Địa phương nào được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19?

Ngày 8/7, Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 năm 2021-2022.

Kế hoạch này sẽ được cập nhật theo tình hình dịch và khả năng cung ứng vaccine. Đây là căn cứ để các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19.

Sử dụng đồng thời tất cả các loại vaccine

Sử dụng vaccine Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng chống dịch chủ động. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, đồng nghĩa với việc khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vaccine Covid-19.

Chiến dịch sẽ được triển khai từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022, tại tất cả các xã/phường/thị trấn. Lễ phát động chiến dịch dự kiến tổ chức vào thứ Bảy (10/7) tại Bộ Quốc phòng.

Chiến dịch tiêm chủng quy mô toàn quốc được triển khai từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022. Ảnh: Thạch Thảo.

Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine Covid-19 trong năm 2021. Hết quý I/2022, trên 70% dân số sẽ được tiêm vaccine.

6 nguyên tắc triển khai được đặt ra, trong đó, chiến dịch sẽ sử dụng đồng thời tất cả các loại vaccine đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vaccine cho người dân; đảm bảo tiêm hết số lượng vaccine trước khi hết hạn để tránh lãng phí.

Ngoài ra, chiến dịch huy động hệ thống chính trị tham gia, huy động tối đa lực lượng bao gồm cơ sở trong và ngoài ngành y tế, công an, quân đội… hỗ trợ triển khai tiêm chủng.

Đối tượng nào được ưu tiên tiêm chủng?

Toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vaccine theo khuyến cáo của nhà sản xuất được coi là đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch này. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh hai nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm chủng là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Chiến dịch sẽ được triển khai trên quy mô toàn quốc, trong đó ưu tiên cho 4 nhóm tỉnh, thành phố. Thứ nhất là các tỉnh, thành đang có dịch, trong đó ưu tiên tiêm trước cho đối tượng ở vùng đang có dịch.

Thứ 2 là các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm hoặc có thực hiện thí điểm các đề án phát triển kinh tế của Chính phủ

Thứ 3 là các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư.

Thứ 4 là các tỉnh, thành phố có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.

Vaccine dạng đông lạnh phải hủy bỏ nếu không dùng hết

Kế hoạch của Bộ Y tế quy định rõ thời gian vận chuyển vaccine đến các điểm tiêm chủng không quá 3 ngày sau khi có giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine.

Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển tại tất cả các tuyến theo từng khoảng thời gian khác nhau với các loại vaccine có điều kiện bảo quản khác nhau.

Lô vaccine Pfizer đầu tiên được đưa về Việt Nam. Ảnh: N.L.

Bộ Y tế quy định vaccine được bảo quản ở nhiệt độ âm, âm sâu hoặc có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 8 độ C như Pfizer, Moderna hay Janseen. Nếu vaccine đã bảo quản ở nhiệt độ từ 2 độ C tới 8 độ C sẽ không bảo quản trở lại ở nhiệt độ âm.

Còn với vaccine bảo quản ở nhiệt độ -25 độ C đến -15 độ C như vaccine Sputnik V dạng đông lạnh, sau khi rã đông, vaccine không dùng hết phải hủy bỏ theo quy định.

Cả nước có 8 kho vaccine tại Bộ Tư lệnh Thủ đô và 7 quân khu (trong đó TP.HCM và 8 địa phương khác bảo quản vaccine tại kho của Quân khu 7).

Ngọc Lan