Đông Nam bộ: Mở đường cho kinh tế phát triển bền vững

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại lễ ra mắt giao diện mới Báo Đồng Nai điện tử và hội thảo báo Đảng miền Đông Nam bộ mở rộng năm 2023 với chủ đề “Báo Đảng với việc tuyên truyền liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Ảnh: Huy Anh

Nâng cao khả năng kết nối để “đầu tàu” kinh tế phát triển nhanh và bền vững, tạo động lực đột phá cho cả nước là vấn đề đặt ra cho vùng ĐNB.

* Loạt quyết sách mới cho “đầu tàu”

Vùng ĐNB có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Nơi đây hội tụ phần lớn các điều kiện và lợi thế nổi trội để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, khoa học công nghệ, năng lượng. Nhờ yếu tố này, cộng thêm sự năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển vùng đã vươn lên dẫn đầu các vùng cả nước về: GRDP, thu ngân sách, xuất khẩu, tỷ lệ đô thị hóa…

Tuy nhiên, những năm gần đây, tăng trưởng của vùng ĐNB có chiều hướng giảm, chậm hơn so với các vùng kinh tế khác. Nguyên nhân là ngành khai thác khoáng sản, đặc biệt là dầu khí suy giảm; đại dịch Covid-19 trong các năm 2020 và 2021 ảnh hưởng nặng nề đến ngành dịch vụ; biến động của kinh tế và chính trị thế giới khiến ngành công nghiệp gia công rơi vào tình trạng “đứt gãy” chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó là sự xuất hiện các yếu tố làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của vùng trong thu hút đầu tư như: tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, triều cường, nhà ở.

Vùng ĐNB gồm TP.HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. Vùng chiếm hơn 7% diện tích, gần 19% dân số nhưng đóng góp hơn 30% GDP, khoảng 38% tổng thu ngân sách và hơn 35% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT ễn Chí Dũng cho rằng, tăng trưởng của vùng ĐNB đang có xu hướng chậm lại, có năm thấp hơn bình quân chung cả nước; đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước và xuất khẩu đã giảm; tốc độ tăng năng suất lao động thấp; công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm. “Điểm nghẽn” lớn nhất của vùng là kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng.

Nhận thấy các tồn tại này, năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐNB. Nghị quyết xác định, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để vùng trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Tiếp đó, năm 2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trọng tâm của nghị quyết là cho phép “hạt nhân” của vùng là TP.HCM thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường… để thu hút nhà đầu tư chiến lược, khơi thông nguồn lực, tạo đà cho sự phát triển của thành phố cũng như của vùng.

Cũng trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập và làm chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐNB. Ngay khi thành lập, Hội đồng đã họp bàn về phương hướng, giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu. Đồng thời, xúc tiến việc lập quy hoạch vùng ĐNB thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vùng phát triển nhanh và bền vững

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, để tháo gỡ những “nút thắt”, đồng thời mở đường cho vùng ĐNB phát triển nhanh và bền vững thì cần nâng cao khả năng kết nối các hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.

Bản đồ định hướng mạng lưới giao thông vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Nguồn: Bộ KH-ĐT

Vùng sẽ tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, đường vành đai. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển. Hoàn thành mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2 và đưa vào khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn l. Cải tạo các tuyến đường thủy nội địa và hình thành các cụm cảng nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như giải tỏa công suất cho các cảng biển lớn. Phát triển cảng biển Cái Mép - Thị Vải và cảng Cần Giờ thành cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế. Đẩy nhanh hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM, đường sắt đô thị kết nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành; nghiên cứu đầu tư thêm tuyến đường sắt vận tải hàng hóa Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép - Thị Vải và cảng Cần Giờ.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, thời gian qua, trung ương quan tâm và cho triển khai hàng loạt dự án hạ tầng ở vùng ĐNB. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của từng địa phương cũng như cả vùng. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa cao trong khi một số dự án hạ tầng triển khai chậm dẫn đến quá tải. Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xây dựng cầu Cát Lái. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và dự án Kéo dài đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên về Đồng Nai.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho biết, Đồng Nai đang tiếp tục hợp tác với Bình Dương và TP.HCM nghiên cứu giải pháp phát triển vận tải đường sông kết hợp khai thác du lịch và đô thị dọc hai bên bờ sông Đồng Nai.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐNB cho rằng, để ĐNB phát triển thịnh vượng và bền vững cần xử lý tốt 3 vấn đề: Ách tắc giao thông, ở nhiễm môi trường, nhà cho người dân.

Phối cảnh đường vành đai 3 - TP. HCM đoạn qua địa bàn tỉnh

Về giao thông, Thủ tướng cho rằng, phải phát triển mạnh các phương thức giao thông, lấy giao thông hàng không và giao thông thủy là kết nối quốc tế, các phương thức còn lại là kết nối nội địa. Coi trọng việc huy động các nguồn lực của trung ương, địa phương, tư nhân, hợp tác công tư để phát triển hạ tầng, nhất là các dự án lớn có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.

Các quyết sách quan trọng cho cả vùng đã có, dự án hạ tầng kết nối đang triển khai hoặc đã được “bấm nút”, công tác lập quy hoạch vùng cũng đang được xúc tiến… Hy vọng trong tương lai, ĐNB phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và các cơ chế, chính sách để phát triển thịnh vượng; xứng đáng là trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, giáo dục khoa học, công nghệ hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Hoàng Lộc