Nỗ lực cho 'sân chơi' lớn

Nghỉ Tết nhưng các học sinh tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia năm 2021 vẫn dành thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị tốt nhất cho cuộc thi. Nỗ lực hết mình để có sản phẩm ưng ý nhất chính là mục tiêu mà các em đặt ra cho mình.

Phan Duy Kiên (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Thống Nhất A, H.Trảng Bom) giới thiệu Thiết bị trợ giúp trẻ khiếm thị nhận diện vật thể và hỗ trợ di chuyển với Ban giám khảo. Ảnh: H.Yến

Đây là cái Tết đặc biệt của các học sinh: Lê Nguyễn Ngọc Thảo, Nguyễn Thân Nhật Minh (Trường THCS Nguyễn Công Trứ, xã Trung Hòa, H.Trảng Bom); Phan Duy Kiên (Trường THPT Thống Nhất A, TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom). Được thử sức ở sân chơi lớn dành cho học sinh là điều khiến các em hạnh phúc và tự hào…

* Bất ngờ vì góp mặt trong cuộc thi cấp quốc gia

Dù cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh đã kết thúc gần 1 tháng nhưng Lê Nguyễn Ngọc Thảo (lớp 9/1 Trường THCS Nguyễn Công Trứ) vẫn còn nguyên cảm xúc vui mừng, hạnh phúc. Khi cùng người bạn chung trường Nguyễn Thân Nhật Minh (lớp 9/4) bước vào cuộc thi này, cả 2 đều nghĩ rằng chỉ có thể dừng lại ở cấp huyện. Thế nhưng, điều bất ngờ đã liên tiếp xảy ra.

Với dự án Thiết bị hỗ trợ đọc sách cho người khuyết tật, 2 tác giả này đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp huyện, “ẵm” luôn giải nhất cấp tỉnh và còn giành được 1 suất tham dự cuộc thi cấp quốc gia.

Ngọc Thảo cho biết: “Biết tin được chọn đi dự thi cấp quốc gia, chúng em vừa vui vừa bất ngờ, không nghĩ rằng mình có thể đi xa được như vậy. Đồng thời, chúng em cũng có áp lực, lo lắng vì không biết là mình có thể làm tốt được hay không”.

Thiết bị hỗ trợ đọc sách cho người khuyết tật được thiết kế cho người bị cụt 2 tay (dạng nặng). Với thiết bị này, người dùng có nhiều cách để thiết bị lật trang sách theo yêu cầu. Theo đó, cách thứ nhất là dùng tay để yêu cầu máy lật sách bằng cách chạm vào nút cảm biến trên thiết bị. Cách thứ 2 là điều khiển thiết bị bằng giọng nói. Cách thứ 3 là điều khiển thiết bị bằng cách nghiêng đầu sang trái hoặc phải. Sách có thể lật tới hoặc lật lui, tùy yêu cầu của người dùng.

Thiết bị còn tích hợp thêm đèn trợ sáng có thể tự động bật, tắt. Nếu cảm biến ánh sáng nhận ánh sáng yếu thì điều khiển bật đèn, trong trường hợp đủ ánh sáng thì tắt đèn. Ngoài ra, thiết bị cũng có chức năng nhắc nhở người đọc cho mắt nghỉ ngơi nếu thời gian đọc sách liên tục hơn 45 phút.

Mặc dù được đánh giá cao nhưng sản phẩm này vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Những điều này đã được Ban giám khảo chỉ ra trong cuộc thi cấp tỉnh. Hiện nay, dưới sự hướng dẫn của thầy Thân Trúc Điệp, Anh Thảo và Nhật Minh đang cải tiến để sản phẩm hoàn thiện hơn nữa.

* Thêm một trải nghiệm quý báu

Phan Duy Kiên (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Thống Nhất A) là thành viên năng nổ trong CLB Ươm mầm KHKT phổ thông do thầy Nguyễn Thanh Phương làm chủ nhiệm. Ngoài thời gian học ở trường, Kiên dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình cho việc nghiên cứu, chế tạo các thiết bị kỹ thuật cùng với các thành viên trong CLB.

