Nữ vlogger Hàn dùng deepfake để tạo gương mặt giả

Thông tin gương mặt nữ YouTuber người Hàn có biệt danh RuiCovery không phải là thật khiến cộng đồng mạng tại xứ kim chi bất ngờ, theo Oddity Central.

Trước đó, Rui vốn được biết đến với kênh chuyên cover lại các bài hát nổi tiếng của nghệ sĩ Âu-Mỹ với gần 12.000 lượt theo dõi. Cho đến gần đây, cô này tiết lộ gương mặt của mình là sản phẩm của công nghệ AI.

"Cơ thể, giọng nói, mái tóc này của tôi đều là thật, nhưng khuôn mặt được dựng hình kỹ thuật số bằng công nghệ deepfake", Rui nói trong clip đăng tải trên kênh cá nhân hồi cuối tháng 2.

Cô gái người Hàn tuyên bố với người theo dõi việc gương mặt mình là sản phẩm của công nghệ chỉnh sửa. Ảnh: YouTube.

Tiết lộ này gây sốc cho dân mạng, đặc biệt là những người yêu mến giọng hát của Rui. Trước đó, không ai nhận thấy điều gì khác thường.

Đến tuần này, Rui giải thích thêm về lý do sử dụng deepfake để che giấu ngoại hình thật của mình.

"Tôi sử dụng gương mặt khác để cải thiện cơ hội xuất hiện trên mạng", cô nói.

Rui cho hay cô cảm thấy rằng ngoại hình của mình không đạt tiêu chuẩn về cái đẹp ở Hàn Quốc. Thay vì trang điểm hay động chạm dao kéo, cô chọn chuyển sang sử dụng công nghệ được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo.

"Ở Hàn Quốc, ngoại hình rất được coi trọng. Bạn có thể nói rằng điều này cũng đúng ở những quốc gia khác, nhưng ở đất nước tôi, chuẩn mực về sắc đẹp cực kỳ cao và khắt khe", Rui nói thêm.

Clip ghi lại cảnh người xem bất ngờ khi biết được khuôn mặt của Rui không phải là gương mặt của người thực. Ảnh: KOCPC.

Rui cho hay ngoài được chú ý nhờ giọng hát, bản thân cô tự cảm thấy khuôn mặt ưa nhìn đã góp phần không nhỏ trong việc hút thêm người xem.

Vì vậy, mặc dù nhiều người theo dõi bày tỏ sự thất vọng khi cho rằng nữ YouTuber lừa dối khán giả, Rui nói mình không cảm thấy hối hận.

"Tôi tự hỏi liệu mình có nhận được sự ủng hộ như bây giờ nếu sử dụng gương mặt thật của bản thân ngay từ đầu", cô nói và hiện vẫn giấu kín gương mặt thật của mình.

Tin tức này một lần nữa gây chú ý và gây ra cuộc tranh luận về việc cần thiết phải quản lý deepfake để ngăn chặn chuyện sử dụng với mục đích xấu.

Theo Rui, gương mặt khác của cô là sản phẩm do công ty có tên DOB Studio, một doanh nghiệp chuyên tạo ra những nhân vật ảo cho những người muốn xuất hiện với vẻ ngoài hoàn hảo trên mạng xã hội, sản xuất.

Sau khi tiết lộ này được chia sẻ rộng rãi, Oh Je Wook - Giám đốc điều hành của DOB Studio - tuyên bố rằng công nghệ do công ty mình phát triển khác với deepfake.

"Trong khi công nghệ deepfake chỉ đơn giản là kết hợp các đặc điểm của người thật với gương mặt người khác, hệ thống của DOB Studio tạo ra một khuôn mặt hoàn toàn mới từ đầu, khiến mắt người gần như không thể phát hiện ra thật giả", người này cho hay.

Hiền Thy