Tăng vốn đầu tư dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu lên gần 7.500 tỷ đồng

Dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Chính phủ ần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 19/12/2023 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

Theo quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 vừa được Thủ tướng phê duyệt, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án này là 7.496 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu được điều chỉnh lần này tăng thêm 1.610 tỉ đồng so với tổng mức đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 6/2022.

Cụ thể, dự án thành phần 1 có tổng mức đầu tư khoảng 3.600 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 2.100 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 745 tỷ đồng. Nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ngân sách Trung ương là 1.410 tỷ đồng.

Khoảng 1.484 tỷ đồng được chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030, bố trí trong nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với dự án thành phần 2, tổng số vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025 khoảng 2.900 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 459 tỷ đồng.

Nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ngân sách Trung ương là 872 tỷ đồng. Nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ngân sách Trung ương, chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030 khoảng 915 tỷ đồng.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có kiến nghị Thủ tướng xem xét điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1.

Hai nguyên nhân chính dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng do tăng chi phí giải phóng mặt bằng và điều chỉnh chi phí xây dựng.

Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng hơn 1.000 tỷ đồng chủ yếu do thay đổi về đơn giá bồi thường đất, cây trồng, vật kiến trúc và chính sách hỗ trợ so với thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư. Chi phí xây dựng, thiết bị dự kiến tăng 644 tỷ đồng.

Các khoản chi phí thuộc dự án giảm sau khi cập nhật gồm: chi phí quản lý dự án, tư vấn giảm 14 tỉ đồng sau khi cập nhật kết quả thực hiện, dự toán chi phí được duyệt, ước tính chi phí theo định mức; chi phí dự phòng giảm 42 tỉ đồng…

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nguyên nhân chính dẫn tới chi phí xây dựng dự án đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu tăng là khi khảo sát chi tiết địa chất thấy xuất hiện đất yếu với chiều sâu lớn hơn nhiều so với dự kiến. Cụ thể: đoạn 1,85km đầu của dự án có lớp đất yếu dày 45m, đoạn km 19+400 đến km 26+960 lớp đất yếu dày từ 40m đến 60m. Việc phải áp dụng giải pháp công trình tại khu vực đất yếu khiến chi phí xây dựng cao hơn.

Thanh Thủy