Chống dịch ở mức 'nguy cơ rất cao', TP Sa Đéc thực hiện giãn cách xã hội 14 ngày

Chiều ngày 1/7, Chủ tịch UBND TP.Sa Đéc Nguyễn Văn Hon ký ban hành văn bản về việc huy động mọi nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

TP Sa Đéc sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với mức “nguy cơ rất cao”

Theo đó, từ 18h ngày 1/7/2021 áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tương ứng với mức “nguy cơ rất cao” đối với toàn bộ TP. Sa Đéc theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG này 31/5/2021 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể: Giãn cách xã hội trong vòng 14 ngày trên phạm vi toàn địa bàn TP.Sa Đéc, mọi người dân phải ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Không tụ tập quá 3 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu 2m tại nơi công cộng. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp 5K và các biện pháp bảo đảm an toàn của Bộ Y tế; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định phòng chống dịch và không cho phép hoạt động của các tổ chức không đảm bảo an toàn.

Thực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp về phòng, chống dịch bệnh tại Bộ phận Một cửa Thành phố, Bộ phận Một cửa các xã, phường theo khuyến cáo của ngành y tế. Thông tin, tuyên truyền, vận động bằng các biện pháp phù hợp, đồng bộ để cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích, nhất là việc trả kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu chính công ích, nhằm hạn chế số lượng người trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa (Người dân có thể liên hệ Tổng đài 1022 – Di động gọi số: 02777 1022, để nối máy đến Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công và Bộ phận Một cửa Thành phố để nắm thông tin trước khi đến trực tiếp, tránh tình trạng tập trung đông người cục bộ có thể xảy ra).

Dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trừ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết yếu. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thiết yếu được hoạt động bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...

Các cơ sơ kinh doanh dịch vụ ăn, uống chỉ bán hàng theo hình thức mang về; sản xuất tại các khu công nghiệp, xí nghiệp đảm bảo công tác phòng chống dịch, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa; Người dân được phép lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất của địa phương; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lao động sản xuất phải thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

Dừng hoạt động nhà máy, xí nghiệp, các hoạt động sản xuất, thu hoạch khi không đảm bảo an toàn; tùy theo điều kiện của từng ngành, địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định giảm số người làm việc tại cơ quan, công sở cho phù hợp tình hình thực tế; tăng cường làm việc trực tuyến.

Thực hiện khai báo y tế bắt buộc với toàn bộ người dân trên địa bàn; dừng các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao, giải trí, tôn giáo tín ngưỡng. Đám tang không quá 30 người, đám cưới không quá 20 người và phải được cơ quan y tế tại nơi tổ chức giám sát nghiêm ngặt.

Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách cộng đồng bằng vé xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe taxi, xe du lịch từ thành phố Sa Đéc đi các tỉnh, thành phố, vùng có dịch. Các bến phà, bến đò giảm 50% số lượng khách và thực hiện giãn cách theo quy định. Xe công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly được hoạt động nhưng chỉ được đưa đón tại nơi chính quyền cho phép; không ngăn sông cấm chợ.

Các phương tiện chuyên chở nông sản, nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa được hoạt động nhưng phải tuân thủ các yêu cầu về phòng, chống dịch. Các phương tiện chở người từ các tỉnh khác được phép đi qua nhưng không được dừng đón, trả khách trên địa bàn.

Huy động tất cả nguồn lực hiện có trên địa bàn Thành phố, nhất là lực lượng y tế, công an, quân sự thần tốc truy vết các trường hợp F1, F2; quản lý chặt chẽ các đối tượng cách ly tập trung (F1), cách ly tại nhà (F2), không để xảy ra nhiễm chéo tại cơ sở cách ly tập trung, kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm từ khu vực cách ly ra ngoài và ngược lại, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Thủ trưởng các ban, ngành Thành phố và Chủ tịch UBND các xã, phường tùy theo tình hình diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn chủ động đề xuất tăng cường lực lượng từ các sở ban, ngành tỉnh, địa phương khác về hỗ trợ; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố nếu để xảy ra trường hợp F1, F2 không được quản lý kịp thời.

Tăng cường quản lý chặt chẽ người lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhiều lao động, doanh nghiệp vận tải hàng hóa qua nhiều địa phương. Các doanh nghiệp chuẩn bị sẳn sàng triển khai các phương án tổ chức cách ly tập trung cho người lao động ngay tại doanh nghiệp khi có ca mắc COVID-19 với nguyên tắc “doanh nghiệp tổ chức cách ly người lao động, chính quyền tổ chức cách ly các đối tượng khác”.

Hoàng Ngọc