'Đòn tấn công kép' - chiến thuật mới của Nga tại Ukraine

Tên lửa đạn đạo và kế hoạch "Đòn tấn công kép"

Theo nguồn tin của tạp chí Military Watch, quân đội đang chuẩn bị cho kế hoạch "Đòn tấn công kép" nhằm vào các vị trí chiến lược nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine vào mùa đông năm nay bằng chiến thuật tên lửa đạn đạo. Với kế hoạch tác chiến này, các tên lửa tầm xa sẽ được khai hỏa liên tiếp với quy mô lớn chưa từng có nhắm vào những mục tiêu chỉ định trong khoảng thời gian khác nhau nhằm tối đa hóa tổn thất của đối phương.

Tên lửa đạn đạo của Nga đã từng được "thử lửa" trên nhiều chiến trường.

Chiến thuật ên lửa đạn đạo từng được Nga áp dụng thử nghiệm trong chiến dịch quân sự đặc biệt, gây ra nhiều tổn thất nặng nề cho quân đội Ukraine. Hoạt động này đã bị gián đoạn trong năm 2022 vì sự thiếu hụt số lượng tên lửa 9K720 dự trữ sẵn của Nga cho hệ thống Iskander-M.

Tuy nhiên trong năm 2023, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga đã gia tăng sản lượng tên lửa cho hệ thống Iskander-M lên gấp nhiều lần so với thời điểm trước chiến tranh, bất kể chương trình này đã ngốn của Nga một lượng ngân sách khổng lồ.

Tên lửa 9K720 được sử dụng trong hệ thống Iskander-M của Nga.

Vào tháng 8/2023, phát biểu tại Diễn đàn Quân sự 2023, ông Sergey Pitikov - Giám đốc điều hành của Cục Thiết kế Chế tạo máy - đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất hệ thống Iskander-M khẳng định rằng “nguồn cung đã tăng gấp nhiều lần trong một thời gian ngắn".

Điểm đáng lưu ý là trước đây, loại tên lửa cấp chiến dịch Iskander-M được sử dụng rất hạn chế và thường chỉ cất trong các kho dữ trữ để sẵn sàng đối phó với các tình huống xung đột tiềm tàng có thể xảy ra với NATO trong tương lai.

Tổ hợp tên lửa Iskander-M được triển khai trong một buổi diễn tập của quân đội Nga.

Việc tăng sản lượng lên gấp nhiều lần trong vài tháng qua cũng đồng nghĩa với tình trạng quân đội Nga đã sẵn sàng ở mức cao cho các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo chứ không chỉ dừng lại ở mức độ phòng vệ và răn đe. Vào thời điểm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đang chuyển sang một giai đoạn mới trong bối cảnh quân đội Ukraine bế tắc trên chiến trường với tinh thần suy giảm, phải đối diện với thực tế là sự ủng hộ cũng như các gói viện trợ quân sự của Mỹ và phương Tây đang bị hạn chế nhưng vẫn chưa có tín hiệu đàm phán thì một "đòn tấn công kép" bằng chiến thuật tên lửa của Nga nhằm khuất phục hoàn toàn ý chí kháng cự từ phía sẽ là là một quyết định hợp lý. Quân khu phía Bắc được cho là đơn vị sẽ thực hiện kế hoạch này.

Iskander-M: vũ khí chiến lược của kế hoạch "Đòn tấn công kép"?

Tên lửa Iskander-M (mã hiệu SS-X-26 theo cách định danh của NATO) là loại tên lửa đạn đạo cấp chiến dịch - chiến thuật, được biên chế trong quân đội Nga từ năm 2006. Đây là loại tên lửa có dẫn đường vệ tinh, sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa Iskander-M dài 7,2m, đường kính 0,95m, trọng lượng bay 3,8 tấn, có thể mang đầu đạn với trọng lượng tối đa 380kg. Trần bay của loại tên lửa này là 50km, tầm bắn lên tới 500km.

Tên lửa Iskander-M có tầm bay lên tới 500km đang là mối đe dọa với hàng loạt mục tiêu trọng yếu nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine.

