'Chìa khóa thành công' trong phát triển Thủ đô

Xây dựng và vận hành sàn giao dịch công nghệ Hà Nội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Khoa học và Công nghệ Thủ đô thời gian tới. Ảnh: Rạng Đông

- Trước hết, xin ông cho biết ý nghĩa của Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam?

- Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5) là ngày hội để biểu dương, tôn vinh những người làm khoa học cũng như giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi về các thành tựu của khoa học và công nghệ đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

- Được coi là “chìa khóa thành công”, nhưng thực tế hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Theo ông, cần phải làm gì để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ của thành phố?

- Trước hết, người đứng đầu cấp ủy Đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là triển khai Chương trình số 07-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và pháp luật phù hợp cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế để phát triển khoa học và công nghệ; tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong khoa học; dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước về các hoạt động khoa học và công nghệ. Tiếp tục nâng cao chất lượng tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, có tầm quan trọng và giải quyết các vấn đề cấp bách. Đẩy mạnh cơ chế đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của thành phố, các sở, ngành và các doanh nghiệp...

Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chú trọng xúc tiến, trao đổi, kết nối với các đối tác quốc tế đến từ các quốc gia có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, người Việt Nam ở nước ngoài.

- Là cơ quan Thường trực của Chương trình số 07-CTr/TU, xin ông cho biết thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội sẽ tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì?

- Một là, tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù của Thủ đô trong việc thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ mới và hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; đề xuất thử nghiệm chính sách mới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trước hết là các chính sách thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới, triển khai một số mô hình kinh tế mới, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

Hai là, xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ về tài chính và đầu tư, khơi thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ba là, xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Bốn là, xây dựng Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội, kết nối toàn quốc và quốc tế…; xây dựng và vận hành Sàn giao dịch công nghệ thành phố Hà Nội.

Năm là, tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo của Thủ đô, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học trên địa bàn là chủ thể nghiên cứu.

Sáu là, xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội” hoạt động theo nguyên tắc khoa học mở, đổi mới sáng tạo mở nhằm tạo kết nối, liên kết giữa người dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn, các chuyên gia trong và ngoài nước, các trung tâm, chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực để tham vấn, giải quyết các vấn đề quan trọng đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Bảy là, tăng cường thanh, kiểm tra về bảo hộ sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng..., bảo đảm an ninh, an toàn, sự cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất, người tiêu dùng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hằng