Nỗ lực lấp 'khoảng trống' ở bon làng Đắk Nông (kỳ 2): Nâng cao đời sống để thay đổi nhận thức

Đắk Nông đã có nhiều giải pháp để nâng cao ý thức pháp luật cho người dân các vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, tỉnh chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân để làm tiền đề xây dựng nếp sống văn minh ở các bon, làng.

Năm 2021, huyện Tuy Đức đã ban hành Nghị quyết số 06 về giảm nghèo 6 bon đồng bào DTTS tại chỗ đặc biệt khó khăn trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của nghị quyết là nâng cao đời sống, nhận thức cho bà con DTTS.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức, muốn nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, trước hết phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con. Do đó, quá trình thực hiện nghị quyết, huyện luôn chú trọng các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân.

Gia đình ông Điểu Vinh, ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) được hỗ trợ tạo nguồn thu nhập bằng mô hình trồng nấm linh chi dưới tán điều

Huyện đã thành lập các đoàn công tác kiểm tra, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của từng hộ nghèo tại 6 bon đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Từ đó có các giải pháp hỗ trợ người dân cụ thể.

Ông Điểu Hùng, 70 tuổi, ở bon Bu Boong, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) là hộ nghèo nhiều năm nay. UBND xã Đắk Búk So đã vận động hỗ trợ gia đình ông 80 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Sau khi có nhà ở, cuộc sống vật chất, tinh thần của gia đình ông đã thay đổi. Đi cùng với đó, ý thức về nếp sống văn minh, tiến bộ của từng thành viên trong gia đình ông cũng thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Được hỗ trợ đất sản xuất, đồng bào DTTS xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) trồng dâu, nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao

Sau 2 năm triển khai Nghị quyết, huyện Tuy Đức đã đầu tư gần 250 tỷ đồng từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người DTTS 6 bon đặc biệt khó khăn. Việc hỗ trợ thông qua đất ở, đất sản xuất, vốn đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng thiết yếu....

Từ việc hỗ trợ, năm 2022, huyện Tuy Đức đã đưa được 130 hộ DTTS ở 6 bon đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo. Không chỉ thoát nghèo, các hộ còn tiến bộ rõ rệt trong việc xây dựng văn hóa tại khu dân cư. Tình trạng vi phạm pháp luật tại 6 bon DTTS đã giảm tới 80% so với trước đây.

Bà Phạm Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuy Đức đánh giá, qua thời gian thực hiện Nghị quyết số 06, huyện đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về tư duy, nhận thức cũng như khơi dậy ý thức xây dựng nếp sống văn minh của các hộ DTTS. Đây là kết quả cũng như kinh nghiệm lớn của huyện trong phát triển các vùng DTTS trong thời gian tới.

Không chỉ ở Tuy Đức, thời gian qua, nhiều địa bàn ở Đắk Nông đã có những cách làm hay, hiệu quả để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; nâng cao ý thức pháp luật cho người dân tại các vùng đồng bào DTTS

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS giai đoạn 2021 – 2025.

Nguồn lực thực hiện mục tiêu này được lồng ghép từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng NTM) với hơn 2.394 tỷ đồng.

Từ nguồn kinh phí này, tỉnh Đắk Nông đã đầu tư nguồn lực giải quyết vấn đề đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, điện sinh hoạt cho các hộ DTTS nghèo, cận nghèo; đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh các xã đặc biệt khó khăn, các thôn bản đặc biệt khó khăn.

Từ năm 2021 đến nay, có 100 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Tỉnh xây dựng 3 công trình cấp nước nông thôn tại Đắk Mil, Tuy Đức, Krông Nô cho gần 1.300 hộ dân vùng DTTS. Đắk Nông đầu tư 11 tỷ đồng xây dựng hạ tầng tái định cư; các ngành chức năng đã tổ chức 47 lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp cho nông dân, có gần 1.500 người tham gia, trong đó, có hơn 700 người DTTS….

Được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ đồng bào DTTS xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) chăn nuôi dê sinh sản, cho thu nhập ổn định

Đến nay, có 50% hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh được hỗ trợ tiếp cận, sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 30% hộ gia đình sống ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin giảm nghèo bền vững thông qua các sản phẩm truyền thông.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh đánh giá, những sự quan tâm đầu tư trên đã giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bà con ở các vùng đồng bào DTTS. Qua đó, giúp đồng bào DTTS hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe, tin theo người xấu, xóa bỏ mê tín dị đoan, tập tục du canh du cư, hủ tục lạc hậu…

Thực hiện Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) giai đoạn 2015 -2025, từ năm 2022 đến nay, các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã triển khai 60 đợt truyền thông TGPL tại các huyện, xã khó khăn.

Lực lượng bộ đội tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số ở Đắk Nông

Ngành chức năng đã giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và TGPL cho hơn 2.000 lượt người; cấp phát 3.700 tờ rơi, tờ gấp về pháp luật cho người dân. Thông qua hoạt động truyền thông, ngành chức năng đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật.

Trung tâm TGPL tỉnh đã thực hiện 428 vụ việc trợ giúp pháp lý cho người dân. Trong đó, hỗ trợ pháp lý 159 vụ việc cho người dân thuộc diện đồng bào DTTS.

Bà Bùi Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Đắk Nông cho biết, hoạt động TGPL đã giúp bà con DTTS bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật.

Bộ CHQS tỉnh Đắk Nông và Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân trên địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông)

Hoạt động TGPL đã góp phần bảo đảm công lý, thực hiện công bằng xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; phòng ngừa vi phạm pháp luật tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS ở Đắk Nông.

Thời gian qua, Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân vùng DTTS. Sở Tư pháp phối hợp với các ngành chức năng sử dụng nhiều cách truyền tải thông tin pháp luật hay, hiệu quả.

Nổi bật là các biện pháp như: tương tác trực tiếp với người dân; đưa ra nhiều tình huống giả định; phân tích và trả lời chi tiết, cụ thể những câu hỏi của người dân liên quan đến các quy định pháp luật...

Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật về trật tự giao thông cho người dân xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong (Đắk Nông)

Ngành chức năng tùy từng vùng, từng đối tượng để tập trung tuyên truyền pháp luật, trọng tâm là Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Giao thông đường bộ...

Trong những tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cấp tỉnh được 120 cuộc, với gần 8.000 lượt người tham gia. Đơn vị cấp phát 2.206 tài liệu phổ biến pháp luật cho người dân.

Tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tại bon Bu Gia và bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông)

Cấp huyện đã tổ chức 85 cuộc, với gần 5.000 lượt người tham dự; cấp phát 13.823 tài liệu phổ biến pháp luật. Cấp xã tổ chức được 229 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, với 14.232 lượt người tham dự; cấp, phát miễn phí 17.544 tài liệu tuyên truyền pháp luật.

Qua các buổi tuyên truyền đã góp phần giải quyết những băn khoăn, vướng mắc cũng như nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân vùng DTTS...

Trung đoàn 726 (Tuy Đức) tuyên truyền pháp luật cho người dân DTTS trên địa bàn

Nội dung, ảnh: Đức Hùng (trong bài có sử dụng một số ảnh tư liệu)

Trình bày: TD - NH

Đức Hùng