Ba Lan hoàn thiện cơ sở hạ tầng quân sự để tiếp nhận lực lượng lớn của Mỹ

Binh sĩ cùng với trang thiết bị và đạn dược của Mỹ sẽ hiện diện với số lượng lớn trên lãnh thổ Ba Lan, khi cơ sở hạ tầng quân sự đã được chính quyền Warsaw chuẩn bị sẵn, bước vào giai đoạn hoàn thiện.

Theo ghi nhận, gần khu vực các làng Powidz, Wielkopolska Voivodeship, chính quyền Ba Lan đang hoàn tất việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng nhằm tiếp nhận số lượng lớn hàng hóa quân sự và binh sĩ của Quân đội Mỹ.

Việc hiện đại hóa cơ sở vật chất tại căn cứ hàng không vận tải số 33 của Ba Lan được biết đến vào tháng 4/2023 và tính đến thời điểm hiện tại, công việc về cơ bản đã hoàn thành.

Dự án này theo nhận xét có quy mô lớn nhất trong số những chương trình được Mỹ và NATO tài trợ trong suốt 30 năm qua. Trong thời gian tới, một tổ hợp bảo trì và lưu trữ dài hạn vũ khí cũng như trang thiết bị quân sự (LTESM-C) sẽ xuất hiện trên lãnh thổ Ba Lan.

Kể từ tháng 4/2023, chính quyền Ba Lan đã hiện đại hóa tuyến đường sắt nối căn cứ không quân vận tải số 33 và các nhà ga để tăng cường khả năng tiếp nhận vũ khí, và di chuyển trang thiết bị quân sự đặc biệt sang phía Đông, tức về phía có nguy cơ.

Nguyên nhân được xác định là bởi những phương tiện quân sự do Mỹ và NATO sản xuất có trọng lượng quá nặng đối với cơ sở hạ tầng cũ, vốn được thiết kế phù hợp với hệ Liên Xô, điển hình như xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams nặng hơn T-72 tới 20 tấn.

Ba Lan phải xây dựng lại trạm tiếp nhận, thay thế đường ray và gia cố bờ kè. Nhờ đó, các điểm nút giao thông đường sắt đã được hiện đại hóa, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của trang bị mới.

Để ngăn chặn các thiết bị quân sự hệ NATO "chìm xuống đất” theo đúng nghĩa đen, Warsaw phải tạo ra một kết cấu bê tông cốt thép nhiều lớp, có khả năng đảm bảo việc đi lại của phương tiện cơ giới hạng nặng.

Giờ đây, các biện pháp phức tạp để Ba Lan tiếp nhận lực lượng quân sự lớn của Mỹ đang đi đến hồi kết hợp lý, dự báo Warsaw sẽ nhận được thêm sự đảm bảo an ninh từ đồng minh lớn nhất trong Liên minh NATO.

Ngoài tiếp nhận binh sĩ cũng như trang thiết bị thông thường, Warsaw còn sẵn sàng vận hành tổ hợp tên lửa đánh chặn Aegis Ashore, có khả năng phá hủy tên lửa đạn đạo của Nga ngay khi chúng rời bệ phóng.

Bên cạnh đó, Ba Lan cũng như đề nghị được tham gia chương trình Chia sẻ vũ khí hạt nhân với Mỹ, nếu được thông qua, tiêm kích F-35 cùng bom nhiệt hạch B61-12 sẽ được lưu trữ trên lãnh thổ quốc gia Trung Âu này.

Động thái trên đang khiến Nga cực kỳ lo ngại và cảnh báo sẽ có biện pháp mạnh để trả đũa, tuy nhiên áp lực từ Moskva có vẻ không khiến cho chính quyền Ba Lan nao núng và thay đổi kế hoạch của mình.

Warsaw cho rằng nếu nằm dưới "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ và được đảm bảo bởi Điều 5 Hiến chương NATO, họ không phải lo ngại về một chiến dịch quân sự như Nga đã thực hiện tại Ukraine.

Bên cạnh dựa vào đồng minh lớn, Ba Lan cũng rất tích cực nâng cấp lực lượng vũ trang của mình thông qua nhiều hợp đồng mua sắm vũ khí có khối lượng và giá trị đặc biệt cao, khiến nước này trở thành một thế lực mới trong NATO.