Xác định rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục triệt để

Bám sát thực tiễn trong xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng

Cơ bản đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu nhận định, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, toàn tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực thực hiện đồng bộ, linh hoạt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Qua đó, tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng, đáng khích lệ trong năm 2023 với 15/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Thanh Bình, đây là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh bị hụt thu ngân sách nhà nước. Nguyên nhân do nguồn thu từ đất, các khoản thu khác không đạt; thu ngân sách của tỉnh phụ thuộc nhiều vào thu từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Trong khi đó, thu từ khu, cụm công nghiệp còn ít bởi chưa có những nhà đầu tư lớn. Để giải quyết vấn đề đặt ra, UBND tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt đối với các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động, tăng nguồn thu ngân sách địa phương.

Đại biểu Phạm Thanh Bình phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: T. Tâm

Về tăng trưởng GRDP, một số ý kiến đánh giá việc xây dựng mục tiêu quá cao là nguyên nhân khiến tỉnh không thể hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2023. Do đó, cần hết sức chú trọng đến việc nghiên cứu, đánh giá đúng thực tiễn để đề ra các chỉ tiêu phát triển phù hợp khả thi. Riêng về chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế(BHYT), các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ, tỉnh đã trải qua 5 năm liên tiếp không hoàn thành. Trong bối cảnh đơn giá khám, chữa bệnh có chiều hướng gia tăng sẽ ảnh hưởng nhiều đến một bộ phận người dân có thu nhập thấp nhưng không tham gia BHYT. Hơn nữa, việc các xã "về đích" nông thôn mới cũng sẽ khiến chỉ tiêu này khó đạt hơn bởi các chính sách hỗ trợ cũng không còn nữa. Vì vậy, cần có giải pháp căn cơ để tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT, nhất là tại các xã đã về đích nông thôn mới.

Góp ý đối với báo cáo tình hình kinh tế - xã hội do UBND trình, nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém vẫn còn chung chung. Quan trọng nhất là phải đánh giá, phân tích kỹ lưỡng nhằm nêu bật nguyên nhân của từng khó khăn, vướng mắc; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Từ đó, có giải pháp sát thực, khả thi, khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Đức Hinh nhấn mạnh, trong bối cảnh thời cơ và thách thức đan xen hiện nay, các cấp, ngành phải tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặc biệt là các dự án trọng điểm; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động xúc tiến đầu tư; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư...

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 9%

Bàn về mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, nhiều đại biểu cho rằng, cần tính toán hợp lý, xác định rõ nguồn lực, giải pháp để bảo đảm thực hiện được. Nhất là các mục tiêu tăng trưởng GRDP 9%; thu từ sử dụng đất 2.000 tỷ đồng. Bởi thực tế, thị trường bất động sản vẫn hết sức khó khăn; "sức khỏe" của nền kinh tế chưa thực sự phục hồi.

Tham gia làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Phúc cho biết: dù tốc độ tăng trưởng kinh tế 2023 thấp hơn kế hoạch 1% nhưng tỉnh vẫn đề ra mục tiêu tăng trưởng 2024 là 9%. Việc xây dựng mục tiêu tăng trưởng này dựa trên cơ sở dự kiến tổng mức đầu tư công của tỉnh khoảng 9.000 - 10.000 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương trên 3.000 tỷ đồng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế từ 3,5 - 4%. Ngoài ra, UBND tỉnh dự báo những dự án ngoài ngân sách sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp rưỡi, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế khoảng từ 2,5 - 3%. Tỉnh cũng chủ động tháo gỡ kịp thời khó khăn cho các dự án ngoài ngân sách và các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh cho biết: năm 2023, tỉnh phải đối diện với nhiều khó khăn trong thu ngân sách. Nguyên nhân chính do tình hình sản xuất điện giảm. Ngoài ra, thị trường bất động sản gặp khó khăn dẫn đến số thu ngân sách từ đất thấp. Công tác giải ngân vốn đầu tư công đã có những cố gắng nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, việc triển khai các nhiệm vụ ở cấp cơ sở còn chậm do năng lực cán bộ một số nơi còn hạn chế...

Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Cảm ơn những ý kiến đóng góp của đại biểu, phản ánh của cử tri, Nhân dân toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: đây là cơ sở quan trọng giúp UBND tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, quyết tâm đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong năm "nước rút" thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trần Tâm