Iskander-M được thiết kế để tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau như bệ phóng tên lửa, hệ thống phòng không, các trung tâm chỉ huy kiểm soát, các doanh trại bộ binh... Việc triển khai một tổ hợp Iskander-M và khai hỏa có thể được thực hiện nhanh chóng trong vòng 16 phút trên một bệ phóng di động. Cũng từ bệ phóng này, tên lửa thứ hai có thể được bắn đi trong thời gian chỉ chưa đầy 1 phút sau khi phóng tên lửa đầu tiên.

Tên lửa Iskander-M có tính cơ động và độ chính xác cao với sai số dưới 5 mét. Ngoài ra, tên lửa này có khả năng thực hiện các tác vụ lẩn tránh trong khi bay để dễ dàng vượt qua hệ thống phòng không đánh chặn của đối phương.

Tên lửa Iskander-M của Nga có khả năng tự điều chỉnh quỹ đạo bay linh hoạt để tăng hiệu quả tấn công mục tiêu và lẩn tránh hệ thống phòng không của đối phương.

Hệ thống tên lửa Iskander-M có khả năng mang nhiều loại đầu đạn, bao gồm cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Đầu đạn hạt nhân mà tên lửa này có thể mang theo là loại có sức công phá dưới 50 kiloton.

Với độ chính xác cao và sức công phá lớn, Iskander-M được đánh giá là có thể giúp Nga tạo nên sức mạnh răn đe rất lớn trước bất kỳ hệ thống vũ khí nào của đối phương.

Đáng chú ý, tính năng của hệ thống tên lửa này rất giống với tên lửa đạn đạo OTR-23 Oka mà Liên Xô từng sản xuất trước đây. Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã kế thừa chương trình phát triển tên lửa Oka và hiện thực hóa nó với cái tên Iskander. Một số chuyên gia quân sự cho rằng, Iskander-M chính là biến thể của Oka-U được biên chế trong quân đội Nga thời kỳ hậu Xô Viết.

Mẫu tên lửa OTR-23 Oka được Liên Xô phát triển trong quá khứ được cho là nguyên mẫu của dòng Iskander-M hiện nay.

Xét về mặt hiệu suất chiến đấu và thực tế hoạt động trên chiến trường, Iskander-M hầu như không có đối thủ. Các nhà phân tích quốc phòng Thụy Điển tại Svenska Dagbladet đã khẳng định rằng Iskander-M đã cung cấp cho Nga một “năng lực quốc phòng hoàn toàn mới”.

Họ cũng nhấn mạnh rằng quỹ đạo bay của loại tên lửa này không hoàn toàn cố định theo dữ liệu lập trình của một tên lửa đạn đạo thông thường, mà nó có khả năng thay đổi trong toàn bộ quá trình bay tới mục tiêu dựa trên những tính toán tự động căn cứ vào điều kiện thực tế cũng như những phản ứng từ hệ thống phòng không của đối phương. Vận tốc của Iskander trong giai đoạn tiếp cận mục tiêu là 2-3km/s (tương đương Mach 5,8 đến 8,7) nên việc đánh chặn đòi hỏi đối phương phải có một hệ thống phòng không tiên tiến với tốc độ tính toán và xử lý tự động siêu nhanh.

Ẩn số của "Đòn tấn công kép": tên lửa Ababil và Fateh

đã có ít nhất hai lần giới thiệu tên lửa Ababil và Fateh của mình với các quan chức Nga. Một lần tại cuộc triển lãm ở Moscow vào tháng 8 và một lần tại cuộc triển lãm ở Tehran vào tháng 9 có Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tham dự.

Iran từng giới thiệu một số mẫu tên lửa đạn đạo do nước này sản xuất với các quan chức quốc phòng của Nga trong thời gian gần đây.

Fabian Hinz, nhà phân tích quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết, tên lửa đạn đạo Ababil là vũ khí chiến thuật tầm trung trong khi các loại tên lửa Fateh rất đa dạng, bao gồm cả những phiên bản có tầm bắn trên 700km.

“Đây là những hệ thống tên lửa đạn đạo tiên tiến với độ chính xác cao, sử dụng nhiên liệu rắn, đã được chứng minh là rất hiệu quả khi người Iran sử dụng. Vì vậy, chúng là những hệ thống vũ khí nguy hiểm và rất phù hợp với nhu cầu của Nga trong thời điểm này. Nếu những tên lửa đó được Nga sử dụng, rất nhiều mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine sẽ bị đe dọa”, nhà phân tích Fabian Hinz khẳng định.

