Cá tháng Tư: Những trò đùa quá trớn gây thảm họa

Ngày Cá tháng Tư, hay Ngày Nói dối 1/4, là dịp để mọi người trêu đùa và mang lại tiếng cười cho nhau bằng những lời nói dối vô hại. Tuy nhiên, đôi khi những trò đùa đi quá giới hạn và kết thúc bằng những hậu quả tai hại. Những trò đùa dưới đây là sai lầm khủng khiếp trong lịch sử ngày Cá tháng Tư.

Những trò đùa Cá tháng Tư đôi khi có thể gây ra hậu quả tai hại. (Ảnh: Getty Images)

Suýt châm ngòi chiến tranh

Ngày 1/4/1986, suýt nữa thì lịch sử Israel đã có thêm một cuộc chiến chỉ vì trò đùa Cá tháng Tư của một sĩ quan tình báo. Anh này gửi tin tình báo giả cho Đài phát thanh Israel, báo cáo về âm mưu ám sát một thủ lĩnh Hồi giáo.

Căng thẳng nhanh chóng bùng lên trong khu vực khi Đài phát thanh Israel đưa tin nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Shia ở Lebanon Nabih Berri đã bị giết hoặc bị thương nặng trong một vụ ám sát. May thay, tin tức đã kịp thời được đính chính trước khi có bất kỳ cuộc xung đột nào nổ ra, còn anh sĩ quan tình báo “vui tính” thì bị đưa ra tòa.

Cả thành phố sơ tán

Sáng sớm ngày 1/4/1974, cư dân thành phố Sitka ở Alaska chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng: Một cột khói khổng lồ bốc lên từ miệng núi lửa Mount Edgecumbe gần đó. Toàn bộ người dân Sitka bỏ chạy trong hoảng loạn để tránh thảm họa sắp tới.

Một chiếc trực thăng nhanh chóng được điều đi thăm dò khu vực có khói. Kết quả, phi công phát hiện cột khói bốc lên từ những chiếc lốp xe bị đốt trên đỉnh Edgecumbe, bên cạnh đó là thông điệp viết: “Cá tháng Tư”. Báo cáo điều tra vụ việc cho thấy đây là trò đùa của một người dân địa phương.

Dọa vợ chết vì sợ

Năm 1896, John Ahrens, anh nông dân mới cưới vợ ở Tennessee, Mỹ, đã khiến bạn đời sợ chết khiếp theo đúng nghĩa đen. Vào ngày Cá tháng Tư, Ahrens cải trang thành một người vô gia cư đeo mặt nạ trắng. Khi người vợ nhìn thấy anh trước cửa, cô sợ đến ngất xỉu và chết vì sốc trong vòng một giờ sau đó. John Ahrens suốt đời sống trong ân hận vì không ngờ trò chơi khăm lại gây ra hậu quả thương tâm như vậy.

Trò đùa dẫn đến biểu tình

Năm 2020, phong trào biểu tình phản đối bạo lực gia đình rộ lên sau khi ấn bản tiếng Romania của tạp chí Playboy đăng bài báo có tiêu đề: "Cách đánh vợ không để lại dấu vết". Sau đó, tạp chí lên tiếng giải thích rằng bài báo là một trò đùa Cá tháng Tư.

Bài báo “viết đùa” này mô tả nhiều cách lạm dụng phụ nữ, khiến công chúng phẫn nộ và làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình. Những người tham gia tuần hành cầm biểu ngữ viết: “Bạo lực gia đình không phải trò đùa, đó là vấn nạn".

Làm chết người, nhận án tử

Năm 2013, Lin Senhao, một sinh viên Trung Quốc, đầu độc bạn cùng phòng là Huang Yang bằng một hóa chất có tên là N-nitrosodimethylamine. Sau khi bạn chết, Senhao biện minh rằng vụ việc chỉ là sự cố trong trò đùa Cá tháng Tư.

Lin Senhao bị tuyên án tử hình vì tội danh giết người. Vào tháng 12/2015, sinh viên này bị xử tử.

Giả treo cổ để trêu vợ cũ

Năm 2004, một người đàn ông ở West Monroe, bang Louisiana, Mỹ, bị cáo buộc vì giả chết để trêu trọc vợ cũ nhân ngày Cá tháng Tư. Anh này giả như đã treo cổ tự sát, khiến người vợ cũ hoảng sợ báo cảnh sát. Nhân viên cấp cứu nhanh chóng có mặt và phát hiện ra đây chỉ là trò đùa. Sau đó, anh ta bị bắt giam.

Trần Trang (Timesnownews)