Chính sách đặc thù cần tinh thần vượt trội

TP. Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; thành phố cũng là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung; đồng thời là cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới.

Chính sách đặc thù hướng đến mục tiêu đưa TP. Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới vào năm 2045

Bằng các tính toán định lượng, TS. Bùi Trinh, chuyên gia về thống kê, chỉ ra rằng, TP. Hồ Chí Minh là đầu kéo cả nền kinh tế nước ta đi theo. Cụ thể, chỉ số lan tỏa của nhu cầu cuối cùng và sản xuất của TP. Hồ Chí Minh đến các vùng khác cao gấp 1,5 lần các tỉnh phía Bắc; 1,7 lần các tỉnh miền Trung và 1,9 lần các tỉnh phía Nam. Xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại đây lan tỏa đến các vùng khác hơn 2 lần xuất khẩu của các vùng khác lan tỏa đến thành phố này. Đầu tư ở hầu hết các vùng khác không hiệu quả bằng TP. Hồ Chí Minh, kể cả vốn nhà nước hay vốn tư nhân. Tiêu dùng của người dân, đầu tư và xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh lan tỏa đến giá trị tăng thêm vùng khác của cả nước lần lượt là 17%, 8,8,% và 8,7%. Vì lẽ đó, nếu "đầu tàu" tăng trưởng chậm lại, tác động không chỉ là mất đi một vài điểm phần trăm tăng trưởng của nó mà còn ảnh hưởng lan rộng đến các vùng khác và cả nước trong những chu kỳ sản xuất sau.

Với vị thế và tầm quan trọng như vậy, việc Quốc hội trao cho TP. Hồ Chí Minh hàng chục cơ chế đặc thù, vượt trội có hiệu lực từ ngày 1.8 tới đây vừa giúp tránh sự đứt gãy cơ sở pháp lý (thời hạn áp dụng Nghị quyết 54/2017/QH14 chỉ kéo dài hết năm nay); vừa tạo điều kiện cho thành phố khơi thông nguồn lực và phát triển mạnh mẽ trở lại, đóng góp nhiều hơn cho đất nước và hiện thực hóa những mục tiêu Bộ Chính trị, Quốc hội đặt ra.

Nếu như việc xây dựng, trình Quốc hội thông qua các cơ chế đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh khó khăn một thì việc triển khai các chính sách này, đưa Nghị quyết 98 của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống hẳn sẽ khó khăn gấp mười. Bởi lẽ khoảng 60% chính sách đặc thù trong Nghị quyết 98 là hoàn toàn mới, tập trung ở 4 nhóm vấn đề hết sức quan trọng là đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đất đai - quy hoạch, tổ chức bộ máy.

Nhìn lại 5 năm triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 về chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, kết quả chưa được như mong đợi vì nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc các cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, cần nghiên cứu kỹ trước khi quyết định. Trong bối cảnh như vậy, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền… chưa cao và một số ban, bộ, ngành trung ương chưa thật sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời - như đã được chỉ ra trong Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết thì thành phố đã mất 1 năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị, 2 năm tiếp theo chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách...

Những bài học kinh nghiệm đã rút ra cần phải được ghi nhớ, tránh để lặp lại! Quốc hội trao cho TP. Hồ Chí Minh những chính sách vượt trội cũng có nghĩa “cả nước vì thành phố”. Giờ là lúc thành phố phải triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất Nghị quyết 98 như một cách đáp lại: “thành phố vì cả nước”. Cùng với sự chuẩn bị từ sớm, từ xa, lãnh đạo và cán bộ thành phố phải phát huy cao độ tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và nỗ lực vượt bậc. Chính phủ và các bộ, ngành cũng phải nhanh chóng vào cuộc, chủ động hỗ trợ và hỗ trợ hết mình với tinh thần trách nhiệm cao nhất để cùng TP. Hồ Chí Minh triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, kiến tạo sự phát triển đột phá cho thành phố, từ đó lan tỏa cho vùng và cả nước.

Hà Lan