Thẩm mỹ 'chui' và những mối họa

Spa, thẩm mỹ, cắt tóc gội đầu nhưng lại quảng cáo làm đẹp như nâng mũi, nâng mông, nâng ngực… với đội ngũ nhân viên dạo đã tiêm chất làm đầy nâng mũi, độn mông, làm trẻ hóa làn da cho khách hàng. Những cơ sở làm đẹp “chui” mọc lên như nấm sau mưa, nhân viên không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn vẫn ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn lên khách hàng. Đã có rất nhiều người vì muốn làm đẹp ở những cơ sở chui mà “tiền mất, tật mang”.

Hiểm họa từ làm đẹp không được cấp phép

Tới Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chúng tôi bắt gặp nhiều người tới khám bởi những biến chứng do làm đẹp ở những cơ sở “chui”. Chị N.T.H (41 tuổi, Hà Nội) cho biết, mình “nghiện” làm đẹp, ngoài tiêm filler nâng mũi, nâng cung mày và cắt mí mắt, chị còn nghiện tiêm chất làm đầy để cho làn da căng mịn. “Mọi lần em tiêm không sao, nhưng lần này em tiêm chất làm đầy vào mông để có vòng ba căng tròn, được 1 tháng bắt đầu đau, sau đó vùng mông nóng sưng đỏ chảy mủ. Em tới bắt đền thì họ chích mủ và cho uống thuốc nhưng không khỏi, vùng mông đau nhức phát sốt em phải tới viện khám”.

Một bệnh nhân suýt mất mạng vì nâng ngực bằng mỡ tự thân từ một cơ sở thẩm mỹ “chui”.

Theo PGS.TS Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, trường hợp này dù đã được nạo vét các vùng hoại tử và điều trị dài ngày nhưng các dịch mủ vẫn tiếp tục chảy ra. Phần mô hoại tử được nạo tạo thành hố lõm hàm ếch và việc điều trị còn phải trường kỳ cho đến khi các vùng tổn thương hoàn toàn khô ráo. Để lấy lại “vòng 3” như cũ, người bệnh phải tạo hình, đặt túi nâng, tuy nhiên phải chấp nhận các vết sẹo.

BS Lâm cũng cho biết, Trung tâm thường tiếp nhận tư vấn, thăm khám và giải quyết các ca bệnh là hậu quả của hoạt động làm đẹp sai phép, không phép, không đúng chuyên môn kỹ thuật từ các cơ sở y tế có tên gọi spa hoặc thẩm mỹ viện. Phần lớn các ca để lại hậu quả nặng nề như viêm nhiễm, hoại tử do phẫu thuật nâng mũi, tiêm filler nâng mũi, nâng ngực hoặc tăng kích cỡ “vòng ba”. Có trường hợp phải điều trị gần 4 năm với chằng chịt vết sẹo do chích rạch mủ, tổn hại cả về thể chất và tinh thần.

Với trường hợp chị H, chúng tôi gạn hỏi, chị nói mình tiêm 200ml filler không rõ nguồn gốc tại một cơ sở thẩm mỹ trên đường Đê La Thành (Hà Nội) theo gói combo 30 triệu đồng không giới hạn trong 10 năm, nghĩa là khi nào mông “xẹp” thì lại đến tiêm cho tròn trịa.

Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng là nơi tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng nặng nề do làm đẹp ở cơ sở “chui”. Vào ngày 26/2 vừa qua, bệnh viện tiếp nhận nữ bệnh nhân 37 tuổi bị sưng nóng, đỏ, đau vùng mông kèm các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt. Theo chia sẻ của người bệnh, do muốn nâng cấp “vòng 3”, chị đã đến một cơ sở làm đẹp của người quen để tiêm chất làm đầy và không biết mình tiêm loại thuốc gì. Hai ngày sau tiêm, chị xuất hiện biến chứng và tự mua thuốc kháng sinh, hạ sốt về uống nhưng bệnh không thuyên giảm. Khi mông xuất hiện chảy dịch, chảy mủ, chị mới tới bệnh viện.

