Quá lệ thuộc vào công nghệ: Hậu quả khó lường

Không chỉ có cách sống của chúng ta bị đe dọa mà loài người như một thể thống nhất cũng phải chuẩn bị đối phó với những thảm họa công nghệ không thể lường trước. Hy vọng, con người sẽ tìm ra các phương thức thích hợp để khắc phục nó.

Hy sinh sự riêng tư

Có người nói công nghệ không hề mang lại nguy cơ nào cho con người nhưng ít nhất có một vấn đề nó đang gây ra cảnh báo. Đó là cuộc sống riêng tư cá nhân.

Ví dụ TV thông minh với khả năng ghi lại những cuộc trò chuyện của chủ nhân và chia sẻ chúng với người khác đã làm nảy sinh ra nỗi lo lắng là các máy móc thiết bị điện tử dùng trong gia đình có thể trở thành “nội gián” do thám.

Như vậy, đâu sẽ là giới hạn cuối cùng của nguy cơ? Không lẽ chúng ta phải hy sinh sự riêng tư cho “công nghệ thăng hoa” và thêm tiện nghi cho cuộc sống? Một ngày nào đó tất cả những bí mật của chúng ta sẽ bị ghi lại và những sinh hoạt hàng ngày sẽ bị theo dõi bởi các điệp viên vô hình.

Các ngân hàng cũng tham gia điều tra thói quen chi tiêu của thân chủ để bảo đảm là chúng không vượt quá khả năng trả nợ. Cái cớ thường được đưa ra khi xâm nhập đời tư là để bảo vệ cá nhân.

Sống trong một môi trường có quá nhiều con mắt dòm ngó, chúng ta sẽ phải thường xuyên cảnh giác với những gì để trong phòng tắm, phòng ngủ hay đặt ngoài phòng khách. Hôm nay, chúng ta bị nhấn chìm trong kỷ nguyên lưu trữ kỹ thuật số tất cả mọi dữ liệu; từ văn bản, âm thanh đến hình ảnh, video và thông tin cá nhân.

Thập niên 1980 dữ liệu còn tồn trữ chủ yếu trên băng cassette và đĩa mềm, nhưng nay nó được đưa vào ổ cứng máy tính, dịch vụ Internet và lên tận “đám mây” (cloud). Vấn đề nghiêm trong sẽ xảy ra khi các không gian tồn trữ ảo bị “chết”.

Xóa dữ liệu số bao giờ cũng dễ hơn phá hủy một cuốn băng hay đĩa mềm. Rồi sẽ xảy ra vấn đề gì trong tương lai nếu học sinh không còn viết tay mà chỉ thao tác trên bàn phím máy tính? Viết mực và bút chì sẽ biến mất hoàn toàn.

Làm việc không có giờ nghỉ

Người lao động trước đây chỉ làm việc 8 giờ/ngày và 6 ngày/tuần. Sau đó công việc cơ quan tạm gác lại, thời gian dành cho gia đình và chỉ tiếp tục vào ngày hôm sau. Bây giờ thì rất khó tìm được công việc nào có giờ giấc rạch ròi và “hạnh phúc” như thế.

Khi xã hội như một toàn thể được kết nối với nhau thì người lao động đừng mong thoát khỏi ám ảnh của công việc dù họ đã về đến nhà. Nói rõ hơn là công việc chúng ta đang làm xâm nhập cả vào cuộc sống gia đình và vui chơi giải trí.

Công ty cũng không còn giao việc cụ thể về giờ giấc và không gian như trước mà chỉ quan tâm đến việc hoàn thành nhiệm vụ được giao. Còn làm việc ở đâu và lúc nào cũng được. Việc quản lý nhân viên sẽ thoải mái hơn. Đã xảy ra tình trạng nghiện công việc đến thui chột óc sáng tạo.

Hiện đa số người Mỹ làm thêm 1 ngày mỗi tuần và số giờ làm thêm sẽ còn tăng nữa trong tương lai. Hậu quả là con người dù sống lâu hơn nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề về sức khỏe mà trước đó không có, đặc biệt là bệnh tiểu đường, tim mạch và ung thư.

Máy móc chiếm chỗ con người

Các tiến bộ của công nghệ liên quan đến máy móc dùng trong nhà máy sản xuất luôn tiềm ẩn nguy cơ mất việc làm cho con người. Sản xuất, chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nhất vì lao động dễ bị thay thế bởi máy móc.

