Biến thể Delta đe dọa các sự kiện thể thao lớn trên toàn cầu

Đối với giải bóng đá EURO 2020 đang diễn ra tại nhiều địa điểm trên khắp châu Âu, giới chức châu lục này lo ngại sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới do biến thể Delta là tình trạng đáng báo động đối với sự kiện thể thao hàng đầu hành tinh này.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas đã bày tỏ quan ngại về việc Anh là nước đăng cai các trận bán kết và chung kết EURO 2020 tại sân vận động Wembley khi mà nước này đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng trở lại. Ông đồng thời kêu gọi Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) xem xét lại địa điểm diễn ra các trận bóng này.

Ông Schinas cho rằng ông không thể tưởng tượng được mối nguy hiểm dịch bệnh khi các trận bán kết EURO 2020 sẽ diễn ra trong hai ngày 6 - 7/7 tới và trận chung kết vào ngày 11/7 với sự có mặt của những đám đông người hâm mộ.

Ngày 29/6, Bộ trưởng Nội vụ LB Đức Horst Seehofer hối thúc Chính phủ Anh giảm số cổ động viên (CĐV) được phép vào sân vận động Wembley ở thủ đô London để dự khán các trận đấu tại Vòng chung kết EURO 2020 do lo ngại sự lây lan biến thể Delta.

"Tôi cho rằng việc để hàng chục nghìn người tụ tập gần nhau sẽ là vô trách nhiệm ở những nước mà biến thể Delta vốn có tính lây nhiễm cao đang hoành hành" - Bộ trưởng Seehofer nhấn mạnh.

Tại Đức, sân vận động Allianz Arena ở Munich cũng là một trong các sân đấu tại EURO 2020, song giới chức Đức chỉ cho phép 20% số khán giả vào sân, tương đương khoảng 14.000 CĐV. Bộ trưởng Seehofer cho rằng mức trần 20% nên được sử dụng làm chuẩn cho các địa điểm tổ chức các trận đấu ở EURO 2020.

Được biết, ở các trận Bán kết và Chung kết tiếp theo trên sân Wembley, Anh, số người tham dự sẽ trên 60.000 CĐV và đây cũng sẽ là sự kiện có lượng khán giả lớn nhất tại một sự kiện thể thao ở Anh kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Phát biểu của Bộ trưởng Đức được đưa ra trong bối cảnh nước Anh đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm biến thể Delta. Đức cũng đã đưa Anh vào danh sách các nước/khu vực có nguy cơ cao với biển thể virus SARS-CoV-2, điều này đồng nghĩa với việc chỉ có công dân Đức hoặc người thường trú ở Đức mới được nhập cảnh từ Anh, ngoại trừ một số ít ngoại lệ. Ngoài ra, tất cả các trường hợp nhập cảnh từ Anh, kể cả những người đã được tiêm đủ, phải cách ly 14 ngày tại Đức.

Trong vài ngày qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel liên tục bày tỏ quan ngại rằng VCK EURO 2020 có thể khiến biến thể Delta lây lan mạnh ở châu Âu.

Bà cũng chỉ trích việc thiếu sự phối hợp ở cấp châu Âu trong việc hạn chế người nhập cảnh từ các khu vực rủi ro. Tại Đức, biến thể Delta được cho đang chiếm tới khoảng 50% số ca nhiễm mới.

Anh đang phải nỗ lực đối phó với sự tăng vọt các ca nhiễm mới biến thể Delta, khiến tỷ lệ lây nhiễm cao gấp 4 lần so với tỷ lệ trung bình ở Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, Chính phủ Anh đã bác bỏ mọi đề nghị việc chuyển các trận đấu cuối cùng của EURO 2020 sang bất kỳ địa điểm nào khác. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid còn tuyên bố chính phủ vẫn có ý định dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế đối với vùng England như kế hoạch vào ngày 19/7 tới.

Giới chức y tế Phần Lan đã kêu gọi người hâm mộ, những người trở về sau khi dự khán các trận bóng diễn ra tại Saint Petersburg, Nga phải thực hiện xét nghiệm khẩn cấp khi mà 300 người trong số họ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Ngoài giải EURO 2020, một sự kiện thể thao lớn khác cũng đã bị gián đoạn. Giải Twenty20 World Cup đã phải chuyển từ Ấn Độ đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vì tình hình dịch bệnh phức tạp tại Ấn Độ.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản Yasuhiro Yamashita cũng cảnh báo "không có cách nào" đảm bảo rằng không có ca nhiễm nào trong số các vận động viên đến nước này tham gia Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo sắp tới sau khi phát hiện hai ca mắc trong đoàn thể thao của Uganda vào tuần trước khi họ đến Nhật Bản.

Theo quan chức này, ngay cả khi đã tiêm đủ hai liều vắc xin ngừa COVID-19 cũng không thể bảo đảm rằng mọi cá nhân đều không mắc bệnh.

Hà Anh

(Theo Medical Express)