Nhờ đam mê và quá trình làm việc hăng say, Kiên đã cùng với các bạn thực hiện được nhiều sản phẩm. Chẳng hạn, năm 2020, em đã cùng với một số thành viên trong CLB làm mô hình Robot hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người bệnh. Đây là sản phẩm đã đoạt giải đặc biệt cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh năm 2020. Đến với cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học, Kiên đã nghiên cứu, chế tạo Thiết bị trợ giúp trẻ khiếm thị nhận diện vật thể và hỗ trợ di chuyển.

Lê Nguyễn Ngọc Thảo, Nguyễn Thân Nhật Minh (Trường THCS Nguyễn Công Trứ, H.Trảng Bom) trình bày với Ban giám khảo về sản phẩm Thiết bị hỗ trợ đọc sách cho người khuyết tật

Với thiết bị này, khi trẻ khiếm thị cần nhận diện một vật bất kỳ, trẻ sẽ sờ để biết cảm giác, sau đó đưa lên vị trí camera. Bằng công nghệ học máy, thiết bị sẽ đọc tên của vật và đưa ra một số thông tin cơ bản về vật thể đó. Bằng cách sử dụng cảm biến, thiết bị sẽ cảnh báo, nhắc nhở khi trẻ đi đến gần nơi có vật cản…

Chia sẻ về ý tưởng làm thiết bị này, Kiên cho biết: “Qua tìm hiểu, em được biết là trẻ khiếm thị thường phải tham gia các buổi học nhận biết các đồ vật dưới sự chỉ dạy của giáo viên. Giáo viên sẽ tập cho trẻ thói quen nhận biết các món đồ thông qua xúc giác. Mục tiêu của đề tài này là hướng tới thiết kế một thiết bị hỗ trợ trẻ khiếm thị trong việc nhận biết các vật thể, đồng thời trợ giúp trẻ tránh được các vật cản phía trước nhằm hạn chế va chạm khiến trẻ bị thương”.

Nếu thiết kế thành công, bộ thiết bị này sẽ trở thành “người trợ giảng” đắc lực cho giáo viên trong những giờ dạy nhận biết vật thể. Thậm chí, với thiết bị này, trẻ khiếm thị có thể tự học nhận biết đồ vật được. Trẻ cũng sẽ hứng thú với việc học thông qua sự tương tác mọi vật xung quanh trẻ trong từng buổi học.

Sản phẩm hoàn thiện được Phan Duy Kiên “trình làng” tại cuộc thi cấp tỉnh là bộ thiết bị gồm 2 phần: phần kính đeo trên đầu và hộp điều khiển đeo ở ngang hông. Theo đó, khi cần học nhận biết về một đồ vật, trẻ khiếm thị sẽ cầm đồ vật lên, sờ và cảm nhận, sau đó đưa lên ngang tầm mắt kính để camera trên mắt kính quét hình ảnh. Sau khi nhận diện được vật thể, máy sẽ phân tích và đưa ra dữ liệu về vật thể gồm: tên vật thể, một vài thông tin cơ bản, đặc trưng về vật thể…

Để việc học trở nên thú vị hơn, Kiên còn thiết kế trò chơi kèm theo máy. Theo đó, khi trẻ nhấn nút chức năng trò chơi trên hộp điều khiển, thiết bị sẽ thông báo Trò chơi bắt đầu. Khi trẻ đưa món đồ lên camera, thiết bị sẽ cho trẻ thời gian 20 giây để trẻ sờ, cảm nhận trước vật thể. Hết 20 giây, trẻ đoán tên món đồ đó. Tín hiệu âm thanh thu được sẽ đối chiếu với thư viện dữ liệu trong thiết bị. Trẻ trả lời đúng thì thiết bị sẽ phát ra âm thanh “đúng rồi” và cung cấp cho trẻ một số thông tin mô tả vật thể đó. Nếu trẻ trả lời sai, thiết bị sẽ thông báo “sai rồi” và cho biết vật thể mà trẻ đang cầm.

Cũng như Anh Thảo và Nhật Minh, Phan Duy Kiên đang trong giai đoạn chạy nước rút để cải tiến thiết bị, sẵn sàng cho cuộc thi cấp quốc gia.

Hải Yến