Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030

Các đại biểu tại Hội thảo thúc đẩy vai trò của các trường đại học trong xây dựng xã hội học tập.

Sau 8 năm triển khai Đề án 89 Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, cả nước cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ theo đúng tiến độ và đạt được một số kết quả quan trọng. Việc thực hiện Đề án gồm sự tham gia của nhiều Bộ ngành.

Trong đó, kết quả nổi bật nhất là phát triển xã hội học tập ở Việt Nam trở thành một sự nghiệp giáo dục, được đông đảo Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội từ Trung ương tới địa phương tham gia.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Đề án 89 đã góp phần đổi mới, cấu trúc lại hệ thống giáo dục, đưa giáo dục thường xuyên và việc học tập của người lớn thành một hoạt động có tính chiến lược; tập hợp đông đảo và đồng bộ các lực lượng xã hội, lực lượng kinh tế tham gia xây dựng chương trình học tập suốt đời tại nhiều cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp.

Ngoài ra, khẩu hiệu “Học tập suốt đời” được đông đảo tầng lớp nhân dân nhận thức là giải pháp hữu hiệu để có năng lực sống và làm việc trong quốc gia đang từng bước tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Đề án 89 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ qua đó được củng cố vững chắc với kết quả là cả nước đã hoàn thành xóa mù chữ theo Quyết định 692 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được duy trì và mở rộng.

Ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo phát biểu tại Hội thảo thúc đẩy vai trò của các trường đại học trong xây dựng xã hội học tập.

Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên; trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống. Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ.

Với những thành quả đã đạt được đó, cũng như nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển xã hội học tập, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng, triển khai Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.

Đích đến cuối cùng của xã hội học tập là tạo công bằng, xóa rào cản và mở rộng cơ hội để mọi người dân được tiếp cận giáo dục và học tập suốt đời. Để biến đích đến này thành hiện thực, còn phải có sự vào cuộc của địa phương. Có sáu nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên triển khai trong thời gian tới.

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, vai trò, lợi ích của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đến mọi người dân;

Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời;

Ba là, tăng cường sự tham gia của các cơ sở giáo dục đại học liên thông qua hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên để cung ứng nguồn tài nguyên học liệu mở, mở rộng cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người;

Bốn là, gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội;

Năm là, nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồnggắn với xóa mù chữ và dạy nghề ngắn hạn;

Sáu là, xây dựng kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát định kỳ, hằng năm; có chế độ khen thưởng kịp thời các đơn vị tích cực triển khai công tác xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

Việc thực hiện thành công những nhiệm vụ trọng yếu này sẽ tạo ra chuyển biến cơ bản đối với hệ thống giáo dục Việt Nam, góp phần đảm bảo mọi người dân Việt Nam đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận giáo dục suốt đời, đồng thời nâng cao trình độ học vấn, văn hóa, tay nghề của nguồn nhân lực Việt Nam trong bối cảnh Đất nước đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng Cách mạng công nghiệp 4.0.