Tranh cãi 'mâm cơm 800k' và cách làm thể thao chỉ bằng khẩu hiệu

Mới đây, trên các phương tiện truyền thông đăng tải nội dung phản ánh về việc "mâm cơm 800k" và dinh dưỡng của các tuyển thủ bóng bàn trẻ quốc gia đang tập huấn, không đảm bảo theo đúng như chế độ quy định của Nhà nước. Sau khi nhìn hình ảnh mâm cơm của các tuyển thủ trẻ, nhiều ý kiến bình luận cho rằng liệu có xứng với số tiền 800 nghìn đồng hay không? Và, với số lượng đồ ăn như vậy có đảm bảo chất dinh dưỡng cho các vận động viên trẻ để họ có đủ thể lực để tập luyện hay không?

Sau khi có những thông tin bất cập trên, trả lời trên báo chí, đại diện Phòng thể thao thành tích cao 2 (Cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, đã nắm được thông tin phản ánh về việc tập huấn hiện tại của Đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) và đã yêu cầu cán bộ phụ trách bộ môn bóng bàn kiểm tra để xác minh, làm rõ những nội dung trên. Trong khi đó, người trong cuộc và cũng là huấn luyện viên Đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia cũng trả lời với truyền thông rằng, các em vận động viên của đội tuyển đang tập luyện và được hưởng chế độ dinh dưỡng theo quy định chứ “không hề có sự sai phạm nào”.

Chưa biết câu chuyện tranh cãi trên đúng sai ra sao, nhưng chắc chắn vụ việc sẽ còn tốn nhiều giấy mực của báo giới và bình luận từ người hâm mộ thể thao nước nhà. Dù thế nào đi chăng nữa, thì vấn đề này cũng cần được các ban, ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh, từ đó công khai cho dư luận được biết.

Bởi, nếu vấn đề này không được tường minh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý tập luyện, thi đấu của các vận động viên. Điều lo ngại nữa đó là việc sẽ tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ, gia đình các em nhỏ có niềm đam mê thể thao, mong muốn đi theo con đường chuyên nghiệp. Khi ấy ngành thể thao không thể thu hút được nhân tài, những “hạt giống đỏ” để nuôi dưỡng cho những mục tiêu cao và xa hơn của thể thao Việt Nam.

Mâm cơm có giá 800 ngàn đồng của Đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia. (Ảnh: Báo Tiền Phong)

Còn nhớ tại Hội nghị Ban chấp hành Ủy ban Olympic Việt Nam năm 2023 diễn ra vào ngày 1/3/2023, người đứng đầu ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch từng khẳng định “Phải thay đổi tư duy, làm thể thao phải đi từ gốc chứ không cắt ngọn”. Có thể nói, đây là bài toán nan giải mà bộ, ngành này phải thực hiện. Việc này không thể một sớm một chiều có thể giải quyết xong, nhưng trước những vấn đề “nóng” mà dư luận đang quan tâm, thì các cơ quan quản lý cần vào cuộc xử lý kịp thời, trung thực, nghiêm minh và đưa ra những giải pháp tối ưu nhất.

Bàn luận về vấn đề này, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, thể thao Việt Nam muốn phát triển thì trước hết phải giải quyết được bài toán về chế độ cho vận động viên. Cần thấy rằng, đối với vận động viên thể thao, bên cạnh việc tập luyện để có kỹ chiến thuật tốt… thì việc đảm bảo đủ chất dinh dưỡng là vô cùng cần thiết.

Chính vì vậy, để nâng cao thành tích cho thể thao cho nước nhà, các cấp, ngành, đơn vị huấn luyện cần có sự quan tâm để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho các vận động viên. Sự quan tâm ấy không chỉ là những khẩu hiệu mà phải đi vào thực tế và thực chất. Với những cố gắng, nỗ lực giành thành tích cao về cho Tổ quốc, các vận động viên xứng đáng được tạo điều kiện tốt hơn về chế độ dinh dưỡng và nhiều đãi ngộ khác để họ yên tâm tập luyện, thi đấu và cống hiến hết sức mình.

Cũng theo ý kiến chuyên gia, làm thể thao cần phải đi từ gốc, đừng có tâm lý “ăn xổi”, hay chạy theo căn bệnh thành tích và đưa ra những mục tiêu quá tầm so với thực tại của công tác đào tạo, nuôi dưỡng, phát triển vận động viên, mà quên đi vấn đề cốt lõi là phải quan tâm về thể chất, kỹ chiến thuật cho các vận động viên. Đồng thời, cần ngăn chặn, triệt tiêu những lối tư duy trục lợi, có động cơ cá nhân chứ không phải vì sự phát triển chung của ngành thể thao. Với số tiền chi cho chế độ ăn hàng ngày 320 ngàn đồng cho một tuyển thủ trẻ được đánh giá là chưa thực sự cao, nhưng cũng đã đáp ứng được mức dinh dưỡng cần thiết cho vận động viên. Điều quan trọng là số tiền này có được sử dụng đúng và đủ hay không?

Hiện nay, ngành thể thao ngày càng phát triển trên con đường chuyên nghiệp, chắc chắn chúng ta càng phải quan tâm, chăm lo hơn nữa cho vận động viên. Đó có thể coi là lực lượng nòng cốt để tạo ra những thành tích, chiến công vẻ vang của thể thao Việt Nam ở khu vực và quốc tế.

Và hơn hết, chúng ta phải nhìn nhận thể thao là một nghề cực nhọc bởi trong quá trình tập luyện và thi đấu, vận động viên đã phải đánh đổi cả mồ hôi, nước mắt, đôi khi là cả máu, thậm chí là mạng sống của mình. Trên chặng đường phát triển, cần tránh để xảy ra những vụ việc “con sâu làm rầu nồi canh”, khiến cho sự hi sinh của các vận động viên trở nên vô nghĩa và cũng đừng để những tranh cãi trở thành tiếng xấu cho ngành thể thao nước nhà.

Tại Thông tư số 86/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính phê duyệt ban hành ngày 26/10/2020 về quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao thành tích cao quy định cụ thể các mức dinh dưỡng dành cho các tuyển thủ của các đội tuyển thể thao quốc gia và đội tuyển trẻ quốc gia. Theo Thông tư, mức dinh dưỡng (hay được hiểu là chế độ ăn hàng ngày) của 1 tuyển thủ của đội tuyển thể thao quốc gia khi được tập trung là 320 ngàn đồng/người/ngày; 1 tuyển thủ của đội tuyển thể thao trẻ quốc gia khi tập trung là 320 ngàn đồng/người/ngày. Đây là mức khi tập trung trong nước. Khi tập trung chuẩn bị thi đấu giải, mức dinh dưỡng vẫn giữ nguyên như vậy.

Khôi Nguyên