Văn hóa treo đèn lồng

Thực tế cho thấy, đến nay, chưa có một quy định nào cấm treo, sử dụng đèn lồng; việc treo đèn lồng đã và đang được nhiều người hưởng ứng. Những ngày Tết 2024, nhiều khu phố, người dân trên địa bàn Thành phố đã cùng nhau treo lồng đèn, chỉnh trang khu phố đón mùa xuân mới. Loại đèn được treo phổ biến có hình tròn màu đỏ rực, cây chống bằng thép, bọc vải nhung hoặc vải trơn đỏ, đường kính 60 cm, 80 cm, 100 cm, chữ viết theo kiểu thư pháp, có loại xuất xứ nhập ngoại. Các dãy phố được treo đèn có đẹp mắt và sinh động, nhưng nhìn giống như trên phim cổ trang và du nhập ở đâu đó. Nếu như lồng đèn đó là những loại được sản xuất trong nước sẽ đẹp và vô cùng ý nghĩa.

Đèn lồng được sản xuất ở nhiều địa phương trong cả nước, nhưng có truyền thống lâu đời nhất phải kể đến ội An. Đèn lồng Hội An được làm bằng tre, gỗ và dán bằng lụa đã trở thành sản phẩm có thương hiệu, được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Mỗi hình dáng và màu sắc của đèn lồng đều mang một ý nghĩa khác nhau. Đèn lồng của Việt Nam phong phú và đa dạng, được tạo hình theo nhiều mẫu mã, kiểu dáng như: Hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, hình thùng, hình quả đu đủ…, màu sắc thanh tao và nhã nhặn. Trên mỗi chiếc đèn lồng là những nét vẽ, đường thêu những chi tiết biểu tượng cho Việt Nam như: hoa sen, hoa mai, nhành trúc, chữ thư pháp hay các di tích văn hóa lịch sử.

Đèn lồng Việt được người dân trên địa bàn Thành phố treo vô cùng đẹp mắt.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc kết nối và hòa nhập giữa các nền văn hóa là điều không thể thiếu. Hòa nhập văn hóa thể hiện sự gắn kết các quốc gia, đồng thời quảng bá truyền tải những nét văn hóa đặc sắc của đất nước ra thế giới. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị vật chất, tinh thần tinh túy nhất, cô đọng nhất, bền vững nhất, là sắc thái cội nguồn, riêng biệt của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, làm cho dân tộc này, quốc gia này không thể lẫn với dân tộc khác. Chính vì vậy, hòa nhập nhưng không thể hòa tan; những gì gọi là bản sắc văn hóa dân tộc cần phải giữ gìn và phát huy.

Các tuyến phố được trang trí chào mừng năm mới.

Phong trào xây dựng, trang trí, làm đẹp các tuyến phố, cùng chung tay xây dựng Thành phố luôn “Xanh - sạch - đẹp” gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị là việc làm thiết thực, ý nghĩa cần nhân rộng và phát huy. Đặc biệt, vào các ngày lễ, Tết, việc treo cờ Tổ quốc trang trọng, trang trí các tuyến phố là thể hiện lòng yêu nước và lòng tự hào của mỗi công dân Việt Nam, biểu tượng của tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng đất nước, quê hương ngày càng phồn vinh. Một tuyến phố treo cờ đỏ sao vàng kèm những dải cờ nhỏ và cờ búa liềm rực rỡ sẽ vô cùng đẹp mắt và nhân lên niềm tự hào dân tộc trong mỗi người. Nên việc treo lồng đèn đỏ rực cả tuyến phố nhất là lồng đèn ngoại nhập là việc không phù hợp và lãng phí.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có hướng dẫn cụ thể về việc trang trí nhà cửa, đường phố, đảm bảo phát huy và bảo tồn được các thuần phong, mỹ tục, nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, đất nước. Làm tốt điều này sẽ góp phần tôn vinh, bảo tồn các nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt Nam.

Bạn đọc