Trạm Tấu (Yên Bái) khai hội Gầu Tào của đồng bào Mông

Mở đầu Lễ hội là nghi thức cúng, được thực hiện theo phong tục của đồng bào Mông, do nghệ nhân Giàng A Su thực hiện với nội dung: Tạ ơn thần núi, thần đất, thần trời, thần suối đã ban cho đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu một năm tốt lành, mùa màng bội thu; đồng thời, cầu xin thần linh tiếp tục phù hộ cho đồng bào một năm mới nhiều may mắn, thành công, nhiều sức khỏe...

Đưa cây nêu từ rừng về nơi tổ chức lễ hội

Theo nghệ nhân Giàng A Su, đồ vật không thể thiếu trong lễ hội Gầu Tào là cây nêu cao khoảng 20 mét, được dựng ở vị trí trung tâm nơi tổ chức lễ hội. Cây này khi chặt hạ thường phải chọn ngày giờ; khi chặt không được để cây chạm đất mà phải hạ cây nêu từ từ, phân công người đón, thay nhau khênh, vác ra nơi dựng đã được định sẵn. Khi dựng phải hướng về phía mặt trời mọc với ý nhĩa tạ ơn thần linh và cầu xin thần linh tiếp tục phù hộ độ trì cho đồng bào một năm mới bình an.

Sau phần lễ là phần hội với các tiết mục văn nghệ và các môn thể thao truyền thống như: kéo co, đẩy gậy, đánh quay, lẩy pao, thi giã bánh dày... thu hút đông đảo người dân các dân tộc ở 10 xã vùng cao trong huyện tham gia. Hòa trong không gian rộng lớn, rực rỡ sắc màu là tiếng reo hò cổ vũ, niềm vui, niềm tự hào, thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc huyện Trạm Tấu nói riêng, tỉnh ên Bái nói chung cùng xây dựng bản làng, quê hương ngày càng phát triển, ấm no, hạnh phúc.

Một số hình ảnh lễ hội:

Dựng cây nêu là một trong những nội dung thu hút nhiều người dân và du khách tham gia

Lễ hội Gầu Tào ở Trạm Tấu năm nay thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương tham gia

Người dân tham gia các trò chơi dân gian dân tộc

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc