Bệnh nhược thị nguy hiểm thế nào?

Việc trẻ được khám mắt sớm sẽ giúp phát hiện kịp thời và tăng tỷ lệ thành công khi điều trị nhược thị. Ảnh: BVCC

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, nguy cơ giảm thị lực không hồi phục kể cả khi đã được điều trị nguyên nhân.

Có con trai 4 tuổi bị lác bẩm sinh, nhiều năm nay, anh N.V. Đ. (32 tuổi, Hà Nội) vẫn cho rằng, đây chỉ là tình trạng gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tuy nhiên, do gần đây, trẻ thường bị bạn bè trêu chọc, nên anh quyết định đưa con đi khám. Tại bệnh viện, gia đình anh Đ. ngỡ ngàng khi được bác sĩ khuyến cáo nên phẫu thuật sớm. Nếu không, với độ lác nặng của con, trẻ sẽ bị giảm dần thị lực (nhược thị).

Trong khi đó, trước tình trạng con mắc cận thị nặng, số độ tăng nhanh, chị N.T.H. (Lương Tài, Bắc Ninh) đưa con đi khám mắt định kỳ và cũng được bác sĩ cho biết, nếu không chăm sóc, điều trị đúng cách có thể dẫn tới nhược thị.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, bác sĩ Hoàng Thanh Nga, chuyên Khoa Mắt - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, nhược thị có thể phát triển từ tật khúc xạ, lác hoặc các bệnh lý khác ở mắt.

Đối với trường hợp bị lác mắt, não chỉ tiếp nhận hình ảnh từ mắt có thị lực tốt, bỏ qua hình ảnh từ mắt không nhìn thẳng, lâu dần làm cho thị lực của mắt này trở nên yếu đi, giảm thị lực hay còn gọi là nhược thị.

Với người bị tật khúc xạ, có trường hợp bị tật ở hai mắt không giống nhau. Khi đó, ở mắt có tật khúc xạ nặng hơn có thể nhìn mờ hơn mắt còn lại. Từ đó, sự phát triển thị giác của mắt nhìn mờ hơn sẽ không bình thường. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới nhược thị.

Ngoài ra, một số trẻ được sinh ra với những bệnh lý gây nên đục các thành phần trong suốt như giác mạc, thủy tinh thể, dịch kính hay sụp mi... Điều này cũng làm hạn chế sự phát triển của thị giác, cản trở tầm nhìn gây ra nhược thị.

Bác sĩ Hoàng Thanh Nga cho biết thêm, nhược thị là tình trạng thị lực của một hoặc cả hai mắt bị giảm do não không nhận được hình ảnh rõ nét từ mắt. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, nguy cơ giảm thị lực không hồi phục kể cả khi đã được điều trị nguyên nhân.

Nhược thị thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện khi trẻ được khám mắt tổng quát. Vì trẻ rất nhỏ thường không nhận thấy hoặc không thể diễn đạt, nhận thức được thị lực khác biệt ở một bên mắt.

Đối với trẻ nhỏ, nên kiểm tra, thăm khám định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ nhược thị.

Kim Dung