Với những tiến bộ hàng ngày trong phát triển robot và tự động hóa sẽ có khoảng phân nửa công việc tại Mỹ bị máy tính chiếm hữu trong 20 năm tới. Thậm chí những công việc từng được xem là “dính với con người và không thể thay thế” cũng bi máy móc lấy mất.

Cách nay 20 năm, không ai dám nghĩ đến những chiếc máy biết tự checkout nhưng nay đã có hơn nửa triệu chiếc đang hoạt động trên thế giới. Nó cho phép một nhân viên phụ trách 6 làn checkout một lần.

Khi “trí khôn nhân tạo” (AI) siêu việt hơn, máy tính bắt đầu làm được những công việc mà chỉ có con người mới làm nổi: Ra quyết định. Lúc xe hơi tự hành trở nên phổ biến thì nhiệm vụ còn lại của con người chỉ là sửa chữa và bảo trì.

Quá lệ thuộc vào công nghệ đang trở thành mối lo cho tương lai nhân loại. Lệ thuộc quá vào thứ gì cũng xấu và lệ thuộc vào công nghệ cũng vậy. Trước hết là nó sẽ bào mòn óc sáng tạo và trí thông minh.

Đã có những trường hợp tài xế xe hơi quá trông cậy vào GPS dẫn đường đã cho xe lao xuống mương và sông! Có những người không nói ra câu cú đàng hoàng nếu không có máy tạo câu hoặc không thể giải được một bài toán đơn giản nếu không có máy tính.

Quá lệ thuộc vào công nghệ, con người sẽ ù lỳ hơn, mất khả năng phản ứng tức thời và thích đáng. Nhà vật lý lỗi lạc Stephen Hawking từng nhận định: “Khi AI phát triển đầy đủ, chủng người của chúng ta sẽ kết thúc”.

Bệnh do công nghệ

Một nguy hiểm khác của công nghệ trong tương lai là sự phát triển của các mạng xã hội với nghịch lý là chúng không “xã hội hóa” con người như tên gọi mà tách biệt con người ra từng không gian biệt lập trong thế giới ảo. Sự tương tác mặt đối mặt giữa con người với nhau đang dần biến mất.

May mắn thì còn nghe tiếng nói, nếu không thì chỉ còn lại những dòng tin nhắn, comment và like vô hồn. Mua hàng trên mạng, mua hàng tại máy đang lấn sân mua hàng tại cửa hàng và cơ hội giao lưu với người bán không còn nữa.

Rõ ràng, công nghệ đang hủy hoại nghệ thuật giao tiếp và đàm thoại. Chúng ta trò truyện bằng những cú gõ bàn phím và quyẹt, chạm nhiều hơn là ngôn từ. Không biết trẻ em thế hệ tới sẽ ra sao khi xu hướng này tiếp diễn. Khả năng nói chuyện với máy của chúng là vô địch còn trong thế giới thực chúng giống như đứa trẻ tự kỷ.

Một số vấn đề không lường được sẽ phát sinh, mà thấy rõ nhất là sức khỏe thể chất và tâm thần do thiếu tương tác mặt đối mặt. Quan hệ giữa công nghệ tiến bộ và bệnh tật của con người như ung thư là thực tế không thể tranh cãi.

Trong khi nhiều nghiên cứu khẳng định cellphone và wifi không tăng nguy cơ ung thư thì chúng vẫn là nguy cơ lớn cho con người về mặt môi trường. Rác công nghệ sinh sôi từ việc chúng ta liên tục đổi mới sản phẩm là đe dọa lớn cho môi trường cùng với việc lạm thác các tài nguyên mà công nghệ cần như đất hiếm.

Ô nhiễm phát sinh từ việc chế tạo và sử dụng các sản phẩm công nghệ. Trừ phi chúng ta phát triển được các công nghệ xanh dễ ứng dụng trong tương lai, cuộc sống của con người sẽ rất khó khăn vì những hậu quả của công nghệ.

Nhà vật lý Stephen Hawking, vua phần mềm Bill Gates, Elon Musk (đồng sáng lập của hệ thống xử lý thanh toán trực tuyến PayPal sau nổi tiếng với xe hơi điện Tesla và cơ quan không gian tư nhân SpaceX), nhà phát minh Clive Sinclair thuộc số những bộ não tư duy hàng đầu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm mà trí khôn nhân tạo gây ra khi chúng vượt ra khỏi sự kiểm soát của con người. Musk nói thẳng: “Nguy cơ này còn lớn hơn vũ khí hạt nhân”.