Sửa đổi Luật Di sản Văn hóa để bắt kịp xu thế

Di sản tư liệu tạo nên bản sắc của một quốc gia

Việt Nam hiện nay sở hữu rất nhiều di sản tư liệu nhưng chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý để nhận diện và bảo vệ nó. Chúng ta tham gia chương trình “Ký ức thế giới” từ 2007. (Đây là chương trình do UNESCO khởi xướng năm 1992 nhằm bảo tồn và pháy huy các giá trị của di sản tư liệu). Đến nay, Việt Nam đã có 7 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh, gồm: 3 di sản tư liệu thế giới và 4 di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ba di sản tư liệu thế giới gồm Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám; 4 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ.

Bia tiến sĩ Văn Miếu là một trong 3 di sản tư liệu thế giới.

Di sản tư liệu được coi là một bộ phận của di sản văn hóa Việt Nam, tuy nhiên, đã 15 năm là quốc gia thành viên mà di sản tư liệu vẫn chưa tạo được hành lang pháp lý cho lĩnh vực này. Nhiều quốc gia trên thế giới quy định di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (ví dụ: Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc). Trong thời gian tới, di sản tư liệu của Việt Nam sẽ tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Đối với mỗi quốc gia, di sản tư liệu phản ánh ký ức quốc gia và bản sắc của quốc gia đó, vì vậy di sản tư liệu góp phần khẳng định vị thế của một quốc gia trong cộng đồng thế giới. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa có một con số thống kê cụ thể về những di sản tư liệu của Việt Nam. Nhưng có thể khẳng định, chúng ta sở hữu một khối lượng tư liệu có giá trị khá lớn ở các địa phương, gia đình và dòng họ… đa dạng về loại hình, tài liệu. Nhưng di sản tư liệu, cũng giống như nhiều di sản khác đang đứng trước nguy cơ bị mai một, biến mất… Vì vậy, việc kiểm kê, nhận diện, bảo về các tư liệu này vô cùng quan trọng. Và muốn làm được điều đó, chúng ta cần có quy định mới về loại hình Di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương.

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, Phó chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương(MOWCAP), việc có một thông tư về di sản ký ức và những chế tài về luật là cần thiết để trên cơ sở đó, chúng ta có thể nhận diện, thống kê và bảo vệ các di sản ký ức mà chúng ta đang có, là cơ sở để xem xét lập hồ sơ, trình lên UNESCO ghi danh ở cấp khu vực hoặc thế giới. Hiện nay, mọi hoạt động liên quan đến di sản ký ức mới chỉ dựa vào các văn bản của UNESCO và khu vực mà Việt Nam là thành viên như Hướng dẫn chung về chương trình Ký ức thế giới năm 2002 và năm 2021 của UNESCO cũng như Hướng dẫn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sửa đổi. “Tuy nhiên, để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về di sản tư liệu thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật về di sản tư liệu. Nếu không được bảo vệ bởi hành lang pháp lý, các di sản ký ức sẽ dần dần bị mai một”. Tiến sĩ Hương khẳng định.

Bảo tàng Đà Nẵng cũng đề xuất đưa di sản tư liệu vào luật, bởi nguyên nhân khiến di sản tư liệu còn hạn chế do vấn đề quản lý nhà nước còn bỏ ngỏ, chưa có bất kỳ văn bản, quy phạm pháp luật nào của Việt Nam quy định về việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu. Chúng ta cũng chưa có quy định hướng dẫn nhận diện, quản lý, ghi danh, bảo vệ và phát huy di sản. Tiến sĩ Nguyễn Huy Mỹ cũng khẳng định: “Việc đưa chương IV về di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa sửa đổi là điều vô cùng cần thiết để góp phần bảo vệ di sản đang có nguy cơ mai một”.

