Thu hút đầu tư vào điện khí LNG

Sử dụng điện khí LNG phù hợp với xu hướng của thế giới hiện nay, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Mặc dù Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển điện khí song cần quan tâm xây dựng cơ chế về giá điện cũng như thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Quy hoạch điện 8, khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% đến 30% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đặc biệt, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Hiện nay cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện, thế nhưng, nguồn cung và giá khí hóa lỏng hoàn toàn phụ thuộc nhập khẩu từ thị trường thế giới do Việt Nam vẫn chưa có khả năng sản xuất và cung ứng LNG. Như vậy, phát triển nhiệt điện khí của Việt Nam trong tương lai sẽ không thể chủ động mà phụ thuộc lớn vào nguồn LNG nhập.

Ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc Hội cho rằng: “Hạ tầng phát triển điện khí cần tập trung. Thứ hai là chuỗi cung ứng về khí hiện nay còn phụ thuộc vào nước ngoài là còn rủi ro. Thứ ba là chúng ta cần phải đảm bảo từ khâu giá nhập khẩu kể cả giá của khí trong nước và liên hoàn đến giá điện.”

Muốn thu hút nguồn vốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện 8, các chuyên gia cho rằng, phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Đây cũng là cơ sở để các nhà đầu tư yên tâm tính toán bỏ vốn đầu tư vào thị trường này.

PGS. TS Nguyễn Thường Lạng – Giảng viên cao cấp Viện thương mại và kinh tế quốc tế- Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: “Chỉ số hiệu quả thu hồi của hệ thống năng lượng mới là rất cao, đây là triển vọng lớn. Vấn đề lớn là thu hút trên cơ sở hành lang pháp lý rõ ràng, có cơ chế khuyến khích để các nhà đầu tư vừa thấy được tiềm năng vừa thấy rằng đầu tư vào đây là có lãi. Chúng ta cần phải có một cơ chế thân thiện, cơ chế chào đón đồng thời tiếp cận các tập đoàn lớn, và sàng lọc từ sớm từ xa các nhà đầu tư này.”

Cơ chế chính sách rõ ràng, khuyến khích, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực sẽ giúp Việt Nam giải được bài toán phát triển điện khí LNG trong thời gian tới./.