ đại tướng quân Trần Hoàn; cháu đời thứ 6 của họ Mạc là Suất đội Mạc Tử Khâm cũng lấy vợ là Trần Thị Nguyên.

Trần Đại Định kéo binh chiến thắng về đến Gia Định mới hay Trương Phước Vĩnh đổ tội cho mình. Ức lòng, ông cùng thuộc hạ lên thuyền chiến về kinh (Quảng Nam) để trần tình với chúa Nguyễn.

Chúa Nguyễn Phúc Chú vì chưa rõ ngọn nguồn nên hạ dụ giam giữ Trần Đại Định ở nhà lao Quảng Nam, đồng thời sai quan vào Gia Định thẩm tra. Thừa dịp, Trương Phước Vĩnh ra lệnh bắt cả nhà Trần Đại Định. Ông ở trong lao vì phẫn uất, sinh bệnh, 12 ngày sau qua đời. Lúc này do có Nguyễn Cửu Triêm làm chứng, Trần Đại Định mới được minh oan. Chúa Nguyễn thương tiếc, truy tặng ông làm Đô đốc đồng tri, thụy là Tương Mẫn. Trương Phước Vĩnh mắc tội tâu bày không thật, bị bãi quyền Thống suất, giáng xuống làm Cai đội.

Chồng mất, bà Mạc Kim Định đưa con nhỏ là Trần Đại Lực (còn gọi là Trần Cơ, Trần Văn Phương) về lại Hà Tiên nương nhờ anh trai. Trần Đại Lực lớn lên văn võ song toàn, được cậu Mạc Thiên Tứ quý trọng, phong làm Cai đội, nhiều lần đánh giặc lập công, góp phần bảo vệ biên viễn...

Hà Lam