Bài toán sinh tồn của doanh nghiệp

Nghịch lý tăng trưởng

“Quý sau, quý sau nữa, doanh nghiệp Việt sẽ như thế nào, có bao nhiêu doanh nghiệp sẽ trở lại, bao nhiêu doanh nghiệp đăng ký mới?”, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đặt câu hỏi một cách gay gắt khi bắt đầu bài phát biểu với chủ đề “Việt Nam - Nghịch lý tăng trưởng” tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định.

Câu hỏi đầy sự lo lắng của TS. Thiên tại hội thảo do Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần trước, với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, không chỉ đến từ những dự báo phục hồi trắc trở, chậm chạp và không đồng đều của kinh tế thế giới, mà từ chính quyết định rút lui của 73.900 doanh nghiệp Việt Nam trong quý I/2024.

“Tăng trưởng của nền kinh tế tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng tại sao doanh nghiệp lại rút lui nhiều như vậy? Tôi khuyến nghị Quốc hội, Chính phủ nhìn thẳng vào những nghịch lý này, bởi giải pháp sẽ không chỉ là nhiệm vụ của 1, 2 quý, nhưng nếu làm chậm, chi phí đứng lên của doanh nghiệp sẽ rất lớn”, TS. Thiên trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Thực ra, ông Thiên nói, sự đuối sức của doanh nghiệp Việt Nam đã được nhận diện từ sớm, đã có nhiều giải pháp chính sách… “cứu sinh”, từ “tiếp máu” cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp thông qua thúc đẩy đầu tư công; tháo gỡ vướng mắc pháp lý với các dự án bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nỗ lực hạ lãi suất…

Thậm chí, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nhắc đến thông điệp rất tích cực được gửi đi từ các phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ, khi các vướng mắc trong thực thi pháp luật về đầu tư, kinh doanh là một trong những chủ đề được bàn thảo liên tục để có giải pháp tháo gỡ.

“Môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện đáng kể, như thủ tục hành chính thuận lợi hơn, điều kiện kinh doanh cũng đơn giản hơn. Nhiều vướng mắc của doanh nghiệp được kịp thời sửa đổi, tinh thần phân cấp trong thực hiện thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn…”, ông Tuấn chia sẻ nhận định từ góc nhìn của doanh nghiệp.

Nhưng quý I/2024, tăng trưởng đầu tư tư nhân vẫn rất thấp, tăng khoảng 4,2% so với cùng kỳ năm 2023. “Đây cũng là một nghịch lý, khi tăng trưởng tín dụng thấp, dù có rất nhiều chính sách thúc đẩy, nhưng tại sao doanh nghiệp không vay vốn?”, TS. Thiên đặt vấn đề.

Bài toán sinh tồn

Dù có cách diễn giải khác nhau, nhưng giới chuyên gia kinh tế đang có tiếng nói chung là đặt yêu cầu “cứu doanh nghiệp” lên hàng ưu tiên khi bàn về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng. Thậm chí, TS. Thiên gọi đây là giai đoạn “cứu tử”, với hàm ý cấp bách, khi sức khỏe của doanh nghiệp rất yếu, không dễ hấp thu các nguồn lực hỗ trợ. “Thời điểm này, hai điểm quyết định sự sinh tồn của doanh nghiệp là giảm lãi suất và giảm thủ tục, để doanh nghiệp ‘có máu’ để sống và có đường để đi”, TS. Thiên làm rõ.

Khuyến nghị giảm lãi suất không chỉ dừng ở các gói hỗ trợ lãi suất, mà phải hạ mặt bằng lãi suất, để doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội hoạt động trong môi trường lãi suất ngang với thị trường thế giới, khoảng 5-6%, chứ không phải cao gấp đôi như hiện tại. Tương tự, giải pháp giảm thủ tục được bao hàm cả ý nghĩa về niềm tin của doanh nghiệp là có vướng mắc, khó khăn thì sẽ được tháo gỡ đồng bộ, chứ không phải là gỡ chỗ này, vướng chỗ khác, hay phải xin cơ chế đặc thù...

Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề nghị Chính phủ chọn một danh sách các vướng mắc, khó khăn ưu tiên tháo gỡ trong năm cho doanh nghiệp, giao các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm, với thời hạn rõ ràng.

“Để tìm được danh sách này, tốt nhất là đối thoại với doanh nghiệp. Trong đó, các vấn đề như hoàn thuế giá trị gia tăng, thủ tục phòng cháy chữa cháy, thủ tục đầu tư, xây dựng… đã được nói nhiều, đã có giải pháp, không thể để chậm xử lý hơn được. Phát triển 1 doanh nghiệp rất khó khăn, mất nhiều thời gian, công sức của bao nhiêu người, từ nhà đầu tư góp vốn, đến các bên cung cấp đầu vào, tiêu thụ đầu ra... và hàng trăm, hàng ngàn lao động, không thể để doanh nghiệp ra đi vì môi trường kinh doanh không thuận lợi”, ông Cung trăn trở.

