Phát triển y tế thông minh: Điều kiện cần và đủ (kỳ 3)

Với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã giúp Bệnh viện A Thái Nguyên bảo đảm khả năng chia sẻ, tích hợp dữ liệu, kết nối liên thông đối với tất cả các trang thiết bị y tế hiện có (như máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh...).

Chuyển đổi bắt đầu từ nhận thức

Một đòi hỏi đặt ra là song hành với máy móc, kỹ thuật hiện đại, mỗi cán bộ y tế cần nêu cao tinh thần trách nhiệm tự học, tự rèn và nỗ lực tiếp cận được với quá trình CĐS. Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, đơn vị y tế, cộng đồng về vai trò, lợi ích của y tế thông minh; biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phát triển CNTT y tế. Đặc biệt là triển khai các kênh hỗ trợ đối với doanh nghiệp, cộng đồng khi sử dụng các dịch vụ y tế trực tuyến.

Riêng với cán bộ, công chức, viên chức y tế, Ngành cũng sẽ có các chương trình và nội dung tập huấn để đào tạo, giúp họ có thể vận hành và sử dụng các phần mềm ứng dụng trong công việc. Đồng thời, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, bảo đảm an toàn, bảo mật trong quá trình vận hành, khai thác hạ tầng, ứng dụng trong giải quyết công việc hàng ngày. Theo đó, việc phát triển nguồn nhân lực chuyên trách CNTT tại các bệnh viện, trung tâm y tế bảo đảm đủ số lượng, chất lượng theo vị trí việc làm cụ thể, đáp ứng yêu cầu triển khai y tế thông minh cũng là một đòi hỏi thiết yếu trong quá trình CĐS.

Phát triển nền tảng dữ liệu tập trung và hạ tầng CNTT

Hiện nay, Trạm Y tế xã Tân Thái (Đại Từ) đã có máy siêu âm được kết nối liên thông trong tích hợp dữ liệu nhờ ứng dụng công nghệ thông tin.

Thực hiện mục tiêu CĐS thông qua triển khai Đề án phát triển CNTT y tế thông minh, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, ngành Y tế sẽ xây dựng Bộ chỉ tiêu tổng hợp dữ liệu y tế của Thái Nguyên phù hợp với khung kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh và Chính phủ điện tử của Bộ Y tế. Đồng thời, triển khai trục tích hợp dữ liệu y tế Thái Nguyên đáp ứng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế giữa trục tích hợp với các hệ thống quản lý tại các cơ sở khám, chữa bệnh (HIS, EMR, HRM...), hệ thống thông tin cấp xã, các hệ thống quốc gia triển khai tại tỉnh, kết nối với nền tảng quản lý, khai thác dữ liệu tập trung của tỉnh. Đây được xem là một trong những tiêu chí khó nhưng bắt buộc phải hoàn thành nếu muốn phát triển y tế thông minh.

Ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế: “Thực hiện Đề án phát triển CNTT y tế thông minh, chúng tôi sẽ triển khai việc khám, chữa bệnh từ xa bắt đầu bằng việc kết nối giữa các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện. Tiếp đó là kết nối giữa các bệnh viện tuyến tỉnh với nhau; giữa các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện với bệnh viện tuyến Trung ương để nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh”.

Cùng với đó, ngành Y tế sẽ triển khai hệ thống quản lý chuyên ngành thông qua hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, giám định y khoa, thông tin hành nghề y dược, trang thiết bị y tế, giám định pháp y. Triển khai số hóa các văn bản, tài liệu của ngành; thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin y tế theo hướng dịch vụ. Đặc biệt là bổ sung, nâng cấp hạ tầng CNTT tại Sở Y tế và các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã. Trong đó, tập trung vào việc trang bị máy chủ ứng dụng, máy chủ cơ sở dữ liệu cho trục tích hợp y tế tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; rà soát, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống hạ tầng CNTT, bảo đảm đường truyền Internet để triển khai các ứng dụng trên môi trường mạng…

Hướng tới những hệ thống thông minh

Từ đó sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ thông minh trong công tác phòng bệnh, môi trường y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng và phòng chống HIV/AIDS. Phát triển các ứng dụng cung cấp kiến thức phòng bệnh và khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường mạng để giúp người dân có thể tra cứu dễ dàng, hiệu quả…Thực hiện CĐS, việc xây dựng, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân là một mục tiêu quan trọng được ngành Y tế hướng tới. Việc xây dựng và triển khai phần mềm quản lý hoạt động của các trạm y tế cũng là một nhiệm vụ được quan tâm. Đây là phần mềm nhằm bảo đảm kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế tuyến huyện, tỉnh, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu cơ sở của Bộ Y tế.

Xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh thông minh cũng được coi là mục tiêu dài hơi của ngành Y tế. Trong đó, việc hoàn thiện các phần mềm quản lý và số hóa bệnh viện được đặt lên hàng đầu. Để hoàn thành mục tiêu này đòi hỏi các cơ sở y tế phải triển khai hệ thống phần mềm HIS, LIS, RIS-PACS, EMR tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, bảo đảm khả năng chia sẻ, tích hợp dữ liệu, kết nối liên thông đối với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám, chữa bệnh nhằm nâng cao khả năng tự động hóa. Tiếp đó là đồng bộ hóa mã định danh (ID) người bệnh; xây dựng bệnh viện thông minh với các tiêu chí ứng dụng CNTT; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh…

Hết

Tùng Lâm