Tình con... Đông và Tây!!!

Nho giáo có hẳn một quyển sách có tên "Hiếu kinh" bàn về vấn đề này, trong đó khẳng định: "Hiếu là gốc của đức". Sách dẫn lời dạy của Khổng Tử về đạo làm con với cha mẹ: phải phụng dưỡng hết sức cung kính, vui vẻ; đau ốm phải lo lắng hết lòng; việc tang lễ phải cực kỳ thương xót; cúng giỗ phải vô cùng trang nghiêm. Nho giáo lấy những tấm gương để răn đời như chuyện Lão Lai đã bảy mươi tuổi còn giả vờ làm trẻ con ăn mặc múa hát như trẻ con để cha mẹ vui.

Lại nêu gương những người học giỏi, đỗ đạt cao, được giao chức quan lớn nhưng chẳng may bố/mẹ chết mà từ bỏ tất cả về chịu tang, làm nhà cạnh mộ ba năm để "hương khói"… Lại có những "gương" quái gở, vì "chữ hiếu" với cha mẹ mà hết sức vô nhân với con cái. Thế là "chữ hiếu" cũng đa dạng, có "trung hiếu" và cả "ngu hiếu".

Chính Tăng Tử học trò Khổng Tử đã thốt lên một câu thật "biện chứng" trong sách "Hàn Thi ngoại truyện": "Trùy ngưu tế mộ, bất như kê đồn chi đãi thân tồn dã" (Giết trâu tế mộ, không bằng giết con gà đãi cha mẹ lúc còn sống). Về điểm này, tục ngữ Việt Nam cũng có câu tương tự: "Sống không cho ăn, chết làm văn tế ruồi"…

“Lão Lai Tử làm cha mẹ vui” (Tranh cổ Trung Hoa).

Phật giáo coi cha mẹ là phương Đông, phương của mặt trời mọc, tức đề cao hết mực cha mẹ, như mặt trời vậy, có mặt trời mới có sự sống. Phật dạy kẻ nào ngược đãi cha mẹ, khi chết sẽ bị đày xuống âm ty để chịu hình phạt quỷ dữ cắn xé. Truyện thơ Nôm "Mục Liên Thanh Đề" của người Việt là sự minh họa bằng cách thơ hóa câu chuyện Mục Kiều Liên cứu mẹ trong Kinh Vu lan-bồn Phật.

Truyện kể người mẹ Thanh Đề mắc tội bị đày xuống âm phủ. Để cứu mẹ, người con sang Tây phương cầu Phật. Phật đổi tên thành Mục Liên, cho quy y, ban sắc Phật rồi cho xuống âm phủ tìm mẹ. Phải qua bao thử thách ghê gớm, cuối cùng người con cũng toại nguyện. Quan niệm theo luật nhân quả, Phật dạy chúng sinh: "Nếu mình hiếu với mẹ cha/ Thì con cũng hiếu với ta khác gì/ Nếu mình ăn ở vô nghì/ Đừng mong con hiếu làm gì hoài công".

Người Việt coi chữ hiếu là mạch nguồn: "Công Cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ Mẹ kính Cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Có biết bao truyền thuyết, cổ tích minh họa cho điều ấy. Bốn cây cột truyền thuyết sừng sững nâng đỡ ngôi nhà đạo lý Việt, gồm: Thánh Gióng, Sơn Tinh, Chử Đồng Tử, Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Trong "Tứ bất tử" (bốn vị thánh không chết) ấy, thì hình tượng Chử Đồng Tử là điển hình cho "chữ hiếu".

Vì quá nghèo, trước khi chết người cha dặn con cứ táng trần cho bố còn khố giữ lại để con mặc. Người con không nỡ vậy. Đây không chỉ là "chữ hiếu" mà còn là phong tục tang ma ngày xưa với quan niệm "trần sao âm vậy" và "nghĩa tử là nghĩa tận", dành cho người đi xa mãi mãi những điều kính trọng, thương nhớ.

Muốn cha xuống âm phủ còn có cái khố che thân, Đồng Tử đã không chỉ tròn "chữ hiếu" mà còn tròn với phong tục, tập quán. Không chỉ làm tròn trách nhiệm người con mà tròn cả trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ một công dân! Truyện là sự giao thoa các tư tưởng triết học lớn Phật giáo, Nho giáo, Lão giáo. Sau này nhờ phép thuật mà Chử Đồng Tử có binh hùng tướng mạnh nhưng vẫn không chống lại quân vua Hùng (tức bố vợ) vì chàng muốn giữ tròn "chữ hiếu".

Hình tượng Chử Đồng Tử lại trở thành "cổ mẫu" đẻ ra biết bao những "mẫu con". Ví như ngụ ngôn kể có chàng thiếu niên mồ côi cha, nhà nghèo nhưng quyết chí học, đỗ đến Trạng nguyên. Được vào sân rồng dự tiệc vua khoản đãi, thấy có nhiều sơn hào hải vị, nhớ đến mẹ cả đời tần tảo nuôi mình chưa biết đến miếng ngon, chàng nuốt không nổi, chỉ nghĩ cách làm sao mang về… Bèn lén cho một quả đào ngon nhất vào tay áo. Không ngờ lúc bái biệt vua, quả đào rơi ra.

Cả triều đình thất kinh, ngỡ ngàng: Trạng nguyên lại là kẻ ăn trộm! Nhà vua sững sờ… Chàng tình thực tâu lý do. Nói đến đâu, cả sân rồng điện ngọc như nín thở, rồi vỡ òa khi vua phán đây là một Trạng nguyên xứng đáng, một tấm gương tiêu biểu cho "chữ hiếu". Rồi vua sai mang những gì ngon lành, quý nhất tới người mẹ Trạng nguyên. Chàng được phong Thượng thư rồi làm phò mã.

