Đâu là điểm sáng để giới đầu tư kỳ vọng vào thị trường chứng khoán 2024?

A.I

(KTSG Online) – Vĩ mô ổn định, doanh nghiệp niêm yết làm ăn có lãi trở lại, định giá thị trường đang ở mức thấp và chính sách thúc đẩy nâng hạng thị trường là các yếu tố được kỳ vọng thúc đẩy dòng tiền chảy nhiều hơn vào kênh cổ phiếu trong năm 2024.

Trong câu chuyện đầu năm mới nói về cổ phiếu, các chuyên gia từ công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư đều kỳ vọng lạc quan vào thị trường năm nay, tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh môi trường lãi suất thấp và nhiều doanh nghiệp niêm yết tăng tốc hồi phục. Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã có buổi trao đổi với Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán của Công ty quản lý quỹ ; và ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán VPBankS, về câu chuyện tiềm năng chung của thị trường chứng khoán 2024.

Tạp chí Kinh tế Sài Gòn: Câu chuyện vĩ mô đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán như thế nào trong năm ngoái, thưa ông/bà?

– Ông Linh, VPBankS: GDP năm vừa qua đạt quy mô 430 tỉ USD, tăng trưởng 5,05%, cao gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng 2,9% của kinh tế toàn cầu. Những chính sách điều hành của Chính phủ trong năm vừa qua cũng đã tháo gỡ khá nhiều khó khăn cho lĩnh vực ngân hàng và bất động sản cùng với chính sách giảm thuế kích cầu tiêu dùng đã giúp kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng.

ạm phát và tỷ giá ổn định được kiểm soát tốt trong bối cảnh toàn cầu và khu vực biến động mạnh đã giữ được lòng tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế. Trong bối cảnh bất ổn bên ngoài ngày một lớn, việc củng cố chất lượng hoạt động và tăng trưởng trong nước sẽ làm tăng sức bền, tăng khả năng chống chịu trên chặng đường dài.

Ông Nguyễn Duy Linh, Tổng giám đốc VPBankS. Ảnh: DNCC.

– Bà Thu, VinaCapital: Năm 2023, kinh tế Việt Nam gặp khó khăn chủ yếu từ bên ngoài do nhu cầu toàn cầu chưa quay trở lại, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng giảm theo. Ngành sản xuất đóng góp lực lượng lao động rất lớn trên thị trường, gây ảnh hưởng đến thu nhập và niềm tin người tiêu dùng. Tuy nhiên, đến đầu năm 2024 chúng ta bắt đầu nhìn thấy một số dấu hiệu cải thiện.

Năm 2024, chúng tôi kỳ vọng kinh tế tăng trưởng tốt hơn với tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, đóng góp từ tăng trưởng doanh số bán lẻ thực, tức đã điều chỉnh lạm phát, sản xuất phục hồi. Dù chưa thể quay về lại như trước mức Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ tốt hơn trong năm 2025.

Ngoài ra từ năm nay, chúng ta cũng có nhiều điều kiện thuận lợi về vĩ mô, chẳng hạn như thanh khoản ngân hàng dồi dào, lãi suất đang tiếp tục giảm thêm, sức mua người mua nhà được cải thiện, vấn đề pháp lý bất động sản cũng đang dần được giải quyết.

Bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán của Công ty quản lý quỹ VinaCapital. Ảnh: DNCC.

Vậy còn thị trường chứng khoán trong năm nay dự kiến sẽ như thế nào, thưa ông/bà?

– Ông Linh, VPBankS: Chỉ số VN-Index đã có năm phục hồi thành công với mức tăng 12,2% so với mức giảm 32,78% của năm 2022. Thị trường cũng đã có sự phản ánh khá tích cực trước xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN với 4 lần hạ lãi suất điều hành cùng với chính sách tài khóa khi thúc đẩy mạnh đầu tư công. Xu hướng giảm đã dần qua đi và thay vào đó là giai đoạn tích lũy phục hồi cho một chu kỳ mới.

Tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ là năm bản lề cho một chu kỳ tăng trưởng mới, sau giai đoạn “tái cấu trúc” quyết liệt trong năm 2023 với sự thay đổi lớn về định hướng. Trong đó các điểm nhấn mà chúng ta có thể kỳ vọng là lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt, lãi suất trong xu hướng giảm, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi, dòng tiền quay trở lại các thị trường tài sản tích cực hơn, cuối cùng là câu chuyện nâng hạng sẽ tiếp tục nóng.

