Tăng cường ứng dụng công nghệ trong xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông

Nhờ tăng cường xử phạt qua hệ thống camera giám sát, tình trạng vi phạm giao thông trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: CTV

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra gần 5.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 2.800 người, bị thương gần 3.500 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 762 vụ (giảm 13,29%), giảm 484 người chết (giảm 14,45%), giảm 214 người bị thương (giảm 5,81%). Có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, 8 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Ninh Bình. Số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”. Tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 2.150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Nguyên nhân của tai nạn giao thông một phần đến từ ý thức của người tham gia giao thông. Lực lượng chức năng không phải lúc nào cũng có mặt để giám sát. Nhiều người dân tham gia giao thông vẫn còn thiếu ý thức, khi không thấy lực lượng chức năng trên đường thì vẫn cố tình vi phạm.

Bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt tại chỗ những vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, lực lượng chức năng trên cả nước đã tăng cường lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên các trục đường chính, các nút giao thông trọng điểm để hỗ trợ công tác phát hiện, xử lý vi phạm. Hệ thống này đã hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ, nhất là những tuyến đường giao thông nổi cộm vấn đề mất an toàn giao thông.

Tất cả những hình ảnh về các hành vi vi phạm được thông tin trực tiếp xuống các tổ công tác làm nhiệm vụ kịp thời dừng xe, kiểm tra, xử lý ngay. Hoặc với những thời điểm diễn ra vi phạm nhưng không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ gần đó thì các vi phạm này được cán bộ in hình ảnh, gửi thông báo về địa chỉ của người đăng ký phương tiện để họ nộp phạt.

Bên cạnh việc hỗ trợ đắc lực trong xử lý vi phạm, các camera giám sát cũng giúp lực lượng chức năng phát hiện, xử lý các lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chính xác hơn. Tránh trường hợp vi phạm do lỗi vô ý hoặc vi phạm trong tình huống bắt buộc nhưng vẫn bị xử phạt. Nhờ tăng cường xử phạt qua hệ thống camera giám sát, tình trạng vi phạm giao thông trên cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo thống kê, lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước đã kiểm tra, xử lý hơn 1,68 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền hơn 3,2 tỷ đồng, tước trên 328 nghìn giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ hơn 528 nghìn phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2022, xử lý vi phạm tăng hơn 300 nghìn trường hợp (tăng 22,2%), tiền phạt tăng hơn 1,6 nghìn tỷ đồng (tăng 98,9%).

Có thể thấy rõ, việc xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát đang phát huy hiệu quả một cách rõ rệt. Hiện, việc lắp đặt camera giám sát đang dần được phủ kín các tuyến đường chính của các thành phố với những tính năng nhận diện biển số xe, lưu hình ảnh làm căn cứ để xử lý vi phạm. Cùng với đó, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc lập chốt, xử lý tại chỗ chắc chắn sẽ ngăn ngừa vi phạm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Việc lắp đặt camera giám sát đã thấy rõ hiệu qua tại các địa phương. Tại Thừa Thiên Huế hiện có gần 300 camera được lắp đặt trên các quốc lộ, tỉnh lộ và khu vực thành phố Huế. Từ ngày hệ thống camera giám sát giao thông đi vào hoạt động (tháng 11/2019) đến nay đã giúp các ngành, đơn vị chức năng phát hiện hàng nghìn phương tiện tham gia giao thông vi phạm. Đơn cử, dịp bùng phát dịch Covid-19 gần đây, thông qua hệ thống camera này đã phát hiện, xử lý gần 200 phương tiện vào địa bàn vi phạm các quy định về công tác phòng dịch. Việc lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông đã tạo điều kiện cho lực lượng chức năng chủ động giải quyết nhanh, kịp thời nhiều “điểm nóng” gây mất trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.

Mới đây, vào tối 18/8, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, qua hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng đã phát hiện 16 thanh, thiếu niên đi trên 9 xe mô tô không gắn biển kiểm soát. Trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, các thanh, thiếu niên nêu trên đều không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, gây náo loạn trên nhiều tuyến phố, tắc nghẽn giao thông tại ngã tư đại lộ Lê Lợi giao với đường Trần Phú (thành phố Thanh Hóa) và gây ra một vụ va chạm giao thông với người đi đường.

Cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ các trường hợp vi phạm; đồng thời ban hành quyết định xử lý phạt vi phạm hành chính đối với các thanh, thiếu niên trên về các lỗi: Không gắn biển kiểm soát, không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, lạng lách, đánh võng.

Tuấn Khang