Phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Nhìn từ cách làm của Kiên Giang

Tạo điều kiện hết sức để đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội học tập

ên Giang là một trong những tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Toàn tỉnh có 49 xã/144 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS), dân số là người DTTS có 261.134 người, chiếm tỷ lệ 14,94%, trong đó chủ yếu là dân tộc Khmer có 230.500 người, chiếm 13,19%.

Lớp học chữ Khmer trong dịp hè (Nguồn: Cổng thông tin Phật giáo)

Đồng bào DTTS ở Kiên Giang chủ yếu cư trú ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo,…

Thế nên những con người như Thị Xa Nhân, dân tộc Khmer, nếu không được tạo điều kiện, sẽ khó cơ hội được tiếp cận với giáo dục. “Gia đình tôi thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo theo chế độ cử tuyển nên tôi không phải đóng học phí trong suốt quá trình học tập. Tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho tôi được nhận học bổng mỗi quý. Sau khi ra trường, tôi đã có công việc ổn định, được đóng góp công sức ngay trên chính quê hương của mình”, chị Thị Xa Nhân, nay công tác tại Khoa Dược trang thiết bị-Vật tư y tế, Trung tâm Y tế huyện Kiên Lương chia sẻ về nguyên cớ khiến chị có cơ hội trở thành một dược sĩ như ngày hôm nay.

Hay như chia sẻ của Hòa thượng Danh Đổng, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang: “Từ sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, các cấp và hội đoàn kết sư sãi yêu nước các huyện, thành phố từ năm 2014 đến nay, có 31 chùa dạy chữ Khmer vào dịp hè, với 297 lớp và hơn 7.000 học sinh dân tộc Khmer tham gia mỗi năm”.

Theo Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang Thiều Văn Nam, phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực người dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chiến lược công tác dân tộc của tỉnh Kiên Giang.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, đặc biệt với Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2025” (theo Quyết định số 1091/QĐ-UBND ngày 10/5/2021 của UBND tỉnh), những năm qua tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS.

Tỉnh Kiên Giang kịp thời chi hỗ trợ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường vùng dân tộc thiểu số, công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với người học, tỉnh và ngành thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em; miễn, giảm học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông công lập; hỗ trợ chi phí học tập và chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, chính sách hệ cử tuyển... Ngoài ra, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú còn được thụ hưởng chính sách theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt, nhiều trường dạy nghề ở Kiên Giang còn vận động nhà hảo tâm hỗ trợ, tiếp sức đến trường cho những học sinh, sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn để các em an tâm học tập đạt kết quả.

Những thành quả đáng tự hào

Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang, nơi đào tạo nhiều thế hệ con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn (Nguồn Internet)

Việc tích cực nhiều triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là việc thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã giúp công tác phát triển giáo dục cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số tại Kiên Giang thu được những thành quả đáng tự hào

Hiện tỉnh Kiên Giang có 06 trường phổ thông dân tộc nội trú với trên 1.600 học sinh, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang dạy nghề cho hơn 600 học sinh là người DTTS .Hiện nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 329 trường, trong đó có 159 trường ở vùng DTTS đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 48,33%); có 11/11 huyện, thành phố vùng DTTS đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2;

Học sinh DTTS ở các cấp học là 41.091 học sinh (trong đó, tiểu học 21.761; trung học cơ sở 14.879; trung học phổ thông: 4.451) chiếm tỷ lệ 13,7%. Chất lượng giáo dục vùng DTTS ngày càng được nâng cao. Quy mô trường lớp tiếp tục được đầu tư; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí cho học sinh DTTS theo đúng quy định. Tỷ lệ huy động học sinh DTTS từ 6-14 tuổi đến trường đạt trên 90% mỗi năm.

Hệ thống trường, lớp vùng DTTS tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Như chia sẻ của ông Đặng Hùng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kiên Lương cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, đầu năm 2023, trên địa bàn huyện có 2 trường Tiểu học và Trung học cơ sở) Hòn Nghệ và Trường Tiểu học và THCS Sơn Hải được đầu tư xây mới nhiều hạng mục, công trình. Những ngôi trường mới khang trang, sạch, đẹp đưa vào sử dụng, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để học sinh học tập, rèn luyện và là động lực để thầy và trò cùng nhau cố gắng hoàn thành sự nghiệp trồng người.

Kết quả thi tốt nghiệp của học sinh DTTS trong tỉnh hàng năm đều đạt kết quả tốt ở cả 3 cấp học phổ thông, trong đó tiểu học đạt từ 98,62% đến 100%; trung học cơ sở đạt từ 98% đến 99%; trung học phổ thông từ 94% đến 98%; riêng trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện thi trung học cơ sở hàng năm đạt tỷ lệ gần 99%; trường phổ thông trung học dân tộc nội trú cấp tỉnh thi tốt nghiệp phổ thông trung học hàng năm đạt 98% - 100%.

Chăm lo công tác đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ, hàng năm tỉnh cử tuyển hàng trăm học sinh là người dân tộc vào học tại các trường đại học, góp phần đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực và nguồn cán bộ là người DTTS trên địa bàn tỉnh; đến nay toàn tỉnh có 1.367 giáo viên là người DTTS.

Đặc biệt, việc dạy và học chữ Khmer được đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 43 điểm trường dạy song ngữ với 223 lớp, gần 5.900 học sinh là dân tộc Khmer theo học; 31 chùa dạy chữ Khmer vào dịp hè với 297 lớp và hơn 7.000 học sinh dân tộc Khmer theo học mỗi năm. Hàng năm, tỉnh hỗ trợ ngân sách để mua sách Khmer ngữ và việc dạy chữ Khmer trong dịp hè.

Hàng năm, tỉnh Kiên Giang có khoảng 4.600 người dân tộc thiểu số, phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer tham gia học nghề tập trung ở các trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và học nghề. Sau khi tốt nghiệp đã giải quyết việc làm hơn 3.000 lao động/năm, góp phần giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, cải thiện cuộc sống trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể nói, với việc triển khai thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, đặc biệt là từ việc thực hiện Chương tình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Kiên Giang đã có những bước chuyển hết sức tích cực và đáng kể, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh DTTS và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trên hết là góp phần nâng cao trình độ dân trí, tạo ra các yếu tố nội lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Khmer.

A.T