Đại biểu Quốc hội: Một số kiến nghị của cử tri về giao thông đã sớm được khắc phục

Kiến nghị về cao tốc Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo cơ bản giải quyết xong

Chiều 23/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội ần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận).

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Ông Thông cho rằng, người đứng đầu là yếu tố quyết định việc các cấp, các ngành có quyết liệt giải quyết những kiến nghị của người dân, doanh nghiệp hay không.

Đại biểu Thông dẫn chứng cử tri Bình Thuận rất vui mừng khi được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đầu tư xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo, góp phần rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Trong quá trình xây dựng, đưa vào khai thác cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo, có một số bất cập và cử tri phản ánh như đường gom dân sinh hư hỏng do quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng cao tốc. Những kiến nghị trên đã được gửi đến Bộ GTVT và với trách nhiệm rất cao, Bộ GTVT đã xem xét, chỉ đạo để đến nay cơ bản giải quyết xong bất cập”, ông Thông dẫn chứng.

Liên quan đến lĩnh vực giao thông, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) kiến nghị, đối với dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua địa bàn Tây Sơn, tỉnh Bình Định cần đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện làm đường gom dân sinh, xây dựng hệ thống thoát nước để đảm bảo người dân sớm ổn định cuộc sống.

Bà Hạnh cũng đề nghị khi xây dựng phương án, làm các công trình, trong đó có các đường giao thông cần xem xét, tính toán kỹ tác động đối với những trường hợp bị ảnh hưởng để chủ động đưa vào thiết kế các phương án tài chính, thi công sao cho đảm bảo quyền lợi cho người dân, chất lượng và tiến độ dự án.

"Đối với Quốc hội, đề nghị là qua các kiến nghị của cử tri thì có chọn lọc những nhóm kiến nghị, vướng mắc nhiều, nhất là những vướng mắc về pháp luật để tổng hợp thực hiện giám sát bằng hình thức phù hợp. Nếu đã thấy đủ cơ sở thì có kiến nghị xem xét, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan", bà Hạnh nói.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.

Vay mượn gần 1.700 tỷ đồng tiền trang thiết bị y tế trong giai đoạn COVID-19

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông cũng cho biết, hiện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhận nhiều đơn của các công ty liên quan đến vấn đề cho các cơ sở y tế mượn trang thiết bị y tế, sinh phẩm… trong công tác phòng chống dịch COVID-19 nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán, chưa được giải quyết.

Vấn đề này cũng đã được đại biểu nêu tại kỳ họp thứ 6 và Bộ trưởng Bộ Y tế hứa sẽ trình cấp có thẩm quyền có chính sách giải quyết, nhưng đến nay việc này vẫn chưa được giải quyết. Đại biểu mong Bộ Y tế sớm tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản giải quyết vấn đề trên.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế quan tâm đưa nội dung tính lãi cho các doanh nghiệp từ khi mượn hàng hóa, trang thiết bị cho đến nay và cơ chế tài chính cho các địa phương, các cơ sở y tế bị khởi kiện như: án phí và chi phí thi hành các bản án.

"Nếu được như vậy doanh nghiệp thấy được Nhà nước, Chính phủ quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, có lý có tình và các địa phương, các cơ sở y tế cũng dễ triển khai thực hiện", đại biểu Thông nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề đại biểu Thông nêu, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc vay mượn thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị để dùng trong phòng, chống dịch COVID-19, hiện nay pháp luật chưa có quy định.

"Đợt dịch COVID-19 vừa qua, do tình huống cấp bách nên một số đơn vị y tế, các địa phương phải vay, mượn, tạm ứng để phục vụ công tác chống dịch cho người dân. Bản thân một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cũng phải làm việc này", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Người đứng đầu ngành y tế cho hay, khi kết thúc dịch COVID-19 thì phát sinh một số vướng mắc do chưa có quy định của pháp luật.

"Thời điểm này, chúng ta đấu thầu trả bằng hiện vật thì các sinh phẩm, vật tư y tế dành cho chống dịch cũng không để làm gì do dịch đã kết thúc. Nếu trả bằng tiền thì lại đặt ra việc, trả ở mức độ nào, nguồn như thế nào", bà Lan nói.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói thêm, trong quá trình giám sát về nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và trong Nghị quyết 99 của Quốc hội cũng đã đề cập đến nội dung này và giao Chính phủ đề xuất phương án xử lý.

Triển khai Nghị quyết 99, Chính phủ giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để có phương án cụ thể. Đến thời điểm này (tháng 5/2024), Bộ Y tế đã làm việc với các bộ ngành, địa phương để tổng hợp thực tế đã vay mượn bao nhiêu, số lượng thế nào.

Hiện Bộ Y tế đã thống kê có 7 bộ, ngành và 48 địa phương gửi tổng hợp với tổng số tiền là 1.693 tỷ đồng. Trong đó, liên quan đến vay mượn thuốc, trang thiết bị y tế là 754 tỷ đồng; 938 tỷ đồng mua sinh phẩm xét nghiệm phòng dịch COVID-19.

"Hiện Bộ Y tế đang tổng hợp và xây dựng Tờ trình trình Chính phủ trong tháng 5, 6/2024 về nội dung này", bà Lan cho hay.

Phùng Đô

Trang Trần