Fateh-110 là một trong những mẫu tên lửa đạn đạo tầm xa có độ chính xác cao của Iran.

Như vậy, nếu Iran đồng ý cung cấp những loại tên lửa đạn đạo Fateh cho Nga, kế hoạch "Đòn tấn công kép" của Nga sẽ có thêm những vũ khí chiến lược mới bên cạnh hệ thống Iskander-M.

"Đòn tấn công kép": cái bắt tay giữa Nga và Iran

Trong một diễn biến khác, Hoa Kỳ vừa đưa ra cảnh báo mới rằng Iran và Nga đang có những hoạt động hợp tác quân sự liên quan tới tên lửa đạn đạo.

Ngày 21/11, John Kirby - người phát ngôn an ninh của Nhà Trắng cho biết: “Iran có thể đang chuẩn bị tiến thêm một bước nữa trong việc hỗ trợ Nga” bằng cách cung cấp cho Moscow tên lửa đạn đạo để sử dụng trong cuộc chiến tranh Ukraine. Ông cáo buộc rằng Moscow đã đề nghị với Tehran “một sự hợp tác quốc phòng chưa từng có”, bao gồm cả lĩnh vực điện tử và phòng không.

John Kirby - người phát ngôn an ninh của Nhà Trắng cảnh báo về khả năng Iran sẽ cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga để sử dụng trong cuộc chiến tranh Ukraine.

Iran muốn mua các thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD từ Nga, bao gồm trực thăng tấn công, hệ thống radar và máy bay huấn luyện chiến đấu. Trước đó, Iran cũng đã công khai bày tỏ nhu cầu đối với các máy bay chiến đấu Su-35 tiên tiến của Nga, Kirby cho biết.

Phương Tây từng nhiều lần khẳng định rằng Iran đã cung cấp cho Nga hàng trăm UAV cảm tử sử dụng cho cuộc chiến tại Ukraine. Phương Tây cũng đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức liên quan của Iran trong hoạt động này.

Cũng theo Kirby, vào tháng 6/2023, Iran đã hỗ trợ Nga xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái. Và hiện tại, Iran đã cung cấp cho Nga cả bom dẫn đường và đạn pháo.

Tuy nhiên, việc Iran có cung cấp các loại tên lửa đạn đạo tối tân cho Nga hay không vẫn còn đang là một câu hỏi bỏ ngỏ lời giải đáp.

Theo Abdolrasool Divsallar, giáo sư trợ giảng tại Đại học Cattolica có trụ sở tại Milan, gần một năm nay Hoa Kỳ đã cáo buộc rằng Iran có thể đang chuẩn bị cung cấp tên lửa cho Nga nhưng chưa có một động thái cụ thể nào.

Divsallar cho biết Iran hiện đang có hợp tác ngoại giao với phương Tây về cuộc chiến của Israel ở Gaza và không muốn leo thang căng thẳng với Liên minh châu Âu. Ông nhận định rầng: “Việc cung cấp khả năng tấn công chính xác tầm xa cho Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine sẽ gây ra sự leo thang căng thẳng giữa Iran và EU, và người Iran không muốn điều đó vào lúc này”.

Giáo sư Abdolrasool Divsallar của Đại học Cattolica cho rằng còn quá sớm để khẳng định Iran sẽ chuyển giao tên lửa đạn đạo tầm xa cho Nga vì còn vướng hàng loạt rào cản về chính trị và ngoại giao.

Nhà phân tích Divsallar tin rằng Iran có thể đang sử dụng các chuyến thăm quân sự với các quan chức Nga để phô trương sức mạnh quốc phòng nhằm tạo lợi thế thương lượng để thuyết phục Moscow cung cấp cho họ những vũ khí tiên tiến mà họ đang cần, ví dụ như máy bay chiến đấu Su-35.

“Vì vậy, đánh giá của tôi là điều này sẽ không diễn ra vào thời điểm hiện tại. Có cả những lý do chính trị ở cấp độ quan hệ ngoại giao giữa EU và Iran cũng như giữa Nga và Iran". Ông Divsallar phản biện cáo buộc của Hoa Kỳ về khả năng Iran sẽ cung cấp tên lửa đạn đạo tầm xa cho Nga.