Quảng Bình: Phấn đấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 16.000 người

Theo mục tiêu cụ thể của Kế hoạch số 455, đó là: Tuyển sinh GDNN 16.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%; hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, thanh niên, người khuyết tật, lao động làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa 5.000 người; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN; đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, xây dựng phát triển chương trình, giáo trình; đầu tư phát triển cơ sở vật chất, nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN.

Để đạt các mục tiêu đề ra, Kế hoạch sẽ triển khai các nhiệm vụ, cụ thể: Tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về GDNN trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức của người dân, xã hội, doanh nghiệp về GDNN và quảng bá hình ảnh hoạt động GDNN; chủ động, linh hoạt trong công tác tuyển sinh, đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngay tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp trong tình hình mới; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cùng với đó, Kế hoạch cũng tập trung vào nâng cao chất lượng công tác dự báo nhân lực, thông tin về thị trường lao động; cập nhật kịp thời kết nối dữ liệu trong công tác quản lý với cơ quan chức năng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn, khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực GDNN; tổ chức hoạt động liên kết, gặp gỡ, trao đổi giữa các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, liên minh hợp tác xã với các cơ sở đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực phù hợp với thực tiễn theo từng năm, từng thời kỳ…

Kế hoạch nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về GDNN, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua đó giúp đẩy mạnh trách nhiệm của chính quyền các cấp, ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình.

THU HƯƠNG