Tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng - Bài 5: Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước phát triển bền vững

Một trong những vấn đề trọng tâm được Đảng ta và Tổng Bí thư ễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm từ Đại hội XIII đến nay là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: “Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

1. Ngay trong tựa đề bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”, yếu tố văn hóa thể hiện sâu đậm ở mục tiêu xây dựng đất nước với 4 thành tố cấu thành, gồm: Giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng. Như vậy, một nước Việt Nam chúng ta xây dựng và từng bước hiện thực hóa là một quốc gia không chỉ giàu mạnh về vật chất, kinh tế, nguồn lực mà còn có đời sống văn minh chính trị, văn minh tinh thần, văn minh xã hội, văn minh sinh thái lành mạnh; đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị, tinh hoa văn hóa đã làm nên bề dày truyền thống văn hiến của một dân tộc anh hùng trải qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Sau khi điểm lại một trong những đặc trưng làm nên diện mạo của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà chúng ta xây dựng là: “Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” được nêu ra từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam... Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và trước những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, thời đại toàn cầu hóa, việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng như khai thác, phát huy tối đa sức mạnh của văn hóa và con người Việt Nam có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển giàu mạnh, phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, đồng thời khẳng định vị thế, tầm vóc, thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế. Bởi theo người đứng đầu Đảng ta, nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Hơn thế, văn hóa của một dân tộc, một con người không đơn giản là có cuộc sống sung túc, đủ đầy về vật chất, mà quan trọng hơn là ở đời sống phong phú về tâm hồn, ứng xử với nhau thấm đượm tình yêu thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.

Điều làm nên sự khác biệt của chế độ chính trị xã hội mà chúng ta xây dựng so với các chế độ chính trị xã hội trước đó chính là yếu tố văn hóa, là các giá trị văn hóa cốt lõi đã góp phần làm nên tính ưu việt của xã hội. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm... Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Ảnh minh họa: TTXVN

2. Để đưa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa vào cuộc sống, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều việc làm thiết thực góp phần làm cho văn hóa ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức tháng 11-2021, từ đó đến nay, chúng ta từng bước thể chế hóa đường lối văn hóa của Đảng vào cuộc sống. Nổi bật là tổ chức các hội thảo, hội nghị có quy mô lớn, thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia văn hóa, văn nghệ sĩ hàng đầu của đất nước tham gia, gồm: Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức ngày 29-11-2022 tại Hà Nội; Hội thảo “Văn hóa 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổ chức ngày 17-12-2022 tại Bắc Ninh; Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức ngày 23-8-2023 tại Hà Nội; Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, tổ chức ngày 22-12-2023 tại Hà Nội.

Thực tiễn gần 40 năm đổi mới đất nước cho thấy, từ đường lối đúng đắn của Đảng về phát triển văn hóa, nội lực văn hóa của Việt Nam không ngừng củng cố, tăng cường và sức mạnh con người Việt Nam được khơi dậy, phát huy để đóng góp quyết định vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Hiện nay, đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân trên khắp mọi miền đất nước đã được cải thiện, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Việt Nam có gần 80% dân số sử dụng internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Liên hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu thiên niên kỷ. Năm 2022, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt mức 0,737, thuộc nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng. Chỉ số hòa bình toàn cầu năm 2023 của Việt Nam đứng thứ 41 trong số 163 nước được xếp hạng. Nước ta được các nhà đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn và an toàn hàng đầu thế giới. Đó là những con số “biết nói” minh chứng chủ trương, chính sách tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Đảng, Nhà nước ta đã, đang đi đúng hướng và từng bước trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo đảm cho văn hóa trở thành ngọn đuốc “soi đường cho quốc dân đi”, thực sự là nền tảng tinh thần và sức mạnh nội sinh của đất nước, vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển văn hóa của Đảng là chúng ta góp phần “làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”-như mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

THIỆN VĂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.