Thênh thang chiều 30 tết – truyện ngắn của NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Minh họa: PV

ết nhứt tới nơi, chị em còn phải lò mò đi cấy, tôi càm ràm trong dạ. Ông trời cũng thiệt biết đùa. Năm nay dằng dặc mưa, đồng sạ muộn, vậy mà cũng dính chưởng, mưa trắng trời sau sạ. Thôi thì khỏi nói, giống dạt thành chùm, lúa mọc như cái đầu bị cạo nham nhở, chỗ đầy tóc, chỗ ló da. Hai chị em ra nhìn đám lúa mà nản.

- Kiểu vầy chắc cấy qua tết luôn! - tôi bi thiết.

- Lo mà làm đi chứ đứng đấy chống lưng than thở. Làm gì làm, phải xong trong ngày 29 đó.

Chị em cắm mặt, đặc biệt tôi lo làm chớ hổng dám ngả ngớn như mọi khi. Trưa lên bờ giải lao, ngồi dưới bóng bụi tre nhà bà Bảy giữa đồng ăn nhanh, ngả lưng. Trời ơi, tôi còn chưa kịp chợp mắt chị đã kêu dậy làm. Ôi, cho nghỉ trưa một chút đi mờ! Ừ, nghỉ trưa đi rồi tết một mình mày ra làm đi nha, tao có hẹn với bạn rồi. Ui ui, chị nói vậy là tôi bật nhanh như cái lò xo liền, riêng gì chị, ai mà chẳng có hẹn với tết.

Cắm đầu cắm cổ, nhổ cấy nhổ cấy, làm việc như hai cái máy mà hết ngày 29 - tới chừng hết thấy đường mới về, vậy mà vẫn còn nguyên hai rõng lúa. Hai rõng này bị hư nặng nhứt mới ớn. Hai lại phán như sấm: Được thua gì cũng một buổi nữa thôi đấy. Đương nhiên rồi, chị có nhu cầu làm đẹp thì em đây cũng có vậy. Thằng Bình xóm trước đẹp trai và nói chuyện hay đến vậy cơ mà. Tết đằng nào hổng đi ngang nhà nó, hay nó cũng đi ngang nhà mình. Ôi, quá tay rồi. Mới 14 tuổi đầu nhưng hễ nghĩ đến thằng Bình, tôi lại nghe tim mình đập đùng đùng đụi đụi.

Thống nhất ý chí từ tối rồi nên sáng 30, hai chị em đi làm từ sớm. Cánh đồng còn ngái ngủ. Những cọng cỏ dưới chân còn bết trong sương. Lội xuống ruộng như thể đang ngâm chân vào nước đá. Phải công nhận vào thời khắc này, cánh đồng mướt xanh và lộng lẫy. Hay chúng cũng đang tưng bừng chuẩn bị đón xuân - như mình. Chắc vậy rồi. Cây mạ non nhỏ bé đứng kiêu hãnh trong gió mai, những chiếc lá bỗng biến thành những cái đĩa sứ màu xanh ngọc, trên xếp hạt sương tinh khôi tròn trịa. Những tia nắng sớm mai chiếu vào, hạt sương long lanh như những hạt ngọc ngũ sắc. Tôi đưa tay xuống, rón rén vì sợ sẽ đánh thức giọt sương ngủ muộn. Yêu quá! Đưa chân lách nhẹ, nâng niu từng cây mạ, chị Hai lại hét:

- Cấy dặm mà mày làm như đi vớt ngọc, biết chừng nào xong? Tết tới sau đít rồi kìa!

- Tại… Út sợ mấy con sâu.

- Mấy con sâu ăn lá thì sợ gì? Nó cắn chết tao đền cho, làm nhanh lên!

Biết rồi, chị hổng hối em cũng bất chấp hết mà làm chứ. Tết tới nách rồi mà cái đầu còn xù như tổ quạ, móng tay móng chân vàng khè sao dám ra ngõ. Vừa làm vừa ngó chừng, cảm giác thiệt không dễ chịu chút nào. Ngay chỗ đang đứng với cái bờ, còn có chục mét đất nữa mà lâu ơi lâu.

Bình thường thấy nửa rõng lúa có chút xíu mà giờ thênh thang quá thể. Tôi tự nhủ, làm đi, không ngó chừng sẽ mau xong. Đúng chóc luôn. Nhẫn nại làm một hồi, rồi cũng xong. Lên bờ, không đứng ngắm nghía sản phẩm của mình như mọi hôm mà bươn bươn lại chỗ xe đạp liền.

- Tưởng mỗi chiếc xe đạp nhà mình là trành nhất, ai dè còn có đứa chiếm ngôi quán quân. Chiếc này 50 năm sau đem đấu giá chắc hổng có đối thủ.

- Nói xàm quá. Xe ông Tư Thạo đấy. Ổng già nua, đi đâu mà xe với cộ.

- Ủa, thấy ổng ở nhà hoành tráng mà. To gấp đôi nhà mình luôn, sao nghèo dữ?

- Không phải nhà ổng. Ổng là cái chòi bên cạnh í.

À, nhớ ra rồi, kề ngôi nhà lô là một miếng đất, phía trước cây cỏ mọc từa lưa, sau lưng là vườn chuối chát, trước mặt vườn chuối là cái chòi.

- Ủa, nhà đó đóng cửa suốt mà, Út cứ tưởng nhà hoang.

- Không hoang nhưng ông Tư không ở nữa. Nhà ông Cường vào Sài Gòn sống rồi, sợ nhà bỏ không mau hư nên nhờ ông Tư qua ở, sẵn coi nhà giùm.

