Tại sao ngày càng nhiều tập đoàn thế giới đầu tư vào cảng biển Việt Nam?

Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép.

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có những phân tích về tình hình hoạt động các cảng biển tại Việt Nam giai đoạn 5 năm 2015 - 2020. Cục này đánh giá, qua hai thập kỷ phát triển cảng biển theo quy hoạch được duyệt, cảng biển Việt Nam đã định hình một hệ thống cảng gồm 45 cảng (32 cảng biển trong lục địa và 13 cảng dầu khí ngoài khơi), 286 bến cảng với khoảng 96,275 km dài cầu cảng, với tổng công suất 650-700 triệu tấn/năm.

Gắn liền với các trung tâm, các vùng kinh tế lớn của cả nước đã hình thành các cảng biển lớn với vai trò là đầu mối phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa và tạo động lực phát triển toàn vùng. Cụ thể, cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng gắn với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; cảng biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Dung Quất, Quy Nhơn gắn với vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung; cảng biển TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai gắn với vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ; cảng biển Cần Thơ, An Giang gắn với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Một số cảng biển đã và đang được đầu tư với quy mô hiện đại mang tầm vóc quốc tế như cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, cảng biển Hải Phòng. Các cảng này đang thực hiện vai trò cảng cửa ngõ quốc tế và đảm nhận chức năng trung chuyển.

Theo Cục Hàng hải, so với năm đầu tiên thực hiện quy hoạch (năm 2000), hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng lên 4,5 lần về chiều dài bến cảng. Năng lực bến cảng được quan tâm, nâng cấp cải tạo để tiếp nhận các tàu có trọng tải ngày càng lớn hơn.

Hầu hết các cảng tổng hợp, đầu mối khu vực bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghi Sơn, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tp Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An đã được đầu tư mới và cải tạo nâng cấp cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 DWT và lớn hơn phù hợp với xu thế phát triển của đội tàu biển thế giới.

Nhiều bến cảng đầu tư mới với quy mô hiện đại cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn đến hàng trăm ngàn tấn như các bến cảng khu vực Cái Mép – Thị Vải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và bến cảng Lạch Huyện – Hải Phòng. Bến cảng Cái Mép đã tiếp nhận thành công tàu container lớn nhất thế giới hiện nay với trọng tải từ 18.340 TEU (214.000DWT). Phía Bắc, bến cảng Lạch Huyện đã tiếp nhận thành công tàu 132.000 TEU. Đây là cơ sở quan trọng, khẳng định năng lực cảng biển Việt Nam, tạo tiền đề để các hãng tàu sử dụng cảng biển Việt Nam làm mắt xích trong chuỗi hải trình toàn cầu.

Lần đầu tiên tại Việt Nam các bến cảng chuyên dùng hành khách đã được quan tâm, đầu tư xây dựng tại Hòn Gai - Quảng Ninh và Phú Quốc - Kiên Giang. Khi các bến cảng này hoàn thành cho phép tiếp nhận tàu khách quốc tế có trọng tải đến 225.000 GT, bước đầu đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách du lịch quốc tế bằng đường biển và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.

Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam giai đoạn 2015-2020 đạt mức tăng trưởng bình quân 15,7 %/năm, trong đó đứng đầu là nhóm cảng biển số 5 chiếm 45,39%, thứ 2 là nhóm cảng biển số 1 là 27,68% (năm 2015 đạt 371,49 triệu tấn, năm 2016 đạt 416,38 triệu tấn, năm 2017 đạt 512,17 triệu tấn, năm 2018 đạt 661,61 triệu tấn, năm 2019 đạt 664,6 triệu tấn, năm 2020 đạt 692,3 triệu tấn).

Biểu đồ lượng hàng qua cảng biển Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020. (nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam)

Về số lượng hành khách, lượt tàu, phương tiện thủy nội địa giai đoạn 2015-2020, số liệu thống kê cho thấy, lượng hành khách đường biển có mức tăng trường bình quân đạt 37,8% (năm 2019 đạt 7,5 triệu lượt khách, năm 2020 đạt 5,9 triệu lượt khách); số lượt tàu biển tăng 5,3% (năm 2019 đạt 122.336 lượt, năm 2020 đạt 114.370 lượt); số lượt phương tiện thủy nội địa tăng 22,7% (năm 2019 đạt 364.244 lượt, năm 2020 đạt 373.511 lượt).

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, chính sách mở về đầu tư đã giúp cho chất lượng dịch vụ khai thác cảng ngày một nâng cao. Cụ thể, trong giai đoạn qua đã thu hút được nhiều nhà đầu tư khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển tại Việt Nam. Điển hình, Tập đoàn DP World - UAE (nhà khai thác cảng số 5 thế giới) tham gia đầu tư, khai thác bến cảng SPCT - TP. Hồ Chí Minh; Tập đoàn SSA Marine - Mỹ (nhà khai thác cảng thứ 9 thế giới) đầu tư khai thác bến cảng CICT tại tỉnh Quảng Ninh và bến cảng SSIT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn PSA - Singapore (nhà khai thác cảng số 3 thế giới) đầu tư, khai thác bến cảng SP-PSA tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, Tập đoàn APMT - Đan Mạch (nhà khai thác cảng số 2 thế giới) đầu tư khai thác Cảng CMIT tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tập đoàn Hutchison Port Holding - Hồng Kông (nhà khai thác cảng biển số 1 thế giới) đầu tư bến cảng SITV tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Các hãng tàu Mitsui O.S.K line (Nhật Bản), Wanhai Lines (Đài Loan) đầu tư, khai thác bến cảng container quốc tế Tân Cảng - Cái Mép; hãng tàu MOL, NYK đầu tư bến cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)….

Tại Việt Nam, một số nhà khai thác cảng trong nước cũng lớn mạnh, khẳng định vị thế như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã mang đến những dịch vụ cảng biển tốt, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh của cảng biển Việt Nam.

Minh Hữu