– Bà Thu, VinaCapital: Tăng trưởng lợi nhuận là yếu tố rất quan trọng để dự báo tăng trưởng thị trường. Hầu như các năm trong quá khứ chúng ta đều tăng trưởng dương, nhưng năm ngoái thì xuất khẩu và sản xuất gặp khó khăn, kéo theo tăng trưởng lợi nhuận gần như không có. Năm nay, chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết khoảng 13%.

Nhưng điều quan trọng hơn là nhìn trong dài hạn, tăng trưởng lợi nhuận có thể lên tới khoảng 22%, tức quay lại mức trong giai đoạn 2017-2018. Ở mức tăng trưởng này, chúng ta thấy rằng sẽ rất phù hợp với định hướng dài hạn tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5%, tức tăng trưởng lợi nhuận thị trường chứng khoán, nơi quy tụ các doanh nghiệp tốt trong nền kinh tế, gấp khoảng 3 lần.

Ngoài câu chuyện lợi nhuận đang tốt hơn hầu hết các nước trong khu vực ASEAN, Ấn Độ hay Trung Quốc, một yếu tố khác đáng chú ý của chứng khoán là mức định giá thị trường đang rất thấp.

Trong vòng 10 năm qua, chỉ có khoảng 2 lần mức P/E dự phóng loanh quanh ở mức hiện tại, gần nhất là đầu dịch Covid-19 và xảy ra ra rất ngắn. Điều này nghĩa là Việt Nam hiện đang ở vùng định giá rẻ nhất trong vòng 10 năm và hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Một yếu tố khác để đo lường mức độ định giá đắt rẻ của thị trường mà chúng tôi quan sát thấy là tỷ suất lợi nhuận đầu tư chứng khoán so với tiền gửi. Hiện nay, khoảng cách giữa tỷ suất này so với mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm, chủ yếu từ các ngân hàng quốc doanh khoảng trên 6%, đã mở rộng lên mức cao nhất trong 10 năm qua. Kết hợp với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận tăng trưởng tốt, mức định giá rẻ nhất trong vòng 10 năm qua thì có thể thấy thị trường đang ở mức rất hấp dẫn.

Nguồn: VinaCapital.

Với đánh giá thị trường chứng khoán ở mức hấp dẫn, lãi suất ở mức thấp cũng sẽ tiếp tục kích hoạt dòng tiền quay trở lại thị trường?

– Ông Linh, VPBankS: Hiện tại dòng tiền đã nhập cuộc dần trở lại cho dù thanh khoản chưa bằng giai đoạn 2021-2022. Tuy nhiên, điều quan trọng là niềm tin nhà đầu tư cần ổn định trở lại sau những khó khăn của thị trường BĐS và trái phiếu thời điểm cuối 2022 đầu 2023.

Mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục, nên lãi suất giảm thêm có thể khiến dòng vốn có xu hướng chảy sang các kênh đầu tư khác. Sự dịch chuyển rõ ràng nhất là các thị trường tài sản như Chứng khoán, Vàng, tiền số đều có bước phục hồi tăng giá trở lại.

Trong những kênh này, có lẽ mức hấp dẫn của chứng khoán vẫn cao hơn kể cả về yếu tố thông tin hỗ trợ và thanh khoản của thị trường, nhất là khi vàng biến động thất thường với biên độ lớn, còn bất động sản khá trầm lắng và cần nhiều thời gian để phục hồi kể cả về nguồn cung và yếu tố tái cân bằng về giá.

Yếu tố kích thích dòng vốn trở lại trong năm nay chắc chắn sẽ được thúc đẩy từ chính sách nới lỏng tiền tệ gồm lãi suất, tín dụng, cung tiền. Thứ hai là các giải pháp nâng hạng, và cuối cùng là dòng vốn quốc tế luân chuyển quay trở lại thị trường mới nổi khi lãi suất của Fed đảo chiều.

