QUỐC HỘI PHÁT HUY NGÀY CÀNG TỐT HƠN VAI TRÒ QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG CỦA ĐẤT NƯỚC TRONG MỌI LĨNH VỰC ĐỜI SỐNG

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng năm 2001, bên cạnh hai chức năng lập pháp và giám sát đã được đặt ra tại Đại hội lần thứ VIII, đã đặt ra yêu cầu cho Quốc hội thực hiện tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong giai đoạn này, cùng với hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, có nhiều vấn đề quan trọng của đất nước cần được Quốc hội quyết định, như quyết định các chính sách quan trọng để phát triển kinh tế -xã hội của đất nước, triển khai thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia, dự án có vốn đầu tư lớn, các chính sách về tài chính, tiền tệ quốc gia… Do đó, đảng đã yêu cầu Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, cải tiến phương thức hoạt động và dành nhiều thời gian, nguồn lực, trí tuệ để xem xét, thảo luận, quyết định có hiệu quả các vấn đề quan trọng của đất nước – đây là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội. Việc quyết định kịp thời, chính xác các vấn đề quan trọng của đất nước sẽ đem lại hiệu quả to lớn trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hoạt động quyết định vấn đề quan trọng đã được Quốc hội thực hiện có kết quả. Quốc hội quyết định về ngân sách nhà nước, các dự án, công trình quan trọng quốc gia, công tác nhân sự cấp cao, công tác đối ngoại… Đáng chú ý là lần đầu tiên sau 10 năm tiến hành đổi mới, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm (1996-2000), thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của Quốc hội trước định hướng phát triển lâu dài của đất nước. Quốc hội lần đầu tiên ban hành tiêu chuẩn công trình quan trọng quốc gia thuộc quyền quyết định của Quốc hội vào năm 1997, được sửa đổi các năm 2006 và 2010. Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các luật có liên quan (Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Nghị quyết về công trình quan trọng…) đã có những kế thừa, đổi mới và phát triển quan trọng trong việc Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

PGS.TS Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Quốc hội đã phát huy ngày càng tốt hơn vai trò quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại tất cả các lĩnh vực của đời sống nhằm mục tiêu phát triển bền vững kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, bảo vệ tổ quốc, giữ vững chủ quyền quốc gia; đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Trong đó, Quốc hội khóa XIV thông qua 134 nghị quyết về vấn đề quan trọng, tăng gấp 2 lần so với Quốc hội khóa XIII và tăng gấp 4 lần so với Quốc hội khóa XII.

Việc Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã dần đi vào nề nếp, nhiều hoạt động quyết định của Quốc hội đã trở thành công việc mang tính định kỳ với quy trình rõ ràng hơn; ngày càng có chất lượng, giảm dần tính hình thức, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, góp phần khẳng định rõ nét hơn địa vị hiến định của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Các nhiệm vụ kinh tế-xã hội được Quốc hội quyết định với các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế đất nước. Quốc hội quyết định cơ bản về chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các loại thuế… bảo đảm dân chủ, đồng thuận và có chất lượng.

Việc thảo luận tại hội trường được bố trí thỏa đáng, chất lượng thảo luận, tranh luận ngày càng được nâng cao. Việc quyết định ngân sách Nhà nước thường có yêu cầu gấp về thời gian, có tính chất chuyên ngành phúc tạp, nhưng đã được Quốc hội đầu tư trí tuệ, quyết định đảm bảo tính khả thi, hợp hiến, hợp pháp, công bằng và hiệu quả trong quản lý ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Công tác nhân sự được xem xét, tiến hành chặt chẽ, thận trọng, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhận được sự đồng thuận, nhân sự được giới thiệu để Quốc hội bầu, phê chuẩn đều đạt tỷ lệ phiếu cao. Tuy vậy, quy trình quyết định nhân sự còn dài, nhiều khâu, nhiều bước.

Các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại phù hợp về thẩm quyền và tập trung vào các vấn đề biên giới quốc gia và hợp tác kinh tế quốc tế. Trong thời kỳ đổi mới, cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của nhà nước và đối ngoại Nhân dân, hoạt động đối ngoại của Quốc hội góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, huy động nguồn lực cho phát triển, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo PGS.TS Lê Minh Thông, việc quyết định các vấn đề quan trọng còn những hạn chế như có vấn đề mang tầm vĩ mô vẫn chưa được thảo luận một cách thấu đáo, khó đánh giá, khó xác định trách nhiệm trong trường hợp không hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra; một số nội dung chưa bảo đảm tiến độ thời gian, gây khó khăn cho các cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội; chưa có quy định cụ thể về tiêu chí, nội dung thuộc nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, chưa phân định các trường hợp được thực hiện điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu trong một số tình huống khi tình hình kinh tế-xã hội có biến động lớn. Dữ liệu độc lập trong báo cáo thẩm tra còn ít, nhất là các báo cáo liên quan đến ngân sách nhà nước. Còn tình trạng gửi tài liệu, báo cáo chậm so với quy định, dẫn đến bị động trong công tác thẩm tra.

Hơn nữa, một số vấn đề quan trọng của đất nước có nội dung phức tạp, nhiều vấn đề liên quan đến chuyên môn sâu, mang tính kỹ thuật cao, hàm lượng thông tin, dữ liệu đồ sộ, một số nội dung mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, liên quan đến trách nhiệm theo dõi, quản lý của nhiều cơ quan, cũng là thách thức không nhỏ với các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Để nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, PGS.TS Lê Minh Thông cho rằng, thời gian tới, Quốc hội tiếp tục tập trung đổi mới quy trình quyết định về ngân sách nhà nước một cách thực chất đi đôi với giám sát việc thực hiện ngân sách, từng bước thay thế việc ban hành các Nghị quyết bằng các đạo luật về lĩnh vực tài chính, ngân sách.

Theo PGS.TS Lê Minh Thông cần quy định rõ sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra các báo cáo, dự án liên quan đến các vấn đề quan trọng quốc gia

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quy trình, thủ tục trong quyết định vấn đề quan trọng: Xây dựng luật về quy trình, thủ tục Quốc hội quyết định trong một số lĩnh vực còn chưa có quy định như công trình quan trọng quốc gia, kinh tế-xã hội, chính sách tiền tệ, nhân sự… Quy định rõ sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội trong việc thẩm tra các báo cáo, dự án liên quan đến các vấn đề quan trọng quốc gia; trách nhiệm tổ chức, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề quan trọng của đất nước, từng bước thay thế ban hành nghị quyết bằng luật về các lĩnh vực ngân sách, tài chính, tiền tệ…

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chủ động có đề xuất ban đầu về các công trình quan trọng, những nội dung về kinh tế-xã hội và những vấn đề quan trọng khác của đất nước. Có quy trình, thủ tục để các cơ quan của Quốc hội đề xuất, Quốc hội quyết định việc giao cơ quan nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Quốc hội theo hướng chủ động, hiệu quả, linh hoạt. Tập trung xây dựng chiến lược ngoại giao nghị viện nhằm cụ thể hóa chủ trương hội nhập quốc tế, trong đó xác định trọng tâm, trọng điểm nhằm đưa các mối quan hệ hợp tác nghị viện đi vào chiều sâu, hiệu quả và thức chất hơn, góp phần thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư nhằm tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế vào việc bảo vệ chủ quyền và các lợi ích quốc gia; tranh thủ sự ủng hộ của các nước trên trường quốc tế thông qua Nghị viện.

Lan Hương