Truyện Nôm "Thoại Khanh - Châu Tuấn" kể chuyện Thoại Khanh có chồng là Châu Tuấn phải đi xa, ở nhà gặp cơn nguy biến, nàng đưa mẹ đi ăn xin, lúc mẹ đói, Thoại Khanh cắt thịt mình cho mẹ chồng ăn... Những dinh dưỡng văn hóa từ những câu chuyện ấy cứ ngấm dần vào nhân cách người Việt "hiếu nghĩa"!

"Con gái cho cha bú trong khám tử hình" - tranh của Peter Paul Rubens (Bảo tàng Hermitage).

Đã là con người, ở đâu, thời nào cũng vậy, "chữ hiếu" luôn là một hằng số, nhưng chịu sự quy định của những ánh hồi quang, những khúc xạ văn hóa nên được thể hiện bằng những biểu tượng khác nhau. Hình như mỹ cảm phương Tây thiên về thị giác nên chủ đề này thường được thể hiện trong hội họa, trong đó nổi tiếng nhất là bức tranh sơn dầu "Con gái cho cha bú trong khám tử hình" của họa sĩ Peter Paul Rubens (vẽ năm 1612), được trưng bày tại Bảo tàng Hermitage (Liên bang Nga).

Lấy đề tài từ thần thoại La Mã kể về một người đàn bà bị hành hình bằng cách bắt nhịn đói đến chết. Người con gái tử tù xin phép vào thăm mẹ… Quản ngục ngạc nhiên sau nhiều ngày tử tù vẫn sống. Bí mật theo dõi ông ta phát hiện cô con gái đã kín đáo vạch vú cho mẹ bú. Cảm động trước một lòng hiếu thảo hiếm có, ông trình lên Tòa án và được Bồi thẩm đoàn quyết định tha bổng... Câu chuyện gợi về lòng trắc ẩn sâu thẳm của con người và tinh thần mộ đạo, thế nên hầu hết các họa phẩm minh họa câu chuyện đều lấy tiêu đề "Roman Charity" (Tổ chức từ thiện La Mã).

Đến thế kỷ XVII câu chuyện truyền vào châu Âu và nhanh chóng được lấy làm cảm hứng, đề tài cho nhiều kiệt tác nghệ thuật, trong đó có bức tranh trên. Nhưng để phù hợp với tinh thần nhân văn và sâu sắc hơn chủ đề "chữ hiếu", hình tượng nhân vật người mẹ được thay bằng người cha với mô típ: Ông lão Cimon bị kết án tử hình bằng cách bỏ đói trong ngục. Người con gái Pero vừa mới sinh con, vào thăm, cứu cha bằng chính những giọt sữa của mình… Cảm động sâu sắc trước hành động thiêng liêng, cao quý của tình con, bồi thẩm đoàn quyết định trả tự do cho Cimon.

Nhưng không chỉ có một bức tranh trên, theo giới nghiên cứu tạo hình, có hẳn hơn 300 tác phẩm hội họa và điêu khắc về chủ đề này. Thế là chỉ từ một "cổ mẫu" ban đầu tận xa xưa bên La Mã đã nảy nở hàng trăm "mẫu con" ở mảnh đất châu Âu. Thì ra một khi nghệ thuật đã nói lên được cái hằng số chung thì chẳng còn của riêng xứ sở nào nữa. Tự hình tượng sẽ cất cánh bay vào mọi chân trời văn hóa mà không có vật cản. Nhưng chắc chắn một điều là người ta sẽ không hiểu sâu nội dung bức tranh nếu không biết cội nguồn câu chuyện.

Chiếm lĩnh nghệ thuật không chỉ là câu chuyện tài năng, thị hiếu mà còn là vấn đề về vốn sống, vốn hiểu biết. Vì vậy người ta mới kể rằng, mới xem bức tranh, chưa biết gì về xuất xứ, nên nhiều người (thời đó), kẻ thì mỉm cười… xấu hổ, người thì quy chụp "mang vấn đề đạo đức". Nhưng khi được giới thiệu, tất cả mới bừng tỉnh… Thế là các nhà đạo đức lại có lời khuyên rằng: đừng vội vàng đánh giá những hiện tượng có bề ngoài tưởng là "phi đạo lý". Hãy tìm về cội nguồn vấn đề, rồi so sánh, ngẫm nghĩ, phân tích… sẽ thấy sâu thẳm trong đó bao ý nghĩa nhân văn!

Phải chăng có nguyên lý này: thấu hiểu cuộc đời, thấu cảm lẽ người mới có thể kiến tạo được tác phẩm và hiểu tác phẩm. Nghệ thuật bắt gốc từ đời sống để làm xanh tươi sự sống!

Nhìn về ngày xưa lại càng thấy "chữ hiếu" nay bị nhạt đi quá nhiều, thậm chí đảo lộn. Đã rất nhiều cách lý giải đưa ra từ nhiều góc độ đạo đức, chính trị, kinh tế, xã hội… nhưng qua những câu chuyện như trên, thấy thêm một lý do: vì con người ngày một xa rời nghệ thuật. Không chỉ là cái đẹp, nghệ thuật còn là đạo lý, chân lý. Quay lưng với nghệ thuật, con người sẽ tự đánh mất tính người. Tiếc thay!