Tích cực tổ chức các hội thảo khoa học trong nước, quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Theo đó, Bộ Công an lưu ý: Căn cứ vào tình hình thực tiễn áp dụng, nhất là khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, các đơn bị trực thuộc Bộ cần tổ chức đánh giá toàn diện, tránh chồng chéo, đề xuất sửa đổi, bổ sung đồng bộ, phù hợp, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các đơn vị trong thực thi các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống xâm hại trẻ em tại Bộ luật Dân sự 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự năm 2017; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Bộ Công an đã có đánh giá kết quả triển khai các văn bản áp dụng, quán triệt, hướng dẫn Công an địa phương thực hiện Nghị định của Chính phủ hướng dẫn các văn bản Luật liên quan đến trẻ em, người dưới 18 tuổi, gồm: Luật Trẻ em, Luật Trợ giúp pháp lý; Luật bảo hiểm y tế; Luật nuôi con nuôi; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường; quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; quy định thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; quy định của pháp luật về công tác giám định trong các vụ xâm hại người dưới 18 tuổi.

Một Hội thảo “Tuyên truyền về phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em” do Bộ Công an tổ chức

Lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đối), tham mưu cho Chính phủ báo cáo Quốc hội đưa Dự án Luật vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội; triển khai xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và trình Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành khi Luật được Quốc hội thông qua.

Bộ Công an ban hành Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.

Phối hợp với các cơ quan của liên ngành tư pháp Trung ương xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch quy định về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá theo chuyên đề công tác chấp hành pháp luật liên quan đến các hoạt động điều tra các vụ việc có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng, trọng tâm là: Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11-1-2019 hướng dẫn Điều 150, Điều 151 Bộ Luật hình sự về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi; Quyết định số 8316/QĐ-BCA ngày 26-12-2018 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành “Hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi”.

Hướng dẫn, chỉ đạo Công an địa phương tham mưu Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, thành phố ban hành văn bản theo thẩm quyền công tác bảo vệ và phòng, chống xâm hại trẻ em; phối hợp Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật và các sở, ban, ngành liên quan làm tốt công tác quán triệt, phổ biến giáo dục pháp luật bảo vệ trẻ em và phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Nghiên cứu đề tài và tổ chức các hội thảo khoa học, chuyên đề trong nước, quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; xây dựng tài liệu chuyên đề, tài liệu tham khảo hướng dẫn triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến công tác này.

Để thực hiện tốt công tác trên, Bộ Công an cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong tổ chức, đơn vị trong thực hiện nhằm phối hợp sát sao, kiểm tra, báo cáo tiến độ thực hiện cho từng giai đoạn.

Linh Anh