Ồ, hèn gì hồi nảo tới giờ, mỗi lần lùa bò đi ngang mình đều thấy có cái gì không ổn. Ngôi nhà tương đối khang trang nhưng ít khi mở cửa. Và thảng lắm mới thấy một ông già râu tóc bạc ra phơi đồ. Những bộ đồ từ xa vẫn biết đã cũ nát.

- Bộ ông Tư theo chủ nghĩa độc thân hở Hai?

- Chắc vậy. Mà cũng không biết. Xóm này chẳng ai biết vì sao ông Tư sống một mình?

- Sao chúng ta không hỏi ổng?

- Hồi mới đến, ông đã nặng tai rồi. Mình hỏi “Ăn cơm chưa ông Tư” thì sẽ nghe đáp “Tui giữ nhà giùm”.

- Gì kỳ?

- Ừ, luôn luôn như vậy. Hình như ổng chỉ biết nói câu đó.

- Ổng ở đâu tới làng mình?

- Cũng không ai biết luôn.

- Gì nữa?

- Hồi tới đây, ông trong bộ dạng “cái bang”. Ổng tới làng mình xin, rồi tối ra sạp chợ ngủ trong lạnh lẽo. Nói chung, xóm mình thành địa bàn làm ăn. Rồi chẳng ai hiểu vì sao, có một ngày người ta thấy ổng ở trong cái chòi với bà Năm đơn chiếc.

- Thì họ đã trúng tiếng sét ái tình.

- Vụ đó chắc mình mày nghĩ!

Câu chuyện tới đó là hết. Tôi muốn hỏi nữa nhưng Hai lại hét:

- Thôi. Nhỏ nhiều chuyện quá!

Buổi chiều cuối năm gió lành lạnh nhưng nhìn vào mọi nhà rất nồng ấm, vậy mà cảm giác cứ tưng tức làm sao á. Câu chuyện đang kịch tính, tự dưng bị cắt ngang hông.

Về tới nhà, tranh thủ hỏi mẹ câu chuyện tình của ông Tư và bà Năm.

- Bà Năm bị bệnh triền miên, ngồi ăn cơm được đã giỏi rồi. Ông Tư tới xóm mình xin ăn rồi bỗng một ngày người ta thấy ổng ở với bà Năm. Chắc ổng hết chỗ đi mà bà Năm cũng một mình nên ở chung hủ hỉ sớm tối cũng hay. Rồi bà Năm chết, ông Tư còn một mình. Cái chòi dột nát, rồi vợ chồng ông Cường bỏ nhà không, và vân vân…

*

Điều tra xong chuyện tình thế kỷ của ông Tư, tôi nhèo nhẹo xin tiền đi gọt tóc lá, xong còn qua ông Hai lượm trái cam rụng về chà móng tay, móng chân sạch bong. Túm lại, tôi đã đẹp từ tóc đến móng mà Hai vẫn chưa về. Mẹ lo cơm canh, sai tôi chạy vòng ngoài.

Chỉ một mâm cơm cúng tất niên mà con nhỏ bị quay mòng mòng như chong chóng gặp gió lớn. Ai nghĩ chuyện bếp núc lại vất vả thế này. Chắc đã biết mùi nên Hai trốn? - Hay trợ lý chính của đầu bếp trên đường về đã ghé vô tiệm hớt tóc, làm móng xanh móng đỏ đón xuân rồi cũng nên.

Mẹ nghe tôi ca cẩm thì nói không có chuyện đó đâu. Tính con Hai, phải làm cho xong mới nghĩ tới chuyện khác. Gớm, mẹ lúc nào cũng bênh Hai, trong khi mình là đứa nhỏ hơn. Lúc chị dẫn mình đi cấy, mẹ còn an ủi: Kệ, dẫn em theo nói chuyện cho vui. Cũng con gái mà bên trọng bên khinh chưa. Hờn mẹ hờn Hai luôn, tôi ngồi chống cằm ngắm miếng thịt lụi đang cháy xèo xèo trên bếp than.

Mâm cỗ đã bày sẵn. Bàn thờ mùi nhang thoang thoảng với mùi thơm từ mấy đòn bánh tét mới vớt thật nồng ấm. Trong khi ba đang đứng chắp tay khấn vái thì mẹ đi bươn bươn ra ngõ. Tôi chạy theo. Mẹ, đi đâu đó mẹ? Đi tìm chị Hai. Mẹ nói bằng giọng lo lắng, tôi nghe xong tự dưng mồ hôi vỡ ra. Chết rồi, sao mình lại chẳng nghĩ được chuyện gì khác ngoài chuyện than thở, lúc nào cũng thấy mình thiệt hơn. Tôi bèn chạy theo. Mẹ con vừa qua khỏi ngõ dưới nhà thì gặp Hai.

Bây giờ tôi mới biết thế nào là cảm giác vui mừng khi được gặp Hai. Mừng hơn tết khi thấy chị mỉm cười từ đằng xa. Tôi chạy lại, cầm tay chị kéo về phía mẹ như thể xa cách lâu ngày mới gặp lại, như thể tôi chưa lần nào bị chị hét cho tắt đài vậy. Không cần mẹ hỏi, Hai kể luôn: Con đang tính về thì thấy ông Tư chân cao chân thấp dắt xe. Ổng ra đồng thắp nhang cho bà Năm. Xe dính gai xẹp lép mà ổng mắt mũi nhem nhuốc nên con dắt giùm. Về tới nhà, thấy chiều 30 tết mà nhà cửa luộm thuộm nên con cầm chổi quét trước quét sau. Đang làm thì thấy có bì rau, thịt bỏ dưới bếp, còn tươi nguyên, cả cây bánh tét nữa. Chắc của ai biếu.

Con bèn vô bếp nấu cho ông một bữa tất niên. Thấy ổng mừng mà thương, miệng cứ lẩm bẩm: Được rồi, tết nay vui rồi…