Cần định hướng tư duy sáng tạo để 'tuổi teen' an toàn khám phá thế giới

Đạo diễn Nguyễn Hà Lê tại Liên hoan phim Berlin. (Ảnh: Đoàn Bắc)

Xu thế khám phá bằng hình ảnh của giới trẻ

Sáng tạo ra ảnh và video ấn tượng khác lạ, độc đáo hoặc dễ gây ra tranh cãi là cách dễ nhất để thu hút sự chú ý, chinh phục các netizen. Càng ngày người ta càng ít đọc hoặc đọc kỹ nội dung bằng chữ nhất là khi chỉ lướt web và mạng xã hội với vô số thông tin hỗn độn sẽ hiện ra trên màn hình nhỏ bé của chiếc smartphone.

Những bạn trẻ tuổi teen (người ở độ tuổi 12-19) chính là những người sẽ ưa thích khám phá thế giới xung quanh nhất với đầy sự tò mò (nhất là qua việc học tập), bên cạnh đó là mong muốn khẳng định “cái tôi” của mình trước mọi người. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, nhiều bạn trẻ đang sáng tạo nội dung một cách thiếu mục đích, tốn khá nhiều thời gian để sa đà vào những thứ vô bổ không giúp gì cho tương lai, thậm chí còn lệch lạc cả về tư duy hoặc đạo đức mà vẫn được số đông cổ xúy tán thưởng.

Hầu như không ngày nào mà các bạn trẻ tuổi teen không sáng tạo một nội dung bất kỳ để đăng lên mạng xã hội. Nhưng lại đang rất thiếu những chương trình ngoại khóa để định hướng tư duy sáng tạo nội dung bằng chữ, âm thanh và đặc biệt là hình ảnh dành cho lứa tuổi này. Ví dụ như các chương trình đào tạo hoặc sách hướng dẫn tự thực hành, các cuộc thi sáng tạo (ảnh chụp, video, bài viết hoặc thuyết trình) theo các chủ đề phù hợp và ý nghĩa. Những chương trình như “Hội thi sáng tác ảnh Tuổi xanh” của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, “Cuộc thi làm phim qua ống kính trẻ thơ online ” của Quỹ Japan Foundation là quá ít số với đòi hỏi thực tế.

Trong khi đó nhiều quốc gia rất chú trọng tổ chức các chương trình với những chủ đề đầy ý nghĩa dành cho tuổi teen. Những chương trình tiêu biểu dành cho tuổi teen toàn cầu như cuộc thi sáng tạo video 1 phút về bảo vệ thế giới và môi trường - “The global slingshot challenge” của Hiệp hội Địa lý quốc gia, “Liên hoan Nhiếp ảnh quốc tế của Nhật Bản. Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã và đang được định hướng để tiếp cận chuẩn mực toàn cầu, đồng thời truyền cảm hứng tích cực về nhiều vấn đề nóng hổi cho toàn xã hội như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, quảng bá hình ảnh quê hương,... Những vấn đề này nếu được trình bày quá lăng kính vô tư của trẻ em sẽ có hiệu quả tác động mạnh đến toàn bộ cộng đồng và cả chính quyền.

Trong thời đại internet kết nối toàn cầu, tuổi teen Việt Nam dễ dàng tiếp cận chung với các bạn cùng trang lứa ở khắp nơi. Nhưng nếu không có tư duy và định hướng đúng thì các bạn trẻ sẽ học “cái dở” thường nhanh hơn “cái tốt”. Câu chuyện về mạng Tik Tok đang từng bước bị cấm hoặc hạn chế ở nhiều quốc gia là một ví dụ. Tiếc rằng sau nhiều nỗ lực nhưng các diễn đàn trực tuyến hoặc mạng xã hội thuần Việt đều sớm “chết yểu” khiến cho giới trẻ của Việt Nam rất thiếu sân chơi của riêng mình.

Vấn nạn trẻ em quay video nhục mạ, hành hung bạn học vẫn đang gây nhức nhối trong cộng đồng và còn có nhiều sự vụ tiêu cực khác bên trong nhà trường cũng như ngoài xã hội đang được tuổi teen thu vào ống kính của mình (đa số bằng smartphone) để rồi phát tán trong cộng đồng mạng. Không có nhiều sự sáng tạo hình ảnh về những điều tích cực, ý nghĩa hoặc thể hiện tư duy sáng tạo bài bản từ lứa tuổi teen hiện này của Việt Nam trên các nền tảng mạng xã hội. Chưa kể, công nghệ và thiết bị mới hiện này cũng hỗ trợ cho các em học sinh rất nhiều trong việc học tập khá hiệu quả trong giai đoạn đại dịch vừa qua nhưng không được tiếp tục phát huy khi cuộc sống trở lại bình thường.

Lắng nghe ý kiến của những “người trong cuộc”

Với sự phổ cập của smartphone cùng với nhiều ứng dụng công nghệ mới đang giúp cho giới trẻ tự sáng tạo dễ dàng hơn bao giờ hết. Các học viện đào tạo trực tuyến về nhiếp ảnh, video rất bài bản mang thương hiệu của các hãng điện thoại cung cấp sự hỗ trợ tốt cho mọi đối tượng người dùng smartphone trên thế giới nhưng lại đang bị giới trẻ Việt Nam khá thờ ơ.

