Diện mạo mới cho một khởi đầu thành công

Nhưng một diện mạo mới không quyết định sự thành công của một con người; mà sự thay đổi về tư duy, thái độ mới là yếu tố chính quyết định cho sự thành công đó.

Báo Sức khỏe & Đời sống xin gửi đến quý độc giả những chia sẻ của BS.CKII. Vũ Hữu Thịnh - phụ trách quản lý và điều hành khoa Tạo hình - Thẩm mỹ BV đại học Y dược TP.HCM xung quanh vấn đề này.

Thưa bác sĩ, chúng ta vẫn thường nghe gương mặt vàng, tỷ lệ vàng… Là một chuyên gia trong lĩnh vực thẩm mỹ và làm đẹp, theo bác sĩ đâu là tiêu chuẩn cho một vẻ đẹp hoàn mỹ?

Những thông số, những con số có thể giúp cho việc đánh giá một gương mặt hài hòa, một vóc dáng cân đối… tuy nhiên không thể đánh giá giá vẻ đẹp con người dựa vào những con số. Bởi không có bất cứ định nghĩa hay chuẩn mực nào cho một vẻ đẹp.Cái đẹp là cách nhìn mang tính cá nhân của mỗi con người. Đó có thể là vẻ đẹp bên ngoài với một gương mặt đẹp, một thân hình tiêu chuẩn, tràn đầy sức sống… nhưng cũng có thể là vẻ đẹp được toát lên từ tri thức hay tâm hồn của một người. Trên quan điểm cá nhân của một người làm đẹp, cái đẹp hoàn mỹ là sự dung hòa của vẻ đẹp tâm hồn, cái đẹp cần phải gắn liền với sức khỏe, sức sống; sau đó mới đến các yếu tố khác như vóc dáng, làn da, tỷ lệ cơ thể, sự cân đối hài hòa của khuôn mặt…

Hiện nay có một số quan điểm như “thay đổi diện mạo, thay đổi tương lai”, “diện mạo quyết định cuộc đời”… để từ đó xuất hiện các trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ với mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn, phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi tướng số… Bác sĩ nhận định thế nào về vấn đề này?

Điều này là hoàn toàn có thật và phù hơp với tình hình thực tế hiện nay, khi nhu cầu làm đẹp để hướng đến sự hoàn mỹ hay vì một mục đích nào đó như thay đổi tướng số khuôn mặt, thay đổi diện mạo để tiếp cận những cơ hội trong tương lai… là điều không hề hiếm. Xét về khía cạnh tâm lý khi tin vào một nhận định nào đó và thực hiện theo nhận định đó sẽ tạo nên động lực cho con người để theo đuổi một mục tiêu được đặt ra hoặc cũng có thể khi người ta đang đứng trước một vấn đề khó khăn để đưa ra quyết định thì việc thay đổi diện mạo theo một lời khuyên nào đó có thể là căn cứ, là cơ sở niềm tin để người ta quyết định vấn đề. Việc thay đổi diện mạo có giúp một người thuận lợi và thành công hơn hay không thì chỉ có bản thân người đó nhận định được. Ở khía cạnh khác, một số người có tài năng, có năng lực, có tâm hồn đẹp… nhưng những trở ngại về mặt thẩm mỹ có thể dẫn đến những rào cản trong công việc hay trong cuộc sống, dẫn đến mặc cảm, thiếu tự tin… thì một ca phẫu thuật thành công, giúp thay đổi diện mạo, để người đó tự tin hơn với vẻ ngoài, không còn mặc cảm, tự ti trong giao tiếp, hòa nhập tốt hơn xã hội để thực hiện những ước mơ và đạt được những thành công nhất định là hoàn toàn có thực với nhiều bằng chứng rõ ràng. Nhưng cũng phải nói ở một chiều hướng ngược lại, khi phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ mang đến một kết quả màu hồng. Nếu phẫu thuật thẩm mỹ không thể mang lại những kết quả như bệnh nhân mong muốn, hay bệnh nhân gặp phải những biến chứng liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ thì đó có thể là một “vết đen” trong cuộc sống của bệnh nhân, dẫn đến sự thiếu tự tin, mặc cảm và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, sinh hoạt, tâm lý của bệnh nhân. Có thể nói phẫu thuật thẩm mỹ chỉ giúp mở ra một cánh cửa mới cho bệnh nhân. Còn việc quyết định cánh cửa đó đi đến đâu, thành công hay thất bại phần nhiều là do thái độ của người đó mang lại.

Nếu diện mạo của một người sau một cuộc phẫu thuật là một tác phẩm nghệ thuật, thì bác sĩ phẫu thuật hay người được phẫu thuật là người quyết định tác phẩm đó đẹp hay xấu, thành công hay thất bại?

Nếu xem kết quả phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ là một tác phẩm nghệ thuật thì có thể nói bác sĩ là một nghệ sĩ tài hoa trong một chuẩn mực, tức là sự tài hoa của người bác sĩ không quyết định toàn bộ sự thành công của tác phẩm chỉnh hình mà còn chịu ảnh hưởng của người muốn vẽ. Cũng như người bác sĩ cũng cần giới hạn sự sáng tạo của bản thân mình trong những giới hạn và chuẩn mực nhất định. Như đã nói đẹp hay xấu chỉ là những định nghĩa chung và không có một chuẩn mực nhất định, có thể với người này mũi cao da trắng là đẹp, nhưng với người khác da nâu, mũi châu Á lại là đẹp do đó việc đánh giá sự thành công của một ca phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ có thành công hay không nên được dựa vào sự hài lòng của bệnh nhân đối với diện mạo mới của mình hơn là sự đánh giá theo một trào lưu hay một chuẩn mực nào đó.

Bác sĩ chia sẻ về chuẩn mực nhất định về cái đẹp, vậy việc theo đuổi những chuẩn mực này có hay không tạo nên những “khuôn mẫu” và những vẻ đẹp “tương tự nhau”?

Gương mặt giống nhau hay những diện mạo có điểm chung, nhìn tương tự nhau là những điều vốn tồn tại sẵn trong tự nhiên, trong xã hội chứ không phải do sự xuất hiện hay phát triển của phẫu thuật thẩm mỹ mà xuất hiện. Điều này được quyết định dựa trên yếu tố di truyền, kiểu hình hay chủng tộc của môt người, một quốc gia hay một dân tộc. Tuy nhiên khi xuất hiện một tiêu chuẩn cái đẹp nào đó ví dụ như mắt hai mí, sóng mũi cao… được nhiều người công nhận sẽ có thể trở thành một xu hướng làm đẹp được nhiều người theo đuổi, từ đó sẽ xuất hiện những chiếc mũi giống ngôi sao A, những đôi môi giống diễn viên B… Có thể nói, hiện tượng khuôn mẫu trong làm đẹp là do chính thẩm mỹ quan của xã hội cũng như chính người mong muốn làm đẹp quyết định. Người làm đẹp cũng cần tỉnh táo để lựa chọn để phù hợp với bản thân, theo trào lưu của xã hội hay thực hiện theo xu hướng cá nhân. Bởi bản thân, trào lưu và xu hướng luôn có sự phát triển và thay đổi, còn nếu thực hiện theo xu hướng dị biệt thì có thể trở nên khác biệt trong mắt nhiều người.

Một tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thì cũng có thể đẹp dưới mắt nhìn của người này nhưng hoàn toàn không đẹp hay thậm chí là xấu xí với quan điểm của một người khác

TƯỜNG VY (thực hiện)