'Ông lớn' đường sắt được giao lãi 3 tỷ đồng, doanh thu tăng thêm hơn 1.100 tỷ đồng

Ngành đường sắt tiếp tục dẫn đầu tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách toàn ngành nửa đầu năm, vận chuyển 3,1 triệu hành khách, tăng 75,7% so với cùng kỳ.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có Quyết định số 310/QĐ-UBQLV về việc giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp năm 2023 của công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

PHẤN ĐẤU ĐẠT DOANH THU TRÊN 6.500 TỶ, LỢI NHUẬN 3 TỶ ĐỒNG

Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn giao chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, xếp loại doanh nghiệp năm 2023 của công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam với tổng doanh thu đạt 6.505 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3 tỷ đồng.

Trong đó, "doanh thu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư năm 2023 là 3.850 tỷ đồng", quyết định nêu rõ.

Cùng với đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) >0,0% (lớn hơn 0,0%); không có nợ phải trả quá hạn; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn> 1.

Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải chấp hành chế độ, pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thuế, thu nộp ngân sách, chế độ báo cáo tài chính, báo cáo giám sát tài chính và báo cáo khác, việc thực hiện kết quả thanh tra, kiểm tra.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2023, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp được giao; sử dụng các nguồn lực, nguồn vốn nhà nước có hiệu quả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều hành hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Kiểm soát viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm giám sát việc tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp năm 2023 của doanh nghiệp, định kỳ báo cáo Ủy ban theo quy định.

Các vụ thuộc Ủy ban căn cứ chức năng và nhiệm vụ có trách nhiệm theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, xếp loại doanh nghiệp của công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo quy định.

VẬN TẢI KHÁCH KHỞI SẮC, VẬN TẢI HÀNG GIẢM SÂU DO TRẦY TRẬT CẠNH TRANH

Nửa đầu năm 2023, vận tải hành khách đường sắt phục hồi mạnh mẽ. Các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu hàng tháng đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2022. Cao điểm hè năm nay, tàu khách đến các điểm đến du lịch như: Hải Phòng, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Phan Thiết... đều đông đúc.

Theo ghi nhận, ngành đường sắt tiếp tục dẫn đầu tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách toàn ngành trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, đường sắt vận chuyển 3,1 triệu hành khách, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 1,2 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng mạnh mẽ 81%.

Tuy nhiên, trái ngược với tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hóa chung của toàn ngành, vận tải đường sắt giảm mạnh, đảm nhận vận chuyển 2,2 triệu tấn hàng, giảm sâu 26,4% so với cùng kỳ; luân chuyển 1,8 tỷ tấn.km, cũng giảm tới trên 23,9%.

Sở dĩ hàng hóa vận chuyển qua đường sắt giảm mạnh do các đơn hàng xuất nhập khẩu giảm và phải cạnh tranh với vận tải đường thủy khi chi phí cao hơn.

Trước đó, do ảnh hưởng dịch Covid-19, vận tải đường sắt chìm sâu nhiều năm trong thua lỗ.

Năm 2022, vận tải khách bắt đầu phục hồi, vận tải hàng hóa tăng trưởng tốt. Kết quả doanh thu hợp nhất của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt 7.718,2 tỷ đồng, bằng 113,8% so với cùng kỳ và vượt 15,8% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt - 130,5 tỷ đồng, vượt 75,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm lỗ 407 tỷ đồng và vượt 74,1% kế hoạch (tương ứng giảm 373 tỷ đồng).

Trong đó, công ty mẹ đạt doanh thu 5.368 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế là – 200 tỷ đồng, bằng 163,6% kế hoạch. Công ty mẹ không xuất hiện các khoản nợ quá hạn.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khoản lỗ -200 tỷ đồng của công ty mẹ bao gồm chênh lệch thu chi từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là -174 tỷ đồng; chênh lệch thu chi từ hoạt động tài chính và hoạt động khác là -26 tỷ đồng.

Trong đó các khoản chi không tạo ra doanh thu gồm trích lập dự phòng tổn thất các khoản thu tài chính gồm lỗ từ các Công ty cổ phần vận tải đường sắt - 12 tỷ đồng, lãi vay dự án -13,8 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp thuế đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ - 35,6 tỷ đồng.

Ánh Tuyết