Con tham gia đa cấp, bố mẹ ở nhà chịu cảnh đắng cay

Bà Nguyễn Thị Thương phải lên Hà Nội sống, vừa để trông nom con cháu, vừa tránh búa rìu dư luận vì con gái bà đã lôi kéo nhiều người trong họ tham gia đa cấp, để rồi rơi vào cảnh trắng tay

Bà Nguyễn Thị Thương (tên nhân vật đã được thay đổi), ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, nghẹn ngào chia sẻ với phóng viên: gia đình có cô con gái thứ 2 lên Hà Nội học đại học rồi ở lại đó lập nghiệp với công việc làm văn phòng tại một doanh nghiệp. Nhưng cách đây 2 năm, vợ chồng ông bà hay tin con gái mình nghỉ việc và đi theo ngạch kinh doanh đa cấp. Ông bà cũng không rõ đa cấp là gì, hỏi thăm nhiều người thì mới biết đó là việc đi mời gọi mọi người tham gia hệ thống, bỏ tiền đầu tư và nhận lợi nhuận lớn.

Dù ông bà hết lời can ngăn nhưng cô con gái không chịu nghe. Đến năm 2023, công việc kinh doanh vỡ lở, cô gái bị nhiều người tìm đến nhà đòi tiền, vì chính cô đã lôi kéo dẫn dắt họ đầu tư vào một công ty hoạt động theo mô hình Ponzi (lấy của người vào sau trả cho người vào trước). Lúc này con gái của bà Thương mất khả năng thanh toán, bởi bản thân cô cũng là nạn nhân đã mất tất cả tài sản khi đầu tư vào công ty đa cấp kia.

Bà Thương cho hay: “Khi bị họ đòi nợ gắt quá, nó mới về nói với bố mẹ là con mất tất cả rồi, giờ còn gánh nợ vì đã vay mượn đầu tư. Vợ chồng tôi lo lắng mất ăn mất ngủ, lại sợ nó nghĩ quẩn, nên có bao nhiêu tiền bạc tiết kiệm đều rút hết đem trả nợ thay con. Giờ vợ chồng nó ly hôn, nhà cửa bán sạch, đi ở thuê, tôi lại phải lên ở cùng để còn phụ giúp con trông nom cháu. Nghĩ cay đắng quá nhưng con dại thì cái mang, mình vẫn phải gắng gượng hỗ trợ, động viên con thôi”.

Việc tham gia công ty đa cấp, đến khi công ty bị vỡ, lãnh đạo rơi vào vòng lao lý, còn các nhà đầu tư rơi vào cảnh trắng tay, hệ lụy phía sau đó vô cùng lớn, làm liên lụy tới nhiều người thân trong gia đình.

Trường hợp bà Ngô Thị Toàn, ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, là một ví dụ. Con gái bà Toàn là chị Nguyễn Thị Toan tham gia công ty đa cấp, sau đó về lôi kéo nhiều người trong gia đình, họ hàng tham gia theo. Lúc đầu, những người này bỏ tiền đầu tư theo hướng dẫn của chị Toan, đều được nhận tiền lãi theo ngày, với mức hấp dẫn lên tới 50%-80%/năm. Thế nhưng chỉ được vài tháng thì công ty không thanh toán phân chia lợi nhuận như cam kết.

Đến lúc này, mọi người với vỡ lẽ ra là bị lừa đảo thì mọi trách nhiệm họ đều quy cho chị Toan, vì chính chị đã về lôi kéo họ tham gia bằng những lời lẽ, những cam kết hoa mỹ, sai sự thật để mời gọi họ đầu tư.

Bà Toàn chia sẻ: “Toan bỏ đi, khiến họ hàng tìm đến nhà tôi ách móc đủ điều, việc các ông các bà làm việc với Toan thì làm sao mà tôi biết được, giờ xảy ra cơ sự thì tìm đến vợ chồng tôi trách móc, thậm chí là bắt đền. Chúng tôi cũng không thể giải quyết được, thế nhưng những người là nạn nhân đều là họ hàng, người thân trong gia đình, vì con gái mình lôi kéo họ mà họ thành ra cơ sự như vậy mình là bậc làm cha làm mẹ cũng áy náy lắm. Không ngờ đến lúc cuối đời lại gặp cảnh trái ngang như thế này, mang tiếng là sinh ra đứa con lừa đảo cả họ hàng, khiến cho cuộc sống của chúng tôi không lúc nào được thanh thản”.

Ảnh minh họa

Còn bà Nguyễn Thị Lược, cán bộ hưu trí ở huyện Đông Anh, Hà Nội, kể: con gái bà là chị Lại Thanh Hà có một cửa hàng làm đẹp nhưng từ vài năm nay, chị Hà chạy theo đa cấp Skyway, hàng ngày đi mời gọi mọi người tham gia đầu tư mua cổ phiếu để chờ ăn lãi suất cao. Chồng chị và mọi người trong gia đình hết mực can ngăn, song chị đều bỏ ngoài tai, khiến cho mâu thuẫn gia đình ngày càng căng thẳng. Mới đây vợ chồng chị đã chia tay vì người chồng không thể chịu đựng được nữa.

Bà Lược cho biết: “Vợ chồng tôi can ngăn đủ kiểu nhưng nó đều bỏ ngoài tai. Sau khi vợ chồng nó ly hôn, nó không có chỗ ở, lại về nhà tôi, hàng ngày nó lên mạng đăng tin, quay video mời gọi người tham gia. Rồi gặp ai nó cũng mời, cũng lôi kéo. Giờ tôi còn không dám mời bạn bè đến nhà chơi, vì cứ ai tới nhà là nó lại lôi kéo họ đầu tư Skyway, mà tivi, báo chí nói ra rả là công ty lừa đảo, thế nhưng nó vẫn không tỉnh ngộ”.

Đã có công ty đa cấp "vỡ trận" với con số lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, cùng với đó là hàng ngàn, hàng vạn nạn nhân rơi vào cảnh trắng tay. Các cơ quan chức năng liên tục phát đi những cảnh báo, những khuyến cáo người dân không nên tham gia đầu tư vào các công ty đa cấp. Song, nhiều người vì nhẹ dạ, vì thiếu thông tin, hoặc vì ham lãi suất cao vẫn lao theo và trở thành nạn nhân, rơi vào cảnh kiệt quệ. Đau đớn nhất là những bậc cha mẹ phải chịu cảnh đắng cay khi con cái mình "sa chân" vào đa cấp.

Hoàng Sa