Thấy gì từ ứng dụng công nghệ trong chống dịch Covid-19 tại Bắc Giang?

Ngày 7/5, Bắc Giang phát hiện ca bệnh đầu tiên của đợt dịch Covid-19 lần 4. Đặc biệt, do xảy ra 2 ổ dịch tại khu công nghiệp với mật độ công nhân lớn nên tốc độ lây lan nhanh chóng và khó kiểm soát.

“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thông điệp phòng, chống dịch thời kỳ mới ‘5K + vaccine + công nghệ’, chúng tôi cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những biện pháp rất cần thiết, nhất là đối với tỉnh Bắc Giang thời gian qua”, ông Nguyễn Gia Phong, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang (Sở TT&TT), nhấn mạnh.

Xuyên suốt, tập trung, quyết liệt chặn dịch trong khu công nghiệp

Ngay từ khi dịch bùng phát, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và các doanh nghiệp công nghệ số triển khai hàng loạt giải pháp công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ nhất, tỉnh đưa vào vận hành hệ thống Bản đồ số dịch tễ tỉnh Bắc Giang để phục vụ các cấp quản lý, điều hành và hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ khi điều tra truy vết, điều trị bệnh nhân.

Thứ hai, triển khai Hệ thống phần mềm phòng, chống, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 theo thời gian thực.

Thứ ba, xây dựng phần mềm Quản lý và truy vết Covid-19 cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Và cuối cùng, tập trung ứng dụng công nghệ để kết nối trực tiếp với từng người dân nhằm đảm bảo tính xuyên suốt trong việc phòng chống dịch.

Trong đó, nền tảng Zalo với sức lan tỏa lớn, khả năng truyền tải thông tin chi tiết và nhanh chóng được đánh giá là cầu nối quan trọng trong việc hướng dẫn, chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương này.

Tỉnh Bắc Giang đã khởi tạo 3 kênh Zalo gồm: Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang; Công nhân KCN tỉnh Bắc Giang và Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang để hỗ trợ công tác chống dịch.

3 trang Zalo chính thức của tỉnh Bắc Giang hoạt động song song, liên tục cập nhật thông tin về Covid-19 đến người dân.

“Tỉnh Bắc Giang hiện nay có khoảng 1,2 triệu tài khoản người dùng Zalo, do đó việc lựa chọn kênh Zalo mang lại hiệu quả tích cực trong việc truyền tải các thông điệp, chủ trương, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19”, ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang, cho biết.

Là địa phương tập trung lượng lớn công nhân, người lao động trong và ngoài tỉnh, ngay khi 2 ổ dịch lớn được phát hiện trong khu công nghiệp, Bắc Giang đã cho tạm dừng 4 khu công nghiệp. Ước tính mỗi ngày dừng hoạt động các khu công nghiệp, Bắc Giang mất hơn 2.000 tỷ đồng giá trị sản xuất công nghiệp.

Trước nguy cơ dịch có khả năng lây lan nhanh và rộng, ngay lập tức kênh Zalo “Công nhân KCN tỉnh Bắc Giang” ra đời, được ví như biệt đội phản ứng nhanh giúp kết nối thông suốt giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và hàng trăm nghìn công nhân, người lao động.

Các công ty sắp xếp chỗ ăn, ngủ cho công nhân ngay tại nhà máy, áp dụng quy trình làm việc khép kín. Ảnh: Đông Giang và Thanh Thương.

“Đây là cầu nối trực tiếp giữa cơ quan nhà nước các cấp với người lao động trong tỉnh. Giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, tâm lý, sức khỏe, từng bước khống chế và đẩy lùi dịch bệnh”, ông Nguyễn Gia Phong chia sẻ thêm.

Cụ thể, trang “Công nhân KCN tỉnh Bắc Giang” kết nối với 13 số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế Bắc Giang, ban quản lý KCN Bắc Giang và 9 huyện thuộc tỉnh Bắc Giang, để người lao động liên lạc khi cần thiết. Đặc biệt hơn, ngay trên trang này, người lao động còn dễ dàng thực hiện khai báo y tế điện tử.

“Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc làm của chúng tôi. May mắn là ban quản lý KCN quan tâm và hỗ trợ đời sống của anh chị em nên cũng an tâm phần nào”, chị Minh Ánh (công nhân tại Bắc Giang) chia sẻ.

Công nhân trong các khu công nghiệp tại Bắc Giang được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang.

Tính từ ngày 5/6 đến nay, “Công nhân KCN tỉnh Bắc Giang” đã gửi đi trên 36.000 tin nhắn với tổng số lượt xem xấp xỉ 100.000. Ngoài ra, trang này còn tiếp nhận và xử lý hàng nghìn thông tin phản ánh từ phía người lao động về công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tại các điểm nóng.

Sáng tạo, linh hoạt trong các tình huống đặc biệt

Đầu tháng 6, khi Bắc Giang ghi nhận số lượng ca nhiễm hơn 2.290 ca, số ca F1 phải cách ly tập trung lên tới hàng chục nghìn người, gây quá tải cho các cơ sở. Ngay lập tức, tỉnh này đã thí điểm cho phép người dân thuộc diện nguy cơ cao tại các khu vực cách ly có thể tự thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2.

Không chỉ cử chuyên gia hướng dẫn, tập huấn tỉnh Bắc Giang còn gửi video hướng dẫn chi tiết qua Zalo “Chính quyền điện tử Bắc Giang” để người dân làm theo. Việc người dân tự lấy mẫu test nhanh đã giúp giảm tải áp lực cho ngành y tế, đồng thời đẩy nhanh quá trình sàng lọc, giảm thiểu nguy cơ lây chéo.

Trang “Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang” liên tục cập nhật diễn biến dịch Covid-19, những hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời đến người dân.

“Công tác tuyên truyền đã hỗ trợ tích cực trong việc truy vết, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân. Qua đó, thực hiện hiệu quả các quy định về giãn cách xã hội, cách ly y tế theo Chỉ thị số 15, 16 của Chính phủ”, ông Phong nói thêm.

Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, ngay khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, chính quyền Bắc Giang nhanh chóng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.

Đơn cử, các bộ phận chức năng của Công an tỉnh Bắc Giang đã nhanh chóng thành lập 4 nhóm Zalo gồm: “Phòng quản lý XNC Bắc Giang với doanh nghiệp”, “Phòng CSQLHC hỗ trợ doanh ngiệp”, “Cảnh sát PCCC và CNCH Bắc Giang với doanh nghiệp”, “Phòng CSGT hỗ trợ doanh nghiệp”.

Qua đó, giúp doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính, tiếp nhận các thông tin liên quan đến an ninh, trật tự phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhiều khu công nghiệp tại Bắc Giang đã quay trở lại hoạt động. Ảnh: Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang.

Dự kiến, từ ngày 10/7, Bắc Giang chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo khôi phục lại hoạt động kinh tế - xã hội địa phương. Tám tổ công tác chuyên trách để xử lý các nhóm vấn đề khác nhau, trong đó, trọng tâm sẽ khởi động lại các khu công nghiệp an toàn, hoạt động kinh tế - xã hội an toàn.

Nguyên Thảo