Nguyễn Thủy Trúc - học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam. (Ảnh: Đoàn Bắc)

Tư duy sáng tạo hình ảnh của các em hiện nay chủ yếu là bắt chước cách chụp ảnh, quay video của Trung Quốc và Hàn Quốc thiên về giải trí đại chúng mà ít kích thích sáng tạo dành cho học tập và nghệ thuật, thường tiếp cận kiểu câu view (gây tò mò) với nội dung khá hời hợt. Nếu không định hướng đúng đắn kịp thời, Việt Nam có thể lãng phí cả một thế hệ trẻ hiện nay về tư duy nền tảng cho sáng tạo và dễ gây nên hệ lụy xấu cho nhiều năm sau khi các bạn teen trở thành người lớn.

Khi công cuộc cải cách giáo dục toàn diện đang được triển khai ở Việt Nam, các môn sáng tạo như về nghệ thuật thị giác như mỹ thuật, đồ họa hoặc thiết kế (đòi hỏi nhiều năng khiếu bẩm sinh) vừa mới được đưa vào chương trình tới tận bậc trung học phổ thông. Nhưng sáng tạo nội dung bằng nhiếp ảnh, video vốn rất dễ dàng chỉ cần smartphone thì chưa có dù hầu hết học sinh đang sử dụng hàng ngày. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ rất hiệu quả cho phương pháp giáo dục tân tiến như STEM hoặc STEAM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và Nghệ thuật - Toán học).

Nhà làm phim Nguyễn Lê với nhiều dự án sáng tạo dành cho tuổi teen ở trong và ngoài nước cho rằng: “Với sự phát triển của các dòng điện thoại thông minh như hiện nay, có thể nói “nhà nhà làm phim, người người làm phim”. Nhưng vấn đề là quay cái gì và quay như thế nào. Tik Tok là một ví dụ về việc “biến sai thành đúng”.

Nó vốn xuất phát từ một thói quen sai của người dùng điện thoại là chỉ cầm một tay để quay chụp cho tiện, đỡ mỏi tay, tay kia dù không bận gì cũng không cầm vào điện thoại; vì cầm một tay nên cầm dọc chứ không cầm ngang dễ rơi máy; từ đó các clip quay được sẽ theo chiều dọc thay vì chiều ngang như truyền thống. Lâu dần, từ chỗ là sai, các nhà phát triển ứng dụng chiều theo thói quen này dẫn đến hình thành trào lưu video dọc, lại thêm xu hướng ngày nay giới trẻ thích những clip ngắn - nhanh - dễ nên Tik Tok đã lựa thời mà phát triển mạnh.

Theo tôi, Tik Tok chỉ là trào lưu nhất thời và sẽ không thể tồn tại lâu khi các xu hướng nguội dần. Hiện thời, các nền tảng vững mạnh hơn như Facebook hay YouTube đã tích hợp video dạng dọc màn hình, lại thêm nhiều nước trên thế giới đã và đang lần lượt cấm ứng dụng Tik Tok. Về lâu dài, những người dùng, người xem sẽ dần trở lại với những video có thời lượng dài - có chiều sâu - có đầu tư về nội dung - có chất lượng và thẩm mỹ cao để hướng khán giả, nhất là các thế hệ trẻ, đến với các sản phẩm có giá trị và một môi trường internet lành mạnh, tốt đẹp hơn”.

Là một nhà nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Vũ Thế Long lưu ý rằng: “Từ thời tiền sử, con người đã ghi chép hình ảnh về cuộc sống qua tranh khắc trong hang động và giờ đây là hình ảnh từ smartphone và các thiết bị hiện đại khác. Điều này là rất quan trọng cho nhân loại. Sở hữu thiết bị hiện đại chỉ là công cụ để sáng tạo, học tập và nghiên cứu cũng như khám phá thế giới sao cho có ích và có đạo đức”.

Đây là ý kiến của Nguyễn Thủy Trúc (học sinh THPT à Nội - Amsterdam): “Tuổi teen thường xem ảnh chụp và video ngắn bởi muốn tiết kiệm thời gian mà vẫn nắm được thông tin chính, dẫn tới xu hướng không kiên nhận và “lười” phân tích và tìm hiểu kỹ nên đã tạo ra những lỗ hổng trong thông tin được tiếp nhận. Có lẽ vì học sinh quá bận rộn và không có đủ thời gian để xem và hiểu những nội dung dài hơn”.

Còn Đoàn Linh An (15 tuổi, cán bộ Đoàn của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam) tâm sự thêm: “Người lớn thường không hiểu hết hoặc đồng cảm được với lứa tuổi teen luôn muốn khám phá xung quanh theo cách riêng và thích tự ghi lại các kỷ niệm đầy ắp của mình cũng như những gì đã cảm nhận bằng hình ảnh được sáng tạo từ chính chiếc smartphone của mình. Ngoài ra, thông điệp bằng hình ảnh dễ lan tỏa nhanh chóng tới mọi người”.

Đoàn Linh An (15 tuổi, cán bộ Đoàn của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam).

Theo ông Nguyễn Viết Thịnh đang có hai con ở tuổi teen: “Việc con trẻ thể hiện nội dung, suy nghĩ bằng hình ảnh, đồ họa hoặc video là một xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0. Chiếc smartphone gần như là công cụ không thể thiếu không chỉ phục vụ học tập, cập nhật thông tin mà còn để các con thể hiện các suy nghĩ và góc nhìn của mình một cách không giới hạn. Việc cần làm của phụ huynh là cần định hướng và kiểm soát để giảm thiểu các tác động tiêu cực và tối đa các tác dụng tích cực”.

Tuấn Ngọc