Cây dâu tằm 'bén đất' Chư Drăng

Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp địa phương.

Giữa cánh đồng bạt ngàn thuốc lá, mì và mía, 2,5 ha dâu tằm của gia đình anh Cương trở nên nổi bật bởi màu xanh mướt. Chia sẻ về cơ duyên đến với cây dâu tằm, anh Cương cho biết: Trước đây, gia đình trồng mì. Tuy nhiên, do chân ruộng trũng nên mì thường bị thối củ khi mưa nhiều. Thêm vào đó, bệnh khảm lá mì lan rộng khiến năng suất giảm sâu, thu nhập không đáng là bao. Sau lần được người quen tại huyện Chư Sê giới thiệu, vợ chồng anh quyết định chuyển đổi 2 sào sang trồng dâu tằm. 6 tháng sau, lứa dâu đầu tiên cho thu hoạch. Anh đặt mua 1 hộp tằm giống với giá 1,2 triệu đồng về nuôi. Sau 15 ngày, tằm cho hơn 80 kg kén. Với giá bán 210 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, vợ chồng anh lãi trên 13 triệu đồng.

Anh Dương Văn Cương (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây dâu tằm. Ảnh: V.C

Đến nay, toàn bộ 2,5 ha đất của gia đình đã bao phủ màu xanh của cây dâu tằm. Theo anh Cương, thời tiết tại huyện Krông Pa nắng nóng. Vì vậy, để cây dâu tằm phát triển tốt phải đảm bảo nguồn nước. Hiện anh đã lắp đặt hệ thống tưới béc phun cho toàn bộ diện tích, vừa cung cấp nước đầy đủ cho cây trồng vừa tiết kiệm chi phí thuê nhân công tưới. Sau khi thu hoạch lứa đầu tiên, khoảng 1,5 tháng sau, dâu tằm sẽ cho thu hoạch lứa tiếp theo. Không những vậy, cây dâu tằm có tuổi đời khoảng 20 năm mới cần trồng lại nên tiết kiệm đáng kể chi phí về giống. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng tốt, cần hạn chế bón phân hóa học, tăng phân chuồng ủ mục để tăng độ tơi xốp, cải tạo đất. Trước khi thu hoạch phải ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật 1 tháng để loại bỏ hoàn toàn hóa chất, đảm bảo cung cấp nguồn thức ăn sạch cho tằm.

Cũng theo anh Cương, nhiệt độ thích hợp nhất với con tằm là khoảng 28-33 độ C. Vì vậy, nhà nuôi tằm phải lắp đặt tấm cách nhiệt, đảm bảo thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Hiện tại, nhà nuôi tằm của gia đình anh Cương rộng khoảng 80 m2. Trong đó, anh chia thành nhiều ô nhỏ chạy dọc căn nhà, bên trên lót bạt làm chỗ cho tằm trú ngụ. So với nuôi tằm trên kệ, cách làm này vừa tiết kiệm diện tích vừa thuận tiện trong quá trình cho ăn và dọn vệ sinh. Thông thường, tằm ăn mỗi ngày 4 lần. Tằm ăn càng nhiều thì sản lượng kén càng cao. Tuy nhiên, lượng thức ăn cần vừa đủ, tránh dư thừa tạo môi trường cho vi khuẩn phát sinh gây hại. Sau 10 ngày chăm sóc, tằm được cho lên né gỗ để tạo kén, 5 ngày sau kén cho thu hoạch.

Gia đình anh Cương sử dụng máy móc thu hoạch kén tằm. Ảnh: Vũ Chi

Anh Cương nhẩm tính: “Mỗi hộp tằm giống cho thu hoạch 70-100 kg kén sau 15 ngày chăm sóc. Mỗi tháng nuôi được 2 lứa, nếu quá trình chăm sóc thuận lợi, gia đình lãi 25-30 triệu đồng/tháng. So với các cây trồng khác tại địa phương như mì, bắp, mô hình trồng dâu nuôi tằm cho lợi nhuận cao hơn, thời gian thu hoạch ngắn giúp nhanh thu hồi vốn và xoay vòng tái sản xuất”. Trên cơ sở nguồn nguyên liệu sẵn có, anh Cương dự kiến mở rộng chuồng nuôi khoảng 200 m2 để nuôi gối vụ. Anh cũng hy vọng nhiều hộ triển khai mô hình này, tạo tiền đề thành lập tổ liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để phát triển sản xuất. Gia đình anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con.

Trao đổi với P.V, ông Ksor Rôk-Chủ tịch UBND xã Chư Drăng-thông tin: Thời gian qua, một số hộ dân trên địa bàn xã đã mạnh dạn đưa cây con giống mới về nuôi trồng thử nghiệm. Trong đó, mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình anh Cương là mô hình mới. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình mang lại kết quả khả quan. Cây dâu tằm phát triển tốt, con tằm có thời gian sinh trưởng ngắn, sản lượng kén tằm cao, chất lượng đảm bảo và đặc biệt là được công ty bao tiêu sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Hiện các ban ngành, đoàn thể đã tổ chức nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi mô hình này. Hy vọng bà con mạnh dạn phát triển, liên kết mở rộng diện tích để tăng thu nhập cho gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.