Trần Thị Nhi Yến và bài toán chọn học tập hay thể thao

Khi “nữ hoàng tốc độ” mới ham học hơn ham chạy

Trần Thị Nhi Yến vừa tròn 18 tuổi, nhưng cô đã nổi lên như người kế vị “nữ hoàng tốc độ” Lê Tú Chinh trong vòng hơn 1 năm qua. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, nữ sinh quê Long An gây bất ngờ lớn khi đoạt Huy chương vàng nội dung chạy 100m nữ và Huy chương bạc chạy 200m nữ, qua đó trở thành tuyển thủ quốc gia tham dự SEA Games 32.

Tại Campuchia, Nhi Yến tiếp tục gây ấn tượng mạnh khi đoạt Huy chương đồng cự ly 100m và Huy chương bạc cự ly 200m. Nhưng đó chưa phải tất cả. Đến Giải vô địch điền kinh châu Á 2023, Nhi Yến khiến tất cả phải “há hốc mồm” khi vượt qua vòng loại để thẳng tiến vào chung kết. Cho dù không thể giành huy chương, nhưng vận động viên 18 tuổi này vẫn vượt qua giới hạn bản thân một cách xuất sắc. Đáng kinh ngạc hơn, cô chỉ có khoảng 1 tuần tập luyện, chuẩn bị cho giải đấu tại Thái Lan.

Trong vòng 1 năm, thành tích của Nhi Yến tăng dần đều từ 11 giây 75 (HCV Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 và HCĐ SEA Games 32), 11 giây 68 (HCV Giải Vô địch điền kinh TP Hồ Chí Minh mở rộng 2023), 11 giây 57 ở vòng loại rồi 11 giây 55 ở bán kết giải vô địch châu Á.

Cũng trong khoảng thời gian này, Nhi Yến khẳng định mình là người kế vị Lê Tú Chinh bằng cách phá 2 kỷ lục của đàn chị tại giải điền kinh trẻ quốc gia 2023. Ở nội dung 100m nữ, Nhi Yến giành Huy chương vàng với thành tích 11 giây 57, phá sâu kỷ lục của Lê Tú Chinh (11 giây 64). Đến cự ly 200m, vận động viên quê Long An giành chiến thắng với thành tích 23 giây 72, hơn kỷ lục của Lê Tú Chinh đến 0,17 giây. Đáng chú ý, đây đều không phải thành tích cá nhân tốt nhất của Nhi Yến, cho thấy cô vẫn còn tiềm năng phát triển mạnh hơn trong tương lai.

Tuy nhiên, Nhi Yến lại là mẫu vận động viên ham học hơn thể thao thành tích cao. Với cô, học hành mới là ưu tiên số 1. Trước khi gây tiếng vang tại Giải điền kinh châu Á ở Thái Lan, Nhi Yến chỉ có 7 ngày tập luyện vì bận ôn thi tốt nghiệm trung học phổ thông. Cô thậm chí phải thay đổi lịch trình tập luyện hằng ngày để phục vụ việc học tập văn hóa.

HLV trực tiếp của Nhi Yến, HLV Nguyễn Thị Thanh Hương tiết lộ vận động viên này thường xuyên ngắt quãng các đợt tập huấn để lao vào học hành, ôn thi, đặc biệt sau SEA Games 32 đến nay. “Nhiều lúc ngủ dậy, Yến Nhi bảo tôi rằng cô ơi, trong đầu em giờ chỉ có Sử thôi…”, HLV Thanh Hương chia sẻ.

Xét về tài năng, Nhi Yến được xem là kỳ tài của điền kinh Việt Nam. Cô gái sinh năm 2005 này mới thực sự tập luyện chuyên nghiệp từ năm 2022, nhưng nhanh chóng đạt thành tích cao. Thế nhưng, Nhi Yến vốn là học sinh giỏi và ham học hơn ham chạy. Đây chính là bài toán khó giải cho thể thao Việt Nam trong suốt những năm qua.

Tại ASIAD 19, Nhi Yến một lần nữa lọt vào chung kết chạy 100m nữ và về đích… cuối cùng như ở giải vô địch châu Á với thành tích 11 giây 58, kém xa nhà vô địch Manqi của Trung Quốc đến 0,35 giây. Ở nội dung 200m nữ, Nhi Yến dễ dàng vượt qua vòng loại với thành tích cá nhân tốt nhất trong năm là 23 giây 74. Tuy nhiên, không ai tin rằng cô có thể đoạt huy chương.

Trần Thị Nhi Yến là của hiếm của điền kinh Việt Nam.

Bài toán khó của thể thao Việt Nam

Câu chuyện của Trần Thị Nhi Yến không mới với thể thao đỉnh cao Việt Nam. Nhi Yến là một trong số các vận động viên vừa học giỏi văn hóa, vừa giỏi thể thao. Với truyền thống hiếu học của người Việt Nam, các phụ huynh luôn muốn con cái mình học giỏi văn hóa, lấy bằng cấp và đi làm công việc ổn định. Rất ít gia đình trong trường hợp tương tự của Nhi Yến thuyết phục con mình dồn toàn tâm, toàn ý vào thể thao và bỏ dở các dự định khác cho tương lai.

Bản thân nữ sinh 18 tuổi này cũng vậy. Ngay từ đầu, cô luôn cố gắng cân bằng việc học tập và tập luyện thi đấu thể thao, thậm chí ưu tiên học tập nhiều hơn. Không ai có thể trách Nhi Yến vì điều này. Nhưng đó lại là bài toán khó mà các nhà làm thể thao nước nhà cần đưa ra lời giải đáp, bởi lẽ có rất nhiều trường hợp tương tự như vậy.

Trong các hoàn cảnh khác, nhiều vận động viên cũng phải đứng giữa ngã ba đường: đi làm công nhân kiếm tiền nuôi gia đình, hay tiếp tục theo đuổi đam mê với tiền lương, trợ cấp hạn chế. Không phải ai cũng đủ khả năng, hoặc đủ tự tin sẽ trở thành ngôi sao của quốc gia và kiếm về các khoản tiền thưởng lớn bằng việc gặt hái thành tích đặc biệt. Nạn “chảy máu” nhân tài thể thao vì thế cứ tiếp tục, và việc tìm kiếm, phát triển các tài năng như Nhi Yến ngày càng giống như “đãi cát, tìm vàng”.

Tất nhiên, để tạo ra cơ chế cho các vận động viên đỉnh cao yên tâm tập luyện, cống hiến không phải chuyện mà riêng một ban, ngành nào có thể làm được. Điều đó cần sự chung tay của cả xã hội, ngay từ gia đình, nhà trường và cả người hâm mộ.

PV