Xe tăng T-84 lắp hệ thống phòng vệ chủ động Drozd sẽ từ Mỹ trở về Ukraine?

Xe tăng T-84 lắp hệ thống phòng vệ chủ động (APS) Drozd nếu được Mỹ trả lại thì theo đánh giá sẽ giúp ích khá nhiều cho Lực lượng vũ trang Ukraine trên chiến trường.

Sau chiến tranh Lạnh, Mỹ đã mua rất nhiều vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự từ Ukraine về để tiến hành nghiên cứu và hiện tại khi nhu cầu của Kyiv rất lớn, việc cho chúng "hồi hương" đã được nhắc tới.

Ngoài ra những chiếc T-72 vẫn còn được bảo quản ở các quốc gia thân thiện với Washington cũng đang được lực lượng vũ trang Ukraine tìm kiếm; vì mục đích này, bảo tàng và nhiều bộ sưu tập tư nhân được cho là đã trống rỗng.

Rất có thể xe tăng T-84 cũng sẽ trở về quê hương sau khi thử nghiệm ở Mỹ, mặc dù chúng ta vẫn chưa rõ có bao nhiêu cỗ chiến xa trong số này còn sống sót.

Ít nhất một trong số chúng đã được phát hiện vào năm 2021, khi đang được đưa đến Bãi thử nghiệm Yuma của Quân đội Mỹ để đánh giá tính năng.

Trước đó, có thông tin cho rằng quân đội nước ngoài bí ẩn đã mua động cơ 6TD-2 công suất 1.200 mã lực sản xuất ở Kharkiv, cũng như đạn dược và phụ tùng thay thế.

Những bức ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy một chiếc T-84 có tổ hợp bảo vệ chủ động (APS) Drozd, đây được xem là một báu vật mà công nghiệp quốc phòng Liên Xô đã tạo ra.

Vào cuối thời kỳ Xô Viết, Ukraine đã nhận được một số lượng lớn xe tăng T-55AD cùng với Drozd APS, hầu hết chúng được bán để làm phế liệu, còn bản thân những tổ hợp APS thì bị thu hồi.

Nhưng một chiếc T-55 mang APS như vậy đã được bán cho Mỹ, trong quá trình thử nghiệm, một vụ nổ đã xảy ra do lỗi của con người, dẫn đến thương vong.

Khi mua một lô T-84, người Mỹ muốn có 3 xe tăng cũng được trang bị Drozd loại bỏ từ T-55AD. Nếu chúng còn nguyên vẹn, khả năng hồi hương toàn bộ là rất cao.

Quay lại lịch sử, vào năm 1983, hệ thống phòng vệ chủ động Drozd được chính thức biên chế cho Quân đội Liên Xô, nó được lắp đặt trực tiếp trên phiên bản T-55AD để tiến hành đánh giá trong điều kiện thực tế.

Tổ hợp APS Drozd trên xe tăng T-55 bao gồm: 2 module thu phát được bố trí ở bên phải và bên trái bên của tháp pháo; 4 khối đạn đánh chặn được hàn phía dưới các module thu phát, xếp chồng lên nhau góc 20 độ, mỗi khối đảm bảo góc bảo vệ 20 độ.

Các thành phần khác bao gồm: Hệ thống máy tính nằm phía sau của tháp pháo; Trạm điều khiển và bộ đếm thời gian tích hợp; Đầu đạn đánh chặn cỡ 107 mm nổ phá mảnh, kích hoạt theo tín hiệu từ máy tính điều khiển hỏa lực.

Sau khi bật radar, module thu phát liên tục sục sạo xung quanh xe tăng. Từ cự ly 330 m, radar bắt đầu phát hiện mục tiêu là đầu đạn chống tăng. Nếu thấy đầu đạn bay về phía xe tăng, đến khoảng cách 130 m, radar sẽ chuyển sang chế độ theo dõi.

Ở chế độ này, máy tính sẽ xử lý các tín hiệu phát ra từ mục tiêu, xác định tốc độ và góc tiếp cận của đầu đạn. Sau đó, máy tính sẽ ước lượng khu vực nào trên xe tăng dự kiến bị đầu đạn bắn trúng, tính toán điểm chạm đầu đạn và ra lệnh phóng đạn đánh chặn.

Vào đúng thời điểm ở khoảng cách 6,7 m đạn đánh chặn sẽ được phóng ra để tiêu diệt đầu đạn chống tăng. Hệ thống phòng vệ chủ động 1030M Drozd trong giai đoạn 1982 - 1983 đã trải qua thử nghiệm thành công cấp Bộ và cấp Nhà nước.

Trong quá trình thử nghiệm đã tiến hành hơn 60 lần đánh chặn thành công với việc sử dụng nhiều loại đạn rocket và tên lửa chống tăng dẫn đường khác nhau, bao gồm cả tên lửa bắn từ trực thăng vũ trang.

Xác suất bảo vệ thành công của hệ thống APS Drozd đối với đạn xuyên cao tốc là 78% và đối với tên lửa chống tăng (bao gồm cả loại phóng từ trực thăng) được quảng cáo lên tới 100%.