Đà Nẵng: Lối sống mới của công nhân sau nhiều lần 'chạm mặt' Covid-19

Những bữa cơm với vách ngăn phòng dịch trở nên rất quen thuộc với công nhân Đà Nẵng khoảng 2 năm trở lại đây

Dãy trọ 17 phòng của bà Đỗ Thị Thanh (tổ 66 phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) thường ngày rộn ràng tiếng nói, cười của công nhân. Nhưng từ khi Covid-19 xuất hiện lần nữa, bà nhắc mọi người ở yên trong phòng, tránh tiếp xúc với nhau. Ai cũng chấp hành, sợ mình sẽ là nguồn lây khiến toàn công ty phải đóng cửa vì dịch.

Đến Đà Nẵng mới hơn 1 tháng, em Ngô Thị Lương (SN 2002, công nhân xưởng dập khuôn tại Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam Đà Nẵng) còn chưa có xe đi lại. Ở Đà Nẵng, ngoài đường đến công ty và ra chợ, Lương vẫn chưa biết đi đâu khác. Dịch Covid-19, Lương được yêu cầu không ra đường khi cần thiết. Ý định "xuống phố" để thăm thú của em đành tạm gác lại.

Bà Thanh nhắc công nhân không đưa người lạ về trọ. Hỗ trợ công nhân, bà Thanh không lấy tiền trọ của những người mất việc, về quê. "Giá trọ thì đã giảm hết cỡ rồi, chỉ còn cách này để giúp mấy đứa bớt cực" - bà Thanh nói

Gặp dịch Covid-19 nơi đất khách, em Lương vẫn mong muốn được ở lại với Đà Nẵng vì vẫn còn việc làm. Mỗi lần đi chợ, Thương thường mua luôn thực phẩm cho 2 - 3 ngày

Thường ngày, Lương và bạn cùng phòng vẫn theo dõi tin tức về dịch bệnh ở Đà Nẵng. Đi làm về, Lương cùng bạn chỉ ở trong phòng, không ra ngoài hay tiếp xúc với ai để tránh nguy cơ lây Covid-19

Lương chuẩn bị đồng phục để vào làm ca mới. "Biết dưới phố có nhiều thứ vui lắm, nhưng em đành chờ hết dịch rồi sẽ dạo quanh Đà Nẵng chơi" - Lương chia sẻ

Ở trọ nhiều thì buồn chân, anh Đỗ Xuân Thương (SN 1988, nhân viên bộ phận chăm sóc khách hàng Công ty TCIE, KCN Hòa Khánh) đã tham khảo thêm nhiều phương pháp thể dục tại nhà để tập luyện, nâng cao sức khỏe. Khi không có dịch, sau khi làm về, anh Thương thường cà phê, ăn uống với bạn bè quanh khu công nghiệp, nay đành phải bỏ.

Theo anh Thương, dịch khó nhất là không được về quê. Thường xuyên theo dõi tin tức về dịch, anh chỉ mong tình hình mau ổn để được về nhà thăm bố mẹ.

Ông Hà Văn Thảo - tổ trưởng tổ công nhân tự quản số 3 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) hỏi thăm công nhân ở trọ. Biết công nhân ít có thời gian đi chợ, ông Thảo thường chia người trong tổ trọ để mua thực phẩm cho cả trọ theo nhu cầu

Không còn được đánh cầu mỗi khi đi làm về, anh Thương tự tìm cho mình các bài thể dục tại nhà để nâng cao sức khỏe

Vì dịch nên ở trọ nhiều ơn, anh Thương có thời gian sửa lại dàn loa mini trong phòng. Đây là thú tiêu khiển mà thường ngày vì bận rộn, anh bỏ qua

Không chỉ chấp hành quy định phòng dịch tại xí nghiệp, công nhân còn đem lối sống kỉ luật về nơi mình sinh sống, hy vọng dịch bệnh sẽ qua đi để cuộc sống được trở lại bình thường

Về tình hình chống dịch Covid-19 tại các KCN, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã giao BQL Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp TP Đà Nẵng tiếp tục kiểm tra, giám sát, yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định phòng dịch Covid-19 tại tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuộc khu công nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm quy định phòng chống dịch.

Đồng thời, BQL Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp cần khẩn trương làm việc với các chủ doanh nghiệp để trao đổi, thống nhất việc xã hội hóa chi phí xét nghiệm Covid-19 cho công nhân, người lao động thuộc đơn vị mình trên tinh thần thành phố và doanh nghiệp cùng chia sẻ, báo cáo, đề xuất UBND TP xem xét quyết định.

Đại diện BQL khu KCN và các KCN Đà Nẵng làm việc với doanh nghiệp về tình hình phòng chống dịch tại xí nghiệp, nhà máy

Quang Luật