Trao yêu thương qua từng nét vẽ

Là giáo viên dạy mỹ thuật, cô Trần Thị Thành, giáo viên Trường Tiểu học Yên Sơn (Lục Nam) cùng một số đoàn viên thanh niên trên địa bàn đã thực hiện những bức tranh tường ở một số trường mầm non, tiểu học tại địa phương. Những bức tường cũ, nhếch nhác bởi quảng cáo, rao vặt, bạc màu vì thời gian được nhóm của chị thay bằng các bức tranh thắng cảnh quê hương, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường.

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Sơn Động vẽ tranh tại Khoa Nhi.

Nguồn kinh phí mua nguyên vật liệu vẽ tranh đều do vận động xã hội hóa. Những bức tranh sử dụng loại sơn nước thân thiện với môi trường, có độ che phủ tốt, bền màu và an toàn với con người, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh khi đưa con tới điều trị tại Khoa Nhi của Trung tâm Y tế huyện Sơn Động không khỏi thích thú bởi bức tường trắng đơn điệu ngày nào nay đã "thay áo" bằng những bức tranh ngộ nghĩnh, đáng yêu. Các bức tranh đa dạng, sinh động về thế giới động vật, nhân vật hoạt hình, truyện cổ tích như: Minion, Đô-rê-mon, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Tấm Cám, Công chúa ngủ trong rừng...

Đây đều những hình ảnh gần gũi, quen thuộc, phù hợp với sở thích của trẻ. Do đó, khi được vui chơi, chăm sóc sức khỏe trong không gian ngập tràn sắc màu, các bé bớt quấy khóc. Các bức tranh tường có diện tích hơn 100 m2 được đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm phối hợp với giáo viên Trường Tiểu học thị trấn An Châu (Sơn Động) thực hiện miễn phí.

Không chỉ tại hai địa điểm trên, phong trào vẽ tranh thiện nguyện tại một số trường học, tuyến đường được nhiều bạn trẻ đam mê hội họa thực hiện. Một số nghiên cứu khoa học cho rằng trẻ em khi được tiếp xúc với hội họa ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ tăng khả năng nhận thức, tư duy về hình khối, màu sắc, sự liên kết giữa con người với cảnh vật xung quanh. Nắm bắt điều đó, với đôi bàn tay khéo léo, các cô giáo của Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) đã vẽ nhiều bức tranh trên 200 m2 tường bao quanh trường.

Những bức tranh tường ở khu vực tường bao Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) do giáo viên thực hiện.

Cô Hoàng Thị Ngân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Có những hôm, các cô miệt mài tới 8, 9 giờ tối để mong bức tranh tường sớm hoàn thiện. Chỉ trong 2 tuần, không gian trường lớp trở nên rực rỡ. Từ ghế đá, bức tường, lốp xe cũ, xích đu, gốc cây cổ thụ… đều được trang trí tỉ mỉ, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, chăm sóc và giáo dục trẻ em".

Vẽ tranh tường trong không gian dành cho trẻ em là một trong những nội dung giáo dục thẩm mỹ, giúp các bé phát triển năng lực sáng tạo. Ở môi trường bệnh viện, người bệnh nhìn ngắm những hình ảnh sinh động giúp họ vơi bớt mệt mỏi, tinh thần tích cực điều trị để sớm hồi phục. Hiểu được tâm lý người bệnh, bằng năng khiếu và ý tưởng mới mẻ, những “họa sĩ” không chuyên chẳng quản ngại xa xôi tình nguyện trao yêu thương qua từng nét vẽ.

Anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Từ ý tưởng và những tác phẩm tranh vẽ đặc sắc do các thầy cô giáo thực hiện, mới đây Tỉnh đoàn giao cho Ban Phong trào tổ chức tập hợp đoàn viên thanh niên có chung sở thích hội họa và tinh thần thiện nguyện vì cộng đồng, tham gia hoạt động xã hội. Cùng đó, khảo sát nhu cầu ở những địa bàn nông thôn, nơi điều kiện KT-XH còn khó khăn để tổ chức các chương trình thiện nguyện làm đẹp không gian sinh sống, học tập cho người dân, nhất là trẻ em”.

Bài, ảnh: Thu Thủy