Xuất ngoại để làm giàu cho Đắk Nông

“Rủ nhau” xuất ngoại

Vừa tốt nghiệp THPT, anh Phạm Văn Lộc, thôn 11, xã Nam Dong, huyện Cư Jút (Đắk Nông) được bố mẹ tạo điều kiện để học tiếng Nhật Bản. Sau hơn 3 tháng học tiếng kết hợp với học nghề mộc, cuối năm 2015, anh Lộc lên đường sang Nhật Bản làm việc theo diện đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn (XKLĐ).

Anh Phạm Văn Lộc (thứ hai từ trái qua) đang làm trong lĩnh vực XKLĐ sau thời gian làm việc tại Nhật Bản

Sau một thời gian làm việc, anh Lộc đã trả được số tiền mà bố mẹ vay mượn trước đó. Ngoài ra, tận dụng lợi thế kinh nghiệm và khả năng giao tiếp, Lộc đã động viên thêm 4 người em khác của mình sang Nhật Bản làm việc.

Anh Lộc chia sẻ: “Trước đây hoàn cảnh gia đình tôi cũng rất khó khăn vì nhà có đến 9 anh em. Tôi là con đầu, nên khi vừa tốt nghiệp THPT, tôi đã xác định đi XKLĐ để phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Quá trình sinh sống tại nước bạn, nhận thấy môi trường làm việc hiện đại, thu nhập ổn định nên 4 người em khác của tôi cũng sang bên đó để làm ăn. Hiện nay, tôi vẫn còn 3 người em đang học tập, làm việc tại Nhật Bản”.

Bên cạnh việc tập trung làm ăn, anh em Lộc cũng học hỏi, tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm để có thể phục vụ công việc sau khi trở về nước.

Hơn 1 năm trước, ông Trần Đình Thanh, tổ dân phố 8, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song vay mượn tiền để cho con trai là Trần Đình Dương học tiếng và sang làm việc tại Hàn Quốc. Vài tháng sau, người con gái thứ 2 của ông Thanh cũng qua Hàn Quốc theo diện vừa học, vừa làm.

Chia sẻ về quyết định cho con đi XKLĐ, ông Thanh cho biết: “Gia đình cho con đi nước ngoài làm việc để có kinh nghiệm và vốn để sau này về nước, có thể tự lập được. Hiện nay, các con đang làm việc cho một công ty gia đình, hàng tháng đều đặn gửi tiền về để bố mẹ giữ giúp. Chúng tôi cũng động viên các con cố gắng làm ăn, chấp hành các quy định pháp luật Hàn Quốc để hoàn thành tốt công việc trong 2 năm tới”.

“Mỏ vàng” lao động

Trở về sau nhiều năm lao động tại Nhật Bản, hiện nay anh Phạm Văn Lộc đang làm việc cho một chi nhánh của công ty chuyên về XKLĐ. Hàng tháng, chi nhánh có khoảng 7- 8 người xuất khẩu sang Nhật Bản để làm việc, trong số này có cả lao động là người dân tộc thiểu số.

Theo đánh giá của anh Lộc, lực lượng lao động tại khu vực Tây Nguyên nói chung, của Đắk Nông nói riêng rất dồi dào, trẻ và nhu cầu việc làm cao. Nhìn chung, các lao động đều chăm chỉ, chịu khó và nhanh thích ứng với môi trường làm việc.

Không chỉ có công ty của anh Lộc, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Đây cũng là những đơn vị góp phần quan trọng hoàn thành chỉ tiêu đưa người lao động của Đắk Nông ra nước ngoài làm việc.

Hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ và du học tại Đắk Nông được gần 4 năm nay, mỗi năm Công ty Thương mại quốc tế Huy Hoàng Fuji đưa khoảng 200 lao động đi học, làm việc ở nước ngoài. Thị trường chủ yếu của công ty là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Úc, trong đó các nước Đông Á được lao động Đắk Nông lựa chọn nhiều nhất.

Người lao động được đào tạo tiếng trước khi lên đường đi làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài

Ông Nguyễn Kim Nhật, Phó Giám đốc Công ty Thương mại quốc tế Huy Hoàng Fuji cho biết, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19, hiện nay thị trường XKLĐ đang từng bước phục hồi.

Từ năm 2022 tới nay, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để đạt mục tiêu đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ thông thoáng về cơ chế, chính sách cùng với sự đa dạng về hình thức liên kết, đào tạo nên việc đưa NLĐ sang nước ngoài làm việc của doanh nghiệp cũng rất thuận lợi và đạt kết quả cao.

Ông Nhật đánh giá, nguồn lực lao động của tỉnh Đắk Nông cơ bản đáp ứng được các tiêu chí khi học tập, làm việc tại nước ngoài. Đối với những lao động có trình độ THPT trở xuống, doanh nghiệp sẽ tư vấn để đi XKLĐ, trong trường hợp này, NLĐ sẽ được học tiếng và được doanh nghiệp sử dụng lao động đào tạo nghề. Đối với người đã tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học có thể lựa chọn hình thức du học để vừa học, vừa làm, tích luỹkiến thức cho bản thân.

“Qua rà soát, nhu cầu người dân tỉnh Đắk Nông đi XKLĐ hoặc đi du học là rất lớn. Điều đáng mừng là trình độ NLĐ của tỉnh Đắk Nông ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Nhật nêu quan điểm.

Mục tiêu 200 người đi làm việc nước ngoài

Với thế mạnh là lực lượng lao động trẻ, nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài lớn, thích ứng nhanh và làm việc hiệu quả, năm 2023 tỉnh Đắk Nông có hơn 600 NLĐ đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn. XKLĐ của tỉnh được kỳ vọng sẽ có thêm nhiều khởi sắc trong những năm tiếp theo.

Các phiên giao dịch việc làm thu hút đông người lao động tham gia và tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng ( ảnh là phiên giao dịch việc làm, tư vấn xuất khẩu lao động được Phòng LĐTB-XH huyện Krông Nô tổ chức ngày 24/11/2023)

Tuy nhiên, theo đánh giá, hạn chế lớn của nguồn lao động tỉnh Đắk Nông là trình độ không đồng đều và vẫn còn trình trạng chưa chấp hành nghiêm quy định lao động của quốc gia sở tại. Chính điều này đã đặt ra yêu cầu “chuẩn hóa” NLĐ, trong đó có cả chuẩn hóa về kỹ năng, tay nghề và ý thức lao động, làm việc.

Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, phần lớn NLĐ của tỉnh khi ra nước ngoài làm việc chủ yếu được đào tạo tiếng, còn phần kỹ năng nghề nghiệp chỉ được đào tạo ngắn hạn, thậm chí là đào tạo sơ sài. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng công việc, thu nhập và tính bền vững của chính NLĐ khi làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu, nâng cao vị thế của NLĐ tỉnh Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung, ngành LĐTB-XH đã tính toán đến các phương án đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, qua đó làm tăng sức cạnh tranh khi làm việc ở nước ngoài. Đây vừa là đòi hỏi, vừa là yêu cầu để NLĐ tỉnh Đắk Nông hướng tới những thị trường có nhu cầu nguồn nhân lực cao và mức lương tốt hơn.

“Năm 2024, tỉnh Đắk Nông đặt chỉ tiêu đưa khoảng 200 người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn. Bên cạnh việc công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, chúng tôi cũng tăng cường công tác phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế”, ông Nam chia sẻ về nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thanh Hằng