Theo ThS.BS Tạ Thị Hà Phương, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do kỹ thuật không đảm bảo vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn. Đây là biến chứng hay gặp gần đây với những người tiêm filler ở cơ sở không uy tín. Các bác sĩ đã chích rạch áp xe, điều trị kháng sinh và hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân, nhưng người bệnh vẫn có thể gặp di chứng về thể chất hoặc tinh thần.

Vì sao cơ sở chui vẫn tồn tại?

Hiện trên thị trường tồn tại rất nhiều cơ sở “chui”, thậm chí nhân viên cắt tóc gội đầu cũng tiêm filler nâng mũi làm đẹp cho khách hàng. Các nạn nhân hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những lời chèo kéo “ngọt ngào” trên mạng để rồi “tiền mất tật mang”.

PGS.TS Vũ Ngọc Lâm cho biết, không ít các cơ sở làm đẹp không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương đã mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với nhiều tên gọi mập mờ như Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội, Viện 108… Và nạn nhân của các cơ sở mạo danh này không ít. Điển hình Trung tâm tiếp nhận 1 ca tai biến nặng tại cơ sở mạo danh của bệnh viện là nữ bệnh nhân 60 tuổi (trú tại Hải Dương).

Theo chia sẻ của nữ bệnh nhân, bà đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhưng vừa tới cổng lại bị đội cò mồi dẫn dắt đưa đến cơ sở khác và được giới thiệu đơn vị “con” của bệnh viện có tên gọi Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội. Tại đây, bệnh nhân thực hiện nhiều dịch vụ làm đẹp trong đó có phẫu thuật nâng mũi, nâng cung mày, tiêm nọng, tiêm cằm… với chi phí 106 triệu. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, hậu quả mắt, mũi đều viêm nhiễm nặng, khiến bệnh nhân rơi vào stress nặng nề. Các bác sĩ đã phải tháo vật liệu làm mũi trước đó ra, nâng lại mũi cho bệnh nhân bằng cách chồng thêm vật liệu mới.

BS Lâm cảnh báo, ngoài những tai biến có thể nhìn thấy được, nguy hiểm hơn là các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan B ở các cơ sở spa, thẩm mỹ viện này. Đây là tình trạng cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe người dân bởi các cơ sở này, kiến thức, trình độ, khả năng trang thiết bị để kiểm soát lây bệnh hoàn toàn không có. Bản thân họ không có kiến thức, thậm chí không muốn làm điều đó, những xét nghiệm loại trừ, các biện pháp dự phòng đều không có vì tốn kém, mất thời gian, khó khăn… Đó sẽ là hệ lụy lâu dài.

Theo một số chuyên gia y tế, sở dĩ các spa, thẩm mỹ hoạt động trái phép như can thiệp thẩm mỹ là do quản lý chồng chéo, khi tai biến nặng gây chết người xảy ra thì cơ quan quản lý mới biết. Hầu hết khách hàng đều không khai hoặc báo cơ quan chức năng địa chỉ của cơ sở làm đẹp khi xảy ra tai biến, mà chỉ âm thầm đến bệnh viện khắc phục, trừ trường hợp tai biến gây tử vong hoặc rất nặng nề. Công tác quản lý, thanh tra, hậu kiểm lại được phân cấp theo đơn vị cấp phép. Vì vậy, đơn phương ngành Y tế không thể kiểm tra, kiểm soát mà cần phối hợp liên ngành chức năng. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng thì việc kiểm tra cũng khó có thể “chạy” theo được sự nở rộ của các loại hình này. Trên thực tế, Thanh tra Y tế có thể xử phạt với các cơ sở này về vi phạm “hành nghề trái phép”, tuy nhiên thường là khi đã xảy ra vụ việc.

Theo PGS.TS Vũ Ngọc Lâm, chính sự nhập nhèm trong tên gọi của dịch vụ thẩm mỹ hiện nay như “Thẩm mỹ viện”, “Viện thẩm mỹ”, “Trung tâm thẩm mỹ”… khiến người dân không thể phân biệt được đâu là cơ sở được cấp phép can thiệp xâm lấn, đâu là cơ sở trái phép. Trong khi công tác kiểm tra, kiểm soát còn chưa hiệu quả, nên chăng cần bổ sung thêm quy định về định danh rõ ràng gắn với ngành nghề đăng ký kinh doanh… giúp người dân không bị nhầm lẫn.

Trần Hằng