Đặc biệt, ông Cung cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng của kịch bản cao trong năm 2024 - tăng trưởng 6,5% - nền kinh tế không thể thiếu vắng động lực tăng trưởng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước, không thể thiếu vắng sự hưng phấn đầu tư, hưng phấn mở rộng sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Nhưng dài hạn, lời giải vẫn phải là lật ngược các nghịch lý trong phát triển, để đưa nền kinh tế trở về quỹ đạo tăng trưởng đúng quy luật. “Nếu ai cũng chọn an toàn, kể cả doanh nhân, thì nền kinh tế sẽ không thể thực sự năng động, sáng tạo trở lại được”, TS. Cung khuyến nghị.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Vướng mắc lớn nhất là pháp lý, thủ tục hành chính

- TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh

Tôi vừa đi thực hiện một số thủ tục hành chính, mất rất nhiều thời gian, nhiều quy định vô lý, không thể hiểu được, nên rất chia sẻ với các doanh nghiệp. Với tình trạng này, các nỗ lực phát triển, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tham vọng của nền kinh tế như chuyển đổi số, phát triển bền vững, phát triển xanh, Net Zero… sẽ trở nên vô nghĩa. Đáng lo ngại là, chính thực trạng này gây nên những động lực không chân chính trong doanh nghiệp để có được sự thông suốt của hoạt động kinh doanh.

Liên quan đến thị trường bất động sản, cần có chính sách đột phá cho nhà ở bình dân và nhà ở xã hội. Trong đó, tài trợ ngân sách là chủ đạo, thông qua thuế quyền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; cấp bù chênh lệch lãi suất; tín dụng cho người mua nhà dài hạn và các quy định chống đầu cơ ở phân khúc này.

Cùng với đó, rất cần đột phá về thủ tục pháp lý, thủ tục phê duyệt 1/500, đấu thầu nhà đầu tư, cấp phép xây dựng. Việc xử lý nhanh, tích cực về giá và thủ tục giải phóng mặt bằng cũng là giải pháp để đưa thị trường bất động sản phục hồi nhanh trong bối cảnh nguồn cung suy giảm nghiêm trọng và sự bứt phá một mình, mang dấu hiệu tích tụ bong bóng của phân khúc nhà chung cư…

Chấp nhận mức hỗ trợ bằng tài khóa mạnh hơn

- TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Đằng sau sự rút lui của doanh nghiệp, sự sụt giảm của đầu tư tư nhân là vấn đề về niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thúc đẩy niềm tin là chìa khóa để doanh nghiệp trở lại.

Tôi cho rằng, cần tiếp tục thực hiện nhóm chính sách kích cầu, từ đầu tư, đến tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp. Dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều, nên tôi khuyến nghị chấp nhận mức hỗ trợ bằng tài khóa mạnh hơn, như kéo dài các chính sách miễn, giãn, giảm thuế… cho doanh nghiệp, người dân.

Song song, cần có nhóm chính sách tạo nền tảng mới cho phục hồi và phát triển, xây dựng các khung khổ pháp lý đáp ứng xu thế phát triển xanh, chuyển đổi số, thu hút nhà đầu tư chiến lược trong các ngành bán dẫn, AI… Nhóm chính sách này đã được triển khai, nhưng theo tôi là chậm và triển khai rất phức tạp, khó thực hiện nếu không có cơ chế đột phá.

Đặc biệt, tôi cho rằng, cần cải tổ bộ máy nhà nước, tạo sự chuyển biến thực sự trong tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Khác với các cuộc khủng hoảng trước, các giải pháp nhắm tới mục tiêu chính là vượt khó, thoát ra, nhưng giờ khác. Thách thức đan xen với cơ hội chưa từng có cho loài người, liên quan đến xanh và số, mở ra cơ hội rất lớn cho đầu tư kinh doanh, đòi hỏi các giải pháp vượt khó đồng thời với mở cơ hội mới.

Muốn người dân tiêu dùng, họ phải có thu nhập, có việc làm

- TS. Vũ Quốc Huy, Chuyên gia kinh tế Viện Kinh tế Việt Nam

Đang có khuyến nghị kích cầu tiêu dùng, khi tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I/2024 có xu hướng giảm dần. Tôi đồng tình với giải pháp này, song không phải theo cách phát tiền cho người dân như thời Covid-19, hay như cách mà Thái Lan vừa tuyên bố cấp phát 13,75 tỷ USD cho khoảng 50 triệu người để thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 1,2 đến 1,6 điểm phần trăm.

Nguyên nhân giảm tiêu dùng của người dân Việt Nam là giảm niềm tin vào thu nhập tương lai, nên có cho tiền họ cũng không chi tiêu. Bài toán cần giải lúc này phải là hỗ trợ thu nhập cho người dân, có nghĩa là đảm bảo người dân có việc làm. Lời giải ở đây là hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại, vượt khó khăn chính là hỗ trợ thu nhập cho người dân. Lúc này, duy trì được các doanh nghiệp nhỏ, chỉ có vài lao động cũng rất cần.

Khánh An