– Bà Thu, VinaCapital: Chúng tôi kỳ vọng thị trường có thể nhận được mức định giá cao hơn, thanh khoản cải thiện tích cực đến từ dòng tiền trong nước, chủ yếu là người gửi tiền đến kỳ đáo hạn và cần kênh đầu tư tốt hơn.

Trong năm ngoái, dù khối ngoại vẫn bán ròng, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư chủ động, đã chú ý trở lại vì vùng định giá rất rẻ.

Dòng tiền nước ngoài cũng sẽ được thúc đẩy từ việc Fed cắt giảm lãi suất. Thông thường lãi suất đô la giảm thì sẽ kích thích dòng tiền chảy vào thị trường mới nổi và cận biên. Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi vì có nhiều yếu tố nổi trội hơn các thị trường khác.

Nâng hạng thị trường được nhắc đến nhiều trong năm 2023, nhưng không kịp hoàn thành. Còn năm nay thì sao thưa ông/bà?

– Ông Linh, VPBankS: Thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhiều tiêu chí chưa đáp ứng được lộ trình nâng hạng, tuy nhiên nhìn xa hơn, cơ hội để thị trường được FTSE và cả MSCI nâng hạng chỉ là vấn đề thời gian.

Năm 2024 nếu mọi chuyện cải cách thuận lợi, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán sẽ đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện môi trường pháp lý, minh bạch thông tin, hay kể cả việc tự do hóa thị trường ngoại hối, nới room cũng sẽ sớm đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng.

– Bà Thu, VinaCapital: Khả năng nâng hạng là hiện hữu, thậm chí ngay trước khi nâng hạng thì chúng ta đã quan sát dòng tiền đi vào thị trường rồi, không nhất thiết là dòng tiền nước ngoài, mà ngay cả dòng tiền đầu tư nội cũng hứng khởi. Việc triển khai hệ thống KRX có tác động nhất định vì làm tăng thanh khoản thị trường, tiền đề cho nhiều sản phẩm mới.

Vậy ông/bà có khuyến nghị gì về câu chuyện đầu tư trong năm nay, đặc biệt là về rủi ro?

– Ông Linh, VPBankS: Năm 2024 bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn rất nhiều biến động khó lường và có khả năng tiếp tục tác động tới kinh tế Việt Nam. Rủi ro đầu tiên là tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ chậm lại.

Mặc dù lạm phát toàn cầu giảm tốc có thể tạo nền tảng để các ngân hàng trung ương đảo ngược xu hướng chính sách tiền tệ, nhưng tính thời điểm vẫn còn chưa chắc chắn. Đồng đô la Mỹ có khả năng tiếp tục giữ giá trong một khoảng biến động nhất định, mặc dù đang ở mức đỉnh trong nhiều năm.

Sự phân hóa mạnh mẽ giữa biến động các lĩnh vực ngành nghề cùng với sự biến động khó lương của giá cả hàng hóa cơ bản, ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, có thể dẫn tới một năm 2024 mà yếu tố rủi ro cần được quan tâm.

Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư nên chú trọng kỳ vọng dài hạn về triển vọng tăng trưởng quy mô, triển vọng phục hồi lợi nhuận, hoặc định giá đang ở mức hấp dẫn trong góc nhìn trung – dài hạn. Ngoài ra, hãy tìm đến những động lực cơ bản tương đối chắc chắn làm căn cứ xây dựng danh mục đầu tư và thực hiện giải ngân khi mức định giá hấp dẫn.

– Bà Thu, VinaCapital: Các chủ đề xoay quanh của năm nay là môi trường lãi suất bình ổn, phục hồi nhu cầu trong nước, tăng trưởng đầu tư công, FDI tăng trưởng tốt và chuyển đổi số. Khuyến nghị của chúng tôi đến các nhà đầu tư là tiếp tục tập trung vào chọn lọc cổ phiếu, luôn đề cao kỷ luật đầu tư và quản trị rủi ro danh mục.

Chiến lược đầu tư của chúng tôi là tiếp tục chọn lọc cổ phiếu trong tổng số gần 1.700 công ty trên thị trường. Thực tế nếu tìm được cổ phiếu tốt nhất thì lợi nhuận nhà đầu tư đạt được vẫn có thể gấp đôi thị trường.

Xin cảm ơn ông/bà!

Dũng Nguyễn