Trong Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa đưa ra những vấn đề về chính sách di sản tư liệu như “Bổ sung thuật ngữ định nghĩa về di sản tư liệu và thêm 1 chương mới gồm 9 điều, tập trung các vấn đề: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu gồm: nhận diện, quản lý, ghi danh, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Chính phủ quy định chi tiết việc lựa chọn tài liệu có giá trị tiêu biểu để đăng ký vào chương trình, danh hiệu của khu vực và thế giới; việc thống kê, bảo quản, phát huy giá trị di sản tư liệu của Việt Nam; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về Di sản tư liệu; Di sản tư liệu phải được kiểm kê với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về di sản văn hóa ở trung ương và cấp tỉnh để lựa chọn, ghi danh vào các Danh mục Di sản tư liệu quốc gia, khu vực và thế giới; Quy định trình tự, thủ tục kiểm kê, số hóa, chuyển đổi số, bảo vệ, phát huy giá trị và đề nghị ghi danh di sản tư liệu của Việt Nam”...

Số hóa di sản là xu hướng tất yếu

Nhiều năm gần đây, việc số hóa các tư liệu, di sản đã được nhà nước và các cơ quan chức năng thực hiện. Đó là một xu thế tất yếu của Việt Nam trong mạng lưới phát triển chung của thế giới. Từ năm 2013, UNESCO đã chính thức thông qua Hiến chương về Di sản số, trong đó khuyến khích các quốc gia trên thế giới xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa dưới dạng số nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức, chia sẻ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đã được đa số các quốc gia hưởng ứng và triển khai có hiệu quả, việc liên kết cũng từng bước được đẩy mạnh trên toàn thế giới: Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Canada, Philippine…

Việc số hóa di sản có nhiều giá trị không chỉ để bảo tồn mà còn đưa di sản vào phục vụ cuộc sống. Các chuyên gia gọi là “bảo tồn tích cực”, để di sản luôn hiện hữu sống động trong cuộc sống. Khi di sản được số hóa, chúng ta xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa số thống nhất sẽ phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Trong lĩnh vực số hóa di sản, có một hoạt động rất quan trọng đó là việc trưng bày, triển lãm ở các bảo tàng. Đại dịch COVID - 19 đã làm thay đổi thói quen thưởng lãm của con người. Triển lãm trực tuyến với công nghệ số đang được áp dụng tại các bảo tàng của Việt Nam. Bảo tàng số cũng là một xu hướng tất yếu.

Cần có hành lang pháp lý để bảo vệ di sản số.

Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa cập nhật được những vấn đề về quản lý, hoạt động, bản quyền, quyền khai thác, sử dụng, lưu trữ,… Luật Di sản sửa đổi cần phải có những quy định mới để tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của di sản văn hóa theo nền tảng công nghệ kỹ thuật số. Bảo tàng Đà Nẵng đề xuất: “Để thích ứng với cách mạng 4.0, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đối với việc quản lý, bảo vệ các di sản được số hóa là vô cùng cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Nội dung này cần được quy định cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung vào Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn liên quan”.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, qua hoạt động thực tiễn của Bảo tàng trong nhiều năm qua, với việc ứng dụng công nghệ số đã bộc lộ những vấn đề bất cập do Luật Di sản văn hóa chưa có những điều khoản, quy định cụ thể. Theo Tiến sĩ Minh, cần có những quy định cụ thể về bản quyền công nghệ, bản quyền hình ảnh sự vật khi chúng ta số hóa. Ông cũng cho rằng, số hóa trong lĩnh vực bảo tàng rất quan trọng, vì thế, ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng nên được coi là nhiệm vụ cần thiết được quy định trong Luật Di sản văn hóa. Theo ông, cần có quy định cụ thể về cơ chế hợp tác công tư, cơ chế khuyến khích các cá nhân, đơn vị phối hợp với Bảo tàng trong việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa....

Ra đời từ năm 2001, chỉnh sửa, bổ sung vào năm 2009, Luật Di sản văn hóa đã góp phần quan trọng bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Vì thế, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội thảo, lấy ý kiến góp ý cho Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Dự thảo Luật dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ VII năm 2024.

Việt Linh