Xung lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng tạo xung lực mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào

Hợp tác Việt - Lào phát triển bền vững, đi vào chiều sâu

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Lào, đồng chủ trì Kỳ họp thứ 45 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào và bế mạc Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-1-2023. Đây là chuyến thăm Lào đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trên cương vị mới và Thủ tướng Chính phủ cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Lào kể từ khi Thủ tướng Lào Sonexay Siphandon được bầu.

Chuyến thăm diễn ra giữa lúc quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào tiếp tục phát triển bền vững, ngày càng đi vào chiều sâu. Hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi cấp cao thường xuyên trên tất cả các kênh, đặc biệt là trong năm 2022 vừa qua.

Năm 2022, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh thăm chính thức Việt Nam, khai mạc Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào (tháng 1-2022); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Lào (tháng 5-2022); Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thăm Lào và Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany thăm Việt Nam (tháng 6-2022); Phó Chủ tịch nước Lào Pany Yathotou thăm Việt Nam (tháng 4-2022)… Nổi bật, hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam 2022 với điểm nhấn là Lễ kỷ niệm trọng thể chào mừng 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5-9-1962) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977), cùng nhiều hoạt động có ý nghĩa khác tại Thủ đô và các tỉnh, thành phố của mỗi nước.

Hai bên tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương quan trọng, trong đó có việc tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào (tháng 1-2022). Hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục là trụ cột trong quan hệ hai nước, góp phần duy trì ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội của mỗi nước và khu vực biên giới giữa hai nước. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Kim ngạch thương mại hai chiều ước tính cả năm 2022 đạt 1,63 tỷ, tăng 20% so với năm 2021. Việt Nam hiện có 238 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào với tổng vốn đăng ký khoảng 5,34 tỷ USD, tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 tại Lào.

Hợp tác giáo dục đào tạo, văn hóa du lịch tiếp tục được tăng cường, nhất là sau khi hai nước kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, mở cửa trở lại. Tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam khoảng 14.000 người tại 160 cơ sở giáo dục. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Lào đón gần 197.000 du khách Việt Nam và có gần 26.000 khách du lịch Lào thăm Việt Nam. Hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn tại các khu vực biên giới. Việt Nam tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân của Lào sang cấp cứu, điều trị tại Việt Nam, được phía Lào đánh giá cao.

Hai bên phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế tiểu vùng.

Nhất quán coi trọng, ưu tiên hợp tác toàn diện Việt - Lào

Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới biến động phức tạp và khó lường, theo Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức gay gắt từ môi trường quốc tế, đặc biệt là từ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước lớn cả về chiến lược, kinh tế, chính trị, khoa học-công nghệ với nhiều hệ lụy khôn lường đối với nền độc lập, an ninh và phát triển của mỗi nước, từ sự biến đổi khắc nghiệt của khí hậu... Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, trong bức tranh toàn cục của thế giới hiện nay, với xu thế chủ đạo vẫn là hòa bình, hữu nghị và hợp tác, Việt Nam và Lào tiếp tục có nhiều cơ hội để tăng cường hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với nhau và với các nước khác với cùng mục tiêu vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển.

Nhìn lại tình hình của Việt Nam và Lào năm 2022, chúng ta có thể nhận thấy những tác động tiêu cực rất rõ nét của các thách thức trên. Thách thức là vậy, song Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh, nhưng thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” và với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của cả hai Đảng, hai Chính phủ và nhân dân hai nước, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào sẽ mãi mãi được giữ gìn, vun đắp như ý nguyện của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông” và mối quan hệ đó sẽ không ngừng đơm hoa, kết trái vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn; thúc đẩy quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào trong nhiệm kỳ mới; tăng cường tình cảm tốt đẹp, sự tin cậy, gắn bó, hiểu biết giữa lãnh đạo cấp cao và nhân dân hai nước hai nước. Chuyến thăm đồng thời góp phần khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Việt Nam coi trọng và ưu tiên quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào; khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam với Lào trong công cuộc đổi mới và hội nhập của Lào.

Trong chuyến thăm, hai bên dự kiến sẽ rà soát, đánh giá thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt Nam trong năm 2022; một số phương hướng chủ đạo trong năm 2023, phối hợp tổ chức tốt các sự kiện lớn trong quan hệ hai nước và của mỗi nước; trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác chính trị đối ngoại; đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng, phối hợp triển khai hiệu quả các văn kiện pháp lý về biên giới, kiều dân...; thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, giáo dục văn hóa, hỗ trợ nhau phục hồi kinh tế sau đại dịch, đẩy mạnh gắn kết hai nền kinh tế, góp phần giúp mỗi bên xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm, phối hợp giữa Việt Nam và Lào, cũng như tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong khuôn khổ ASEAN và hợp tác tiểu vùng Mê Kông.

Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ cộng đồng người Việt, khẳng định sự quan tâm, thấu hiểu, sẻ chia của Đảng, Nhà nước với đồng bào ở sở tại, góp phần củng cố, phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc. Chuyến thăm của người đứng đầu Chính phủ nước ta được kỳ vọng sẽ đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào trên